Thị trường thép xây dựng nội địa điều chỉnh giảm giá đầu tháng 6/2022
Sang tháng 6/2022 các nhà sản xuất thép xây dựng đồng loạt điều chỉnh giảm giá thép xây dựng trong bối cảnh sức tiêu thụ của thị trường chưa phục hồi như kỳ vọng, tồn kho trên thị trường cao.
06/06/2022 17:48
Giá thép xây dựng giảm, giá chào phôi thép nhích tăng nhẹ, giá thép phế nội đi ngang đang là diễn biến chính trên thị trường nội địa những ngày đầu tháng 6/2022.
Tiếp nối đà giảm giá của tháng 5, thị trường thép xây dựng nội địa trong 6 ngày đầu tháng 6 đã ghi nhận đợt điều chỉnh giảm giá tiếp theo với mức giảm phổ biến từ 200.000 – 300.000 đồng/tấn tùy theo khu vực thị trường và tùy theo thương hiệu. Đây được coi là đợt giảm giá chính thức lần thứ 5 của thị trường thép xây dựng nội địa.
Như vậy, tổng mức điều chỉnh giảm thép xây dựng tại thị trường nội địa từ đầu năm 2022 cho tới nay đối với thép cuộn phổ biến từ 1,7 – 1,85 triệu đồng/tấn, thép cây dân dụng từ 1,4 – 1,6 triệu đồng/tấn. Sau đợt điều chỉnh này, giá bán thép xây dựng hiện nay trên thị trường đã quay về tương đương với giá bán tại thời điểm giữa tháng 2/2022.
Trái ngược với thị trường thép xây dựng nội địa, giá chào bán phôi thép trên thị trường nội địa lại tăng nhẹ và lượng giao dịch trên thị trường cũng bắt đầu sôi động hơn trong những ngày đầu tháng 6/2022. Theo một số nhà thương mại cho biết giá chào phôi trung tần hiện nay đã tăng từ 100.000 – 150.000 đồng/tấn so với thời điểm cuối tháng 5/2022, giá chào bán phổ biến tại kho nhà sản xuất hiện nay là 14,05 – 14,1 triệu đồng/tấn. Tuy vậy, xu hướng thị trường phôi thép nội địa hiện nay vẫn được cho là chưa rõ ràng, chưa định hình được xu hướng giá cụ thể, do vậy giá phôi sẽ tiếp tục biến động trong những ngày tới.
Trong khi đó, giá thép phế nội địa tiếp tục đi ngang sau đợt thông báo giảm giá thu mua phế nội của các nhà sản xuất thời điểm cuối tháng 5/2022 và đầu tháng 6/2022 với mức giảm phổ biến từ 300.000 – 400.000 đồng/tấn. Giá phế nội địa tạm thời được cho là giữ ổn định do các nhà máy và bãi phế đang quan sát, chờ đợi xu hướng rõ hơn nữa của thị trường thép xây dựng cũng như phôi thép, ngoài ra chi phí vận tải và kho bãi không giảm cũng là yếu tố tạo nên thế giằng co của xu hướng giá thép phế nội địa. Giá thép phế loại 1 tại khu vực phía Bắc hiện nay phổ biến từ 10,2 – 10,7 triệu đồng/tấn (giá chưa bao gồm VAT), phía Nam từ 9,2 – 9,6 triệu đồng/tấn.
Nhìn chung, sự ổn định của giá phế liệu nội và sự nhích nhẹ của giá phôi thép vẫn đang được cho là tín hiệu tích cực của thị trường thép xây dựng trong thời gian tới. Tuy nhiên áp lực tồn kho lớn trên lưu thông cũng như tại các nhà máy trong khi nhu cầu thị trường chưa phục hồi như kỳ vọng sẽ tiếp tục gây khó khăn cho thị trường thép xây dựng.
Giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ trọng tâm để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa phát triển đột phá chiến lược về hạ tầng, cũng là tháo gỡ nút thắt cho thị trường thép xây dựng
Thị trường thép xây dựng nội địa tiếp tục trông chờ vào việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ngân sách nhà nước. Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 đã công bố của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực, các hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ, hầu hết các lĩnh vực đều tăng so với tháng trước và cùng kỳ. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 2,25% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng 1,29% của năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng giai đoạn 2017-2020); thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định (tín dụng tăng 7,73% so với cuối năm 2021); cân đối năng lượng được bảo đảm.
Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi, tháng 5 tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 8,3%. Trong đó sản lượng thép xây dựng ước đạt 1,92 triệu tấn tăng 4% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ, lũy kế 5 tháng ước đạt 8,79 triệu tấn, tăng trưởng 9,9%. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 4,4% so cùng kỳ. Chỉ số PMI sản xuất các ngành công nghiệp tháng 5 đạt 54,7 điểm (mức cao nhất trong vòng 13 tháng và đánh dấu tháng thứ 8 liên tiếp đạt trên 50 điểm, có nghĩa là hoạt động sản xuất tiếp tục mở rộng kể từ tháng 10/2021).
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 ngày 4/6, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ trọng tâm để vừa giải quyết các nút thắt, bức xúc của nhân dân, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa phát triển đột phá chiến lược về hạ tầng. Rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt. Phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ công tác để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia. Thủ tướng cho rằng, chương trình phục hồi và phát triển là chương trình lớn, chưa có tiền lệ nên không tránh khỏi vướng mắc, nhưng phải nắm chắc tình hình và xử lý kịp thời.
Các bộ, cơ quan, địa phương triển khai nhanh, có hiệu quả các quyết định của Thủ tướng Chính phủ để giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương và dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 để thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thanh Hương