Vai trò Công đoàn trong sự nghiệp công nghiệp hoá
22/10/2012 00:00
Để đáp ứng yêu cầu của thời đại và cũng là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hội nhập hiện nay, tổ chức Công đoàn có nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục NLĐ nâng cao trình độ văn hoá chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng một tác phong công nghiệp Ngoài ra, còn phải truyền đạt cho NLĐ am hiểu luật pháp và chấp hành luật pháp, vì hơn ai hết, khi NLĐ am hiểu và chấp hành luật pháp thì đó chính là thứ “bảo bối” để tự bảo vệ quyền lợi của mình và là sự bảo đảm bền vững nhất.
Vai trò của Công đoàn trong việc nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ
Việt Nam, có đội ngũ lao động cần cù, thông minh, chịu khó , nhưng trên thực tế, công tác đào tạo vẫn còn rất nhiều hạn chế, lao động ở trình độ phổ thông còn nhiều. Do đó, việc tạo điều kiện học tập để đội ngũ công nhân lao động nâng cao trình độ ở mọi nơi, mọi lúc, mọi chỗ, để công nhân lao động thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong thời kỳ mới, đó cũng là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn. Hiện nay, trường dạy nghề chuyên nghiệp của Việt Nam nhiều nhưng chất lượng chưa cao, máy móc trang thiết bị lại không theo kịp với trình độ hiện đại. Điều đó, đòi hỏi người lao động vừa học ở trường, vừa học ở xí nghiệp, doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp có trang thiết bị tốt, phối hợp với trường đào tạo nâng cao nghiệp vụ để có được nhiều người lao động có tay nghề cao.
Công đoàn phải thể hiện mình là cầu nối giữa các trường đại học, dạy nghề với các doanh nghiệp có trình độ tiên tiến để việc đào tạo và sử dụng lao động liên hoàn với nhau, để đào tạo ra là ứng dụng ngay. Trong trường hợp này, Công đoàn, đặc biệt là Công đoàn ngành phải tích cực, chú trọng tới chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, phải gắn kết giữa đào tạo và sử dụng, tránh hiện trạng đào tạo ra lại không sử dụng được, rất lãng phí. Do đó gắn kết giữa nhu cầu xã hội và đào tạo là điều rất quan trọng
Ngoài định hướng giáo dục ý thức cho NLĐ, Công đoàn còn chăm lo đời sống của NLĐ. Thực tế hiện nay, sự hưởng thụ của NLĐ từ sự phát triển chung của đất nước chưa đồng đều. Có những người công nhân còn rất khó khăn, khoảng cách giàu nghèo đang phân hoá lớn. Công đoàn phải thường xuyên quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ NLĐ để họ yên tâm làm việc.
Tạo môi trường hài hoà giữa người sử dụng lao động và NLĐ
Tình trạng đình công thường xuyên xảy ra tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đều xuất phát từ việc người sử dụng lao động thiếu sòng phẳng và công minh với NLĐ về những quyền lợi mà họ được hưởng như: Tiền lương, tiền thưởng thấp; không ký hợp đồng lao động với NLĐ; không đóng bảo hiểm xã hội; tăng ca liên tục, không trả phụ cấp làm thêm giờ; sa thải hoặc có những quy định hà khắc đối với NLĐ; xúc phạm nhân phẩm NLĐ mà không có sự can thiệp của Công đoàn - tổ chức đại diện hợp pháp cho họ để giải quyết tranh chấp.
Ông Lê Trung Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp Tp.Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân là do NLĐ không tin vào tổ chức Công đoàn và cho rằng Công đoàn chỉ bảo vệ quyền lợi của giới chủ. Trên thực tế thì vai trò của Công đoàn cơ sở ở một số doanh nghiệp còn quá yếu, thiếu kinh nghiệm và thiếu bản lĩnh giải quyết những vướng mắc trong tranh chấp lao động. Cán bộ Công đoàn đều là bán chuyên trách, ăn lương của chủ, nhưng làm việc cho Công đoàn. Nếu đứng về phía NLĐ sẽ bị giới chủ vô hiệu hoá, thay đổi chỗ làm việc, hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, người làm công tác Công đoàn phải thể hiện cho doanh nghiệp thấy rằng, nếu họ chấp hành tốt luật pháp thì phát triển tốt, còn nếu vi phạm sẽ không tồn tại và phát triển được. Như vậy, tạo được môi trường lao động hài hoà, cả cho NLĐ và người sử dụng lao động đều chấp hành, sẽ tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp và địa phương.
(Nguồn: CNTT)