Việt Nam chính thức điều tra thép hợp kim xuất xứ Trung Quốc và Hàn Quốc
22/10/2018 09:31
Bên yêu cầu điều tra thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn hoặc quét vécni hoặc phủ plastic hoặc phủ loại khác xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc là bốn nhà sản xuất thép phủ màu đại diện cho ngành sản xuất trong nước, bao gồm: Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc, Công ty Tôn Phương Nam, Công ty cổ phần Thép Nam Kim và Công ty cổ phần Thép TVP.
Ngày 15 tháng 10 năm 2018, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3877/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn hoặc quét vécni hoặc phủ plastic hoặc phủ loại khác có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nước Đại Hàn Dân quốc (mã số vụ việc AD04).
Bên yêu cầu trong vụ việc này là bốn nhà sản xuất thép phủ màu đại diện cho ngành sản xuất trong nước, bao gồm: Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc, Công ty Tôn Phương Nam, Công ty cổ phần Thép Nam Kim và Công ty cổ phần Thép TVP.
Thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá từ 1/6/2017 đến 31/5/2018. Thời kỳ điều tra xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, từ 1/6/2014 đến 31/5/2018.
Hàng hóa bị cáo buộc bán phá giá là một số sản phẩm thép phủ màu, được phân loại theo mã HS sau: 7210.70.11, 7210.70.19, 7210.70.91, 7210.70.99, 7212.40.11, 7212.40.12, 7212.40.19, 7212.40.91, 7212.40.92, 7212.40.99.
Biên độ bán phá giá cáo buộc: hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc: 25,5% và từ Hàn Quốc: 19,25%.
Theo nguyên đơn cáo buộc, trong thời gian qua, lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc và Hàn Quốc có xu hướng gia tăng, hàng hóa bị cáo buộc bán phá giá là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước thể hiện qua việc suy giảm ở các số chỉ số như: công suất sử dụng, sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, tồn kho…
Sau khi tiến hành điều tra, trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, Cơ quan điều tra có thể kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định việc áp dụng thuế CBPG tạm thời theo quy định tại Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 37 Nghị định 10/2018/NĐ-CP.
Đồng thời, theo quy định tại Khoản 4 Điều 81 của Luật Quản lý ngoại thương và Điều 45 Nghị định 10/2018/NĐ-CP, căn cứ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra, Bộ Công Thương có thể áp dụng thuế CBPG có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa bị áp thuế trong thời hạn 90 ngày trước khi biện pháp CBPG tạm thời có hiệu lực.
Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra cần lưu ý về khả năng áp dụng thuế CBPG tạm thời và thuế CBPG có hiệu lực trở về trước.
Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương khuyến cáo, trường hợp muốn tiếp cận thông tin lưu hành công khai về vụ việc cũng như các thông tin khác trong quá trình điều tra, đề nghị các tổ chức, cá nhân gửi đơn đăng ký làm bên liên quan đến Bộ Công Thương, thời hạn đăng ký muộn nhất vào 17h00 ngày 15/11/2018.
Bộ Công Thương khuyến nghị tất cả các tổ chức, cá nhân đang xuất nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên liên quan để đảm bảo quyền và lợi ích của chính mình theo quy định của pháp luật.