Tiếp tục tăng nhập quặng sắt để sản xuất thép, Trung Quốc liệu có tiêu thụ hết?

Tính tới ngày 30/8, nhập khẩu quặng sắt qua đường biển của Trung Quốc là 92,9 triệu tấn, dưới mức kỷ lục 112,65 triệu tấn của tháng 7. Sản lượng thép trong nước cũng tăng mạnh. Câu hỏi được đặt ra là liệu Trung Quốc có hấp thụ được hết số thép sản xuất trong nước cùng với nhập khẩu hay không.

03/09/2020 13:33

Tính tới ngày 30/8, nhập khẩu quặng sắt qua đường biển của Trung Quốc là 92,9 triệu tấn, dưới mức kỷ lục 112,65 triệu tấn của tháng 7. Sản lượng thép trong nước cũng tăng mạnh. Câu hỏi được đặt ra là liệu Trung Quốc có hấp thụ được hết số thép sản xuất trong nước cùng với nhập khẩu hay không.

Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu mạnh quặng sắt trong tháng 8, thúc đẩy đà tăng giá liên tục của nguyên liệu chính trong sản xuất thép này. Theo dữ liệu từ Refinitiv, tính tới ngày 30/8, nhập khẩu quặng sắt qua đường biển của Trung Quốc là 92,9 triệu tấn. Tuy nhiên, tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc có thể không vượt qua được kỷ lục 112,65 triệu tấn vào tháng trước. Tính trung bình, kim ngạch nhập khẩu quặng sắt trung bình của nước này trong 7 tháng đầu năm 2020 là 94,23 triệu tấn.

Tổng nhập khẩu quặng sắt 7 tháng đầu năm của Trung Quốc đã tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, trở thành một trong những điểm sáng trong công cuộc phục hồi kinh tế của nước này sau các đợt phong tỏa vì dịch Covid-19.

Sản lượng thép của Trung Quốc cũng tăng mạnh, đạt 93,36 triệu tấn trong tháng 7. Theo đó, nước này xuất xưởng 3,01 triệu tấn thép mỗi ngày trong tháng 7, gần mức kỷ lục 3,05 triệu tấn/ngày của tháng 6.

Nhu cầu cao khiến giá quặng sắt hàm lượng 62% giao ngay tại miền Bắc Trung Quốc tăng từ 79,6 USD/tấn ghi nhận ngày 23/3 lên 128,6 USD/tấn - mức cao nhất trong hơn 6,5 năm. Dù giá đã giảm nhẹ xuống còn 123,45 USD/tấn hôm 28/8 nhưng vẫn ở mức cao so với 5 năm qua.

Giá quặng sắt tăng vọt khiến biên lợi nhuận của các công ty thép Trung Quốc sụt giảm đáng kể. 2 hãng thép hàng đầu nước này là Baoshan Iron và Steel báo lợi nhuận giảm 37% trong 6 tháng đầu năm. Tới thời điểm này, chưa có dấu hiệu cho thấy các hãng thép Trung Quốc sẽ kiềm chế sản lượng dù tồn kho bắt đầu tăng mạnh. Theo hãng tư vấn SteelHome, tồn kho thanh thép của Trung Quốc đã tăng lên 7,94 triệu tấn trong tuần kết thúc vào ngày 28/8, tăng từ 7,1 triệu tấn - mức thấp nhất năm vào tuần kết thúc hôm 24/6. Để so sánh, tồn kho thanh thép của Trung Quốc 8 tháng đầu năm 2019 là 5,81 triệu tấn, cùng kỳ năm 2017 và 2018 lần lượt là 3,88 triệu và 4,15 triệu tấn.

Một trong những ẩn số ở Trung Quốc là hiện có bao nhiêu thép tồn kho không được thống kê. Đây là lượng thép mà các nhà đầu cơ tích trữ với kỳ vọng bán được giá cao hơn trong tương lai. Ngoài ra, cũng không dễ để xác định chính xác lượng thép được tiêu thu tại Trung Quốc, dù các hiệp hội ngành thép nước này đưa ra con số dự báo khoảng 890 triệu tấn trong năm 2020.

Trong trường hợp sản lượng thép của nước này lần đầu vượt 1 tỷ tấn, điều này có thể gây mất cân bằng trong cung cầu mặt hàng này cả năm 2020. Xuất khẩu cũng khó có thể lấp đầy khoảng trống đó khi mà xuất khẩu thép của Trung Quốc giảm 17,6% xuống còn 32,9 triệu tấn trong 7 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước.

Theo Reuters, ngành thép và quặng sắt Trung Quốc đang đặt cược lớn rằng nỗ lực kích thích kinh tế hậu Covid-19 của Bắc Kinh sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiêu thụ thép cho các dự án hạ tầng và xây dựng. Từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, đầu tư vào bất động sản tại nước này đã tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này có vẻ khiêm tốn nhưng phải lưu ý rằng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3, đầu tư bất động sản của Trung Quốc giảm tới 7,7% so với cùng kỳ năm trước khi nước này áp hàng loạt biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại để phòng dịch Covid-19.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu Trung Quốc có hấp thụ được hết số thép sản xuất trong nước cùng với nhập khẩu hay không, trong bối cảnh hầu hết các nước trên thế giới không tiêu thụ nhiều mặt hàng này do vẫn phải vật lộn với dịch bệnh.