60 năm ngày truyền thống của đội ngũ công nhân Gang thép Thái Nguyên (29/11/1963 - 29/11/2023)
“Tôi thực sự rất tự hào về truyền thống gang thép, con người gang thép rất thân ái, yêu thương và giúp đỡ nhau. Giai đoạn đầu, chỉ bằng sức người là chủ yếu mà có thể san lấp được tới 50 quả đồi, 11 triệu m3 đất đá, vận chuyển hàng vạn tấn xi măng, sắt thép và để đến ngày 29/11/1963 ra được mẻ gang đầu tiên”- ông Hoàng Đức chia sẻ
27/11/2023 09:19
Nhìn lại chặng đường hào hùng 64 năm xây dựng phát triển và 60 năm truyền thống (29/11/1963 - 29/11/2023) của công nhân gang thép Thái Nguyên khiến “những người làm thép” không khỏi bồi hồi xúc động xen lẫn tự hào trào dâng.
Trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua giai đoạn đầu của chiến tranh Việt Nam ở miền Nam, tại miền Bắc, cách mạng xã hội chủ nghĩa đang được xây dựng và phát triển. Khi đó, một trong những công trình trọng điểm được khởi công xây dựng nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ XIV của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II về “Ra sức phát triển công nghiệp sản xuất các tư liệu sản xuất", là khu Công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến luyện gang, luyện thép và cán thép.
Ngày 29/11/1963, mẻ gang đầu tiên của Công ty ra lò đánh dấu quá trình khắc phục khó khăn, dám nghĩ, dám làm với tinh thần tự lực cánh sinh rất cao của hơn 2 vạn 2 ngàn cán bộ, công nhân toàn công trường khi ấy. Nó trở thành mốc son quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của Công ty cũng như của ngành luyện kim Việt Nam. Và vì thế ngày này được lấy là ngày truyền thống của đội ngũ công nhân Gang thép Thái Nguyên.
Trò chuyện với ông Hoàng Đức (78 tuổi) - một cán bộ lão thành của những ngày đầu, tôi chợt nhận ra trong cách gọi trìu mến Công ty gang thép Thái Nguyên với ông chỉ ngắn gọn là “gang thép”. “Tôi thực sự rất tự hào về truyền thống gang thép, con người gang thép rất thân ái, yêu thương và giúp đỡ nhau. Giai đoạn đầu, chỉ bằng sức người là chủ yếu mà có thể san lấp được tới 50 quả đồi, 11 triệu m3 đất đá, vận chuyển hàng vạn tấn xi măng, sắt thép và để đến ngày 29/11/1963 ra được mẻ gang đầu tiên”- ông Hoàng Đức chia sẻ.
Những hồi ức ăn sâu vào trái tim, khối óc đến độ người cán bộ già đã tự viết tay 10 trang giấy về từng giai đoạn của gang thép Thái Nguyên để tác giả lấy làm tư liệu.
Cuộc phỏng vấn tự nó đã trở nên một câu chuyện tâm tình của một cán bộ đã trải qua bao thăng trầm biến đổi, có những nỗi buồn, có những trăn trở về những dự định dang dở chưa thể thực hiện: “Giai đoạn 1964-1975 là giai đoạn thực sự khó khăn sau chiến tranh để duy trì, phát triển sản xuất tìm tòi hướng đi lên. Năm 1965 Mỹ đánh phá miền Bắc, gang thép dừng xây dựng, công tác sơ tán máy móc (19.360 tấn), đào hầm hào và 1300 cán bộ công nhân viên chức đi làm nhiệm vụ ở chiến trường nhưng đến 1969 vẫn khôi phục sản xuất lần 1. Năm 1972 Mỹ ném bom lần 2, cán bộ công nhân gang thép lại dừng sản xuất, tháo dỡ hàng ngàn tấn thiêt bị đi sơ tán, thiệt hại rất nặng nề nhưng tháng 1/1973 Hiệp định Pari được ký kết, gang thép lại lao vào sửa chữa, khôi phục sản xuất lần 2..”
Khi được hỏi về kỷ niệm về thời gian công tác, ánh mắt ông bừng sáng như sống lại những ngày tháng sôi nổi, nhiệt tình, ông bảo: “Một ngày, một tháng ở gang thép đều đầy ắp những kỷ niệm bởi trải qua bao mất mát, hy sinh con người ta gắn kết với nhau bền chặt lắm”.
Sự tự hào, vui sướng hiện rõ trên khuôn mặt ông khi tôi cập nhật cho ông những thành tựu đổi mới của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) như nhờ chủ động đầu tư dây chuyền công nghệ, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, các sản phẩm thép mang thương hiệu TISCO đã giành được nhiều giải thưởng: Hàng Việt Nam chất lượng cao; Sao vàng đất Việt, Thương hiệu nổi tiếng với người tiêu dùng; Nhãn hiệu có uy tín tại Việt Nam; Thương hiệu nổi tiếng ASEAN; Ngôi sao Quốc tế về Quản lý chất lượng ISLQ, Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam ...; các sản phẩm thép TISCO đã được lựa chọn, sử dụng vào hầu hết các công trình trọng điểm Quốc gia như: Nhà ga T2, Sân bay Quốc tế Nội Bài; cầu Nhật Tân; tòa nhà Quốc hội; Trung tâm hội nghị Quốc gia...và được xuất khẩu sang các thị trường Quốc tế như Canada, Singapore, Indonesia, Lào, Campuchia..
Mạch chuyện cứ như dòng chảy, đâu đó đề cập đến các dự án hiện tại như Dự án Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 hay những khó khăn mà ngành thép hiện nay đang gặp phải, ông rất kiên định: “Đừng nản chí, tôi tin vào những quyết sách, đường lối của Đảng, tin vào những giải pháp có tính toán của Tổng Công ty, hơn cả là một niềm tin vào nỗ lực quyết tâm vượt khó của toàn thể đội ngũ công nhân, những người kế thừa tinh thần một tinh thần thép cùng đồng cam cộng khổ, vươn mình trong gian khó sẽ kiến tạo một tương lai tốt đẹp cho ngành thép”.
Đây cũng chính là điều mà anh Hoàng Văn Cường - Phó Giám đốc Nhà máy Cán thép Lưu Xá đã khẳng định trong bài viết “Có một Gang thép Thái Nguyên vẫn rừng rực cháy” đăng trên Tạp chí Công Thương gần đây: “Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên đâu phải chỉ có Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Đó chỉ là một trong rất nhiều công trình dự án, nó không tiêu biểu cho tất cả. Không có Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2, chúng tôi vẫn còn cả một Công ty CP Gang thép Thái Nguyên với hơn 4.400 CBCNV giỏi tay nghề, yêu lao động, một đơn vị luôn vững mạnh, phát triển với bề dầy truyền thống cho đến nay.”
Những cuộc thi tay nghề giỏi, những sáng kiến sáng tạo, các hội thảo nâng cao hiệu quả an toàn hay hàng loạt các đổi mới trong vận hành sử dụng, tối ưu hóa các giải pháp về năng lượng hiệu quả và tiết kiệm của Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên trong giai đoạn gần đây đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của cán bộ công nhân là minh chứng về tinh thần, nhiệt huyết của những người thợ gang thép chưa bao ngưng nghỉ.
Xin chúc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên luôn giữ vững bản lĩnh, phát huy truyền thống lao động sáng tạo quên mình, vượt khó thành công để dòng gang thép trong lò luyện luôn rực đỏ, tiếng máy chạy luôn rền vang tiếp tục góp phần dựng xây đất nước. Chúc thương hiệu TISCO luôn rạng ngời tỏa sáng, bắc nhịp cầu nối tới nhiều vùng miền và sải cánh vươn xa hơn nữa trong tương lai.
Thu Hà - VNS