Tổng hợp giá nguyên vật liệu sản xuất thép thế giới trong tuần 17 – 21/01/2022

Giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép trong khu vực phần lớn đều tăng cao trong tuần 17 – 21/01, chủ yếu do triển vọng thị trường sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán có những dấu hiệu tích cực. Giá than mỡ Trung Quốc ổn định so với một tuần trước đó, do nhu cầu nội địa yếu, trong khi giá xuất khẩu nguồn Úc đạt kỷ lục từ trước đến nay ở mức 444 USD/tấn FOB Úc. Triển vọng thị trường thép phế khu vực Châu Á hiện khó dự đoán, và khách hàng đang chờ đợi những dấu hiệu rõ ràng hơn.

24/01/2022 11:30

Quặng sắt: Giá nhập khẩu đường biển tăng cao

Giá quặng sắt đường biển đã tăng cao trong tuần 17-21/01 do triển vọng nhu cầu của Trung Quốc sau Thế vận hội mùa đông có những dấu hiệu tích cực.

Ngày 21/01, Platts ghi nhận giá quặng sắt 62% Fe đã tăng 10,65 USD/dmt so với một tuần trước đó lên mức 137,40 USD/dmt CFR Bắc Trung Quốc.

Kỳ vọng về việc nhiều lò cao hoạt động trở lại và việc chính sách tiền tệ ở Trung Quốc được nới lỏng hơn đã thúc đẩy nhu cầu cho các lô hàng quặng giao tháng 3, trong khi lượng hàng quặng sắt giao tháng 2 vẫn dư thừa nhiều trên thị trường thứ cấp.

Than mỡ: Giá xuất khẩu Úc tăng mạnh

Trong tuần 17-21/01, giá xuất khẩu than mỡ đường biển nguồn Úc tiếp tục xu hướng tăng mạnh, trong khi than nhập khẩu Trung Quốc có rất ít giao dịch khi vẫn còn khoảng cách giữa giá chào bán và trả giá của bên mua, do nhu cầu yếu trong khi nguồn cung khan hiếm.

Platts ghi nhận giá xuất khẩu than mỡ tốt, chất bốc thấp (PLV) nguồn Úc tăng 15 USD/tấn lên mức 444 USD/tấn FOB Úc, và giá nhập khẩu CFR Trung Quốc ổn định ở mức 405,5 USD/tấn CFR Trung Quốc vào ngày 21/1.

Trên thị trường quốc tế, nhu cầu hàng giao ngay tăng cao ở Ấn Độ và Châu Âu và nguồn cung khan hiếm tiếp tục hỗ trợ giá than. Hoạt động giao dịch mạnh mẽ đã đẩy giá than ngày 21/01 lên mức 445 USD/tấn FOB Úc cho 75.000 tấn, với thời gian nhận hàng vào khoảng giữa tháng 3.

Tại Trung Quốc, việc hạn chế sản xuất thép để chuẩn bị cho Thế vận hội mùa đông đã làm giảm nhu cầu về than cốc, trong khi việc dự trữ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán gần như đã hoàn tất, khiến tâm lý thị trường tiếp tục suy yếu. Triển vọng sau Tết Nguyên đán là không chắc chắn vì thị trường vẫn chờ đợi việc cập nhật các chính sách về sản lượng thép năm 2022.

Thép phế: Triển vọng thị trường khó dự đoán

Giá thép phế tại khu vực Nam Á tăng lên do dự đoán giá thép tại khu vực này có thể được cải thiện sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Giá trị giao dịch hiện tại của thép phế băm đóng container đang ở mức 540 USD/ tấn CFR Nhava Sheva.

Mức chênh lệch giữa giá chào và trả giá bị thu hẹp đã khơi dậy mối quan tâm của các doanh nghiệp Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu, có thể tiếp tục kéo dài đến cuối Quý I/2022 và khiến lượng nhập khẩu tăng cao. Tuy nhiên, khách hàng Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng trong việc tìm kiếm các dấu hiệu có thể định hướng thị trường sau Tết Nguyên đán và Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.

Có nhiều ý kiến trái chiều về kỳ vọng của thị trường đối với nhu cầu phế liệu đường biển đầu năm 2022. Một số dự đoán hướng đến việc thị trường sẽ được cải thiện sau Tết Nguyên đán khi nhu cầu xây dựng hồi phục ở Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, nếu giá phôi thép vẫn ở mức thấp, khiến biên lợi nhuận của các nhà máy chịu áp lực, giá phế liệu sẽ dễ có xu hướng hạ nhiệt hơn.

Thép cuộn cán nóng: Giá tăng do chi phí nguyên vật liệu tăng

Trong tuần 17-21/01, giá thép cuộn cán nóng (HRC) Châu Á tăng cao trong bối cảnh chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, khiến khách hàng cũng phải nâng mức trả giá theo.

Platts ghi nhận giá HRC SS400 dày 3 mm nguồn Trung Quốc ở mức 758 USD/tấn FOB Trung Quốc vào ngày 21/1, tăng 4 USD/tấn so với tuần trước. Giá CFR Đông Nam Á của HRC cùng loại được ghi nhận ở mức 750 USD/tấn, tăng 14 USD/tấn so với tuần trước.

Cũng trong tuần 17-21/01, giá xuất khẩu HRC SAE1006 được ghi nhận ở mức 765 USD/tấn FOB Trung Quốc, tăng 2 USD/tấn so với tuần trước. Giá CFR Đông Nam Á của HRC cùng loại được ghi nhận ở mức 760 USD/tấn, tăng 14 USD/tấn so với tuần trước.

Giá xuất khẩu của các nhà máy Trung Quốc chào bán ở mức cao hơn so với các nhà máy Ấn Độ, trong bối cảnh nhu cầu thị trường nội địa Trung Quốc vững chắc, và khiến khách hàng quốc tế khó chấp nhận. Đồng thời, hoạt động xuất khẩu diễn ra khá chậm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Nhu cầu của thị trường Việt Nam yếu hơn sau đợt đàm phán giá với các nhà sản xuất HRC trong nước kết thúc vào giữa tuần 17-21/01 và lượng hàng dự trữ đã đủ. Chi phí than luyện cốc cao hơn cùng với ảnh hưởng của việc tăng giá chào trong khu vực sẽ có khả năng cao thúc đẩy giá lên trong thời gian tới.

Ban Kế hoạch Thị trường - VNSTEEL