Thị trường thép xây dựng nội địa điều chỉnh giảm giá lần thứ 4 trong tháng 6/2022

Diễn biến thị trường tháng 6/2022 đang gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp thép khi giá thép xây dựng tiếp tục điều chỉnh giảm trong ngày 24/6. Nhu cầu tiêu thụ thép thấp, sức mua yếu, tồn kho cao đang là bài toán khó cho các doanh nghiệp.

24/06/2022 16:43

Ngày 24/6/2022, thị trường thép xây dựng nội địa tiếp tục điều chỉnh giảm lần thứ 4 trong tháng 6, và là đợt giảm giá lần thứ 8 liên tiếp kể từ tháng 5/2022 cho tới nay.

Mức điều chỉnh giảm lần này phổ biến từ 150.000 – 200.000 đồng/tấn cho cả thép cây và thép cuộn. Nâng tổng mức điều chỉnh giảm giá của cả 8 đợt lên từ 2 - 2,4 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn và từ 1,85 – 2,3 triệu đồng/tấn đối với thép cây dân dụng, trong đó khu vực phía Nam có mức độ điều chỉnh giá sâu hơn, và tùy theo từng thương hiệu, chủng loại sản phẩm cũng có biên độ điều chỉnh giảm giá khác nhau.

24-6-1

24-6-2

Biên độ điều chỉnh giảm giá thép xây dựng nội địa trong tháng 6 ít hơn so với tháng 5/2022 (tổng giảm tháng 5 phổ biến từ 1,1 - 1,55 triệu đồng/tấn, tổng giảm tháng 6 phổ biến từ 0,55 - 0,9 triệu đồng/tấn). Sau đợt điều chỉnh giảm giá này, mặt bằng giá bán thép xây dựng hiện nay tương đương với thời điểm đầu tháng 2/2022. So với giá bình quân của năm 2021, thì giá bán bình quân thép xây dựng trong nước lũy kế tính từ đầu năm 2022 cho tới thời điểm hiện tại vẫn cao hơn. Nguyên nhân chủ yếu do bối cảnh lạm phát đã tăng tốc trên phạm vi toàn cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng dai dẳng và đặc biệt là giá hàng hóa tăng vọt trong năm 2022, thị trường thép cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Theo World Bank, chỉ số CPI trung bình toàn cầu lên đến 7,8% yoy tính đến tháng 4/2022 – mức bao nhất kể từ năm 2008 (trong đó với các nền kinh tế đang phát triển khoảng 9,4% - cao nhất từ năm 2008, với các nền kinh tế phát triển là 6,9% - cao nhất kể từ năm 1982).

24-6-3 Đối với thị trường phôi thép nội địa, giá tiếp giảm, giao dịch ít. Tham khảo thị trường ngày 24/6 cho thấy giá chào bán phôi trung tần hiện nay quanh mức 13,9 triệu đồng/tấn (giá xuất xưởng tại bên bán, chưa bao gồm VAT), giá đã giảm từ 100.000 – 150.000 đồng/tấn so với đầu tuần này.

24-6-4

Trong khi đó thị trường phế tiếp tục ảm đạm, từ giữa tháng 6 cho tới nay một số nhà máy đã lần lượt thông báo ngừng thu mua phế để tịnh kho và tổng kết báo cáo tài chính Quý 2, kế hoạch thu gom phế của các nhà máy này sẽ được thông báo lại từ ngày 1/7/2022. Do thị trường ít giao dịch nên giá phế liệu nội địa cũng chưa có điều chỉnh rõ rệt nào. Giá thép phế loại 1 hiện nay ở phía Bắc vẫn quanh mức 10.600 - 10.700 triệu đồng/tấn, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm.

Nhìn chung, diễn biến thị trường thép đang gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp thép, nhu cầu tiêu thụ thép tiếp tục yếu trong tháng 6, thời tiết không thuận lợi ở nhiều nơi đã ảnh hưởng tới nhu cầu thép xây dựng, tồn kho cao cả ở lưu thông và nhà sản xuất. Triển vọng thị trường phục hồi bị đẩy lùi thêm khi diễn biến nửa cuối tháng 6/2022 đã không diễn ra như những nhận định và hy vọng trước đó, khi áp lực giảm giá toàn cầu bùng phát trở lại.

World Bank dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022, 2023 tăng trưởng lần lượt 5,8% và 6,5%

Theo Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2022 của World Bank, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ 5,7% vào năm 2021 xuống 2,9% vào năm 2022 – thấp hơn đáng kể so với 4,1% được dự đoán hồi tháng 1/2022. Dự kiến trong giai đoạn 2023 - 2024, tăng trưởng cũng chỉ dao động xấp xỉ mức này, vì tác động của cuộc chiến ở Ukraine, nhu cầu bị dồn nén giảm dần và hỗ trợ từ chính sách tài khóa và tiền tệ bị rút dần. Do thiệt hại từ đại dịch và chiến tranh, mức thu nhập bình quân đầu người ở các nền kinh tế đang phát triển năm nay sẽ giảm gần 5% so với xu hướng trước đại dịch. Trong đó World Bank, dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022, 2023 tăng trưởng lần lượt 5,8% và 6,5%. Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 2 năm tới luôn cao hơn so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia,…

Thanh Hương