Ấn tượng kinh tế Việt Nam 2018
02/01/2019 10:04
Năm 2018 khép lại với những con số rất ấn tượng, khẳng định 2018 là một năm thành công của kinh tế Việt Nam.
Năm 2018 có thể nói là năm ấn tượng của kinh tế Việt Nam với các điểm nhấn về hội nhập kinh tế quốc tế khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực. Đây cũng là năm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt tốc độ cao nhất trong vòng 10 năm, trong đó thu hút FDI là “điểm sáng”.
“Điểm sáng” từ thu hút FDI
Từ một tỉnh có nguồn thu khoảng 100 tỷ đồng và phụ thuộc nhiều vào ngân sách Trung ương ở thời điểm tái lập, đến nay, sau 20 năm xây dựng và phát triển, số thu nội địa của Vĩnh Phúc chỉ đứng sau Hà Nội và TP.HCM, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nhân tố quan trọng nhất trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách cho tỉnh. Có thể nói, sau 20 năm thu hút FDI, tỉnh Vĩnh Phúc đã vươn lên trở thành một trong những địa phương hội tụ các dòng vốn FDI của các nhà đầu tư lớn như Toyota, Honda hay Piaggio... Và sự tham gia đầu tư của các “ông lớn” nước ngoài đã làm “thay da đổi thịt”, tạo diện mạo mới cho địa phương này.
Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 19,1 tỷ USD năm 2018.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vĩnh Phúc chỉ là 1 trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã và đang thu hút tốt nguồn vốn FDI. Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua các đóng góp xã hội, nộp ngân sách Nhà nước, tạo giá trị gia tăng.
Cụ thể, sau 30 năm thu hút đầu tư FDI, hiện cả nước có khoảng 334 tỷ USD vốn đăng ký với hơn 26.600 dự án còn hiệu lực. Theo đó, khu vực FDI đã ngày càng phát triển, trở thành một trong những khu vực năng động nhất của nền kinh tế. FDI đã đóng góp lớn trong việc gia tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, khu vực FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ngoài ra, khu vực FDI cũng đã góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người dân, ổn định tình hình xã hội. Riêng năm 2018, Việt Nam đã thu hút 1.918 dự án cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt hơn 13,481 tỷ USD, tăng 18,1% về số dự án và 0,2% về vốn đăng ký so với năm 2017.
Đánh giá về chặng đường 30 năm thu hút đầu tư FDI, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, chặng đường 30 năm thu hút FDI đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. FDI có vai trò quan trọng, trở thành “điểm sáng” của nền kinh tế Việt Nam.
Một kết quả quan trọng khác là đầu tư FDI đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện FDI đã tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực như viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin... Đây là nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn cũng như thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Nắm bắt “cơ hội vàng” từ CPTPP
Năm 2018 còn đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam khi CPTPP chính thức có hiệu lực sau 7 năm với 40 vòng đàm phán. Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, việc tham gia Hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn.
Năm 2018 khép lại với những con số rất ấn tượng, khẳng định 2018 là một năm thành công của kinh tế Việt Nam.
Tham gia Hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%. Với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động.
Bên cạnh đó, CPTPP sẽ giúp ta có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp ta nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Đồng thời, Việt Nam có điều kiện rất tốt để thu hút FDI của 10 thành viên còn lại. Thông qua thành viên của hiệp định, là các nước có nền kinh tế phát triển cao, hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, chúng ta sẽ học tập, trao đổi kinh nghiệm để hoàn thành hệ thống pháp luật nước ta, cũng như việc quản lý, điều hành nền kinh tế thị trường.
Đánh giá về “cơ hội vàng” mà CPTPP mang lại, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tham gia hiệp định là cơ hội lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như vị thế của Việt Nam trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là cầu nối quan trọng đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Ngoài ra, CPTPP còn là động lực giúp doanh nghiệp Việt Nam tập trung đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, CPTPP là cơ hội mở rộng thương mại đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ. Cơ hội nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại, trong đó có nhiều đối tác chiến lược quan trọng của chúng ta.
Đây là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, có thêm việc làm cho người lao động, cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân, là cơ hội đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn của một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, xung đột và chiến tranh thương mại leo thang thì những cơ hội này càng quý giá.
Tiềm năng là vậy, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, tất cả mới chỉ là cơ hội. Nếu Việt Nam không nắm bắt được cơ hội này thì nguy cơ các cơ hội này có thể không trở thành hiện thực. Bài học từ việc thực thi 10 FTA, WTO đã cho thấy rất rõ điều này. FTA, WTO hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội nhưng phần lợi ích thực sự đạt được còn khiêm tốn, người dân Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự hưởng lợi như mong muốn. Nhiều chuyên gia phân tích, sở dĩ Việt Nam chưa nắm bắt được các cơ hội này là do thể chế hành chính của chúng ta còn nhiều vấn đề bất cập. Vì thế, cần gấp rút cải cách thủ tục hành chính sâu rộng hơn nữa để cải thiện căn bản môi trường kinh doanh.
Tăng trưởng kinh tế cao nhất 10 năm
Bất chấp những khó khăn từ rào cản thương mại, sự gia tăng bảo hộ của các nước hay căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn chinh phục “đỉnh cao” mới. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt tốc độ cao nhất trong vòng 10 năm và có khả năng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trên 7% vào năm 2019.
Trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó không ít chỉ tiêu đạt mức kỷ lục từ trước đến nay.
Năm 2018 cũng là năm thứ 3 liên tiếp lạm phát được kiểm soát dưới 4%. Dự trữ ngoại hối Nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện thông qua việc cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu. Nhờ kinh tế - xã hội phát triển ổn định, quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 ước đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540USD, tăng 440USD so với năm 2015.
Như vậy có thể nói, năm 2018 khép lại với những con số rất ấn tượng, khẳng định 2018 là một năm thành công của kinh tế Việt Nam. Điều này sẽ tạo tiền đề, hỗ trợ tích cực hơn cho kinh tế Việt Nam 2019 “cất cánh”./.