Thị trường quặng sắt năm 2017 và dự báo 2018

Năm 2017, giá quặng sắt trung bình ở mức 71,36 USD/tấn.

06/02/2018 16:53

Năm 2017, giá quặng sắt trung bình ở mức 71,36 USD/tấn.

Từ mức 79,75 USD/tấn ở thời điểm kết thúc năm 2016, giá quặng sắt đã lên tới đỉnh cao 90,16 USD/tấn vào giữa tháng 3/2017, sau đó giảm nhanh về 53,66 USD/tấn chỉ 3 tháng sau đó (ở thời điểm giữa tháng 6) trước khi đảo chiều hồi phục trở lại mức 77,80 USD/tấn vào đầu tháng 9/20174. Và không lâu sau đợt sụt giảm mạnh, giá quặng sắt về lại mức 58,53 USD/tấn vào ngày 1/11/2017, trước khi diễn ra đợt phục hồi hiện tại đưa mặt hàng này về lại gần sát với mức giá cách đây đúng một năm. Ngày 12/1/2018, Metal Bulletin báo chỉ số giá quặng sắt loại hàm lượng 62% là 79,08 USD/tấn, mức cao nhất kể từ 22/8/2017.

Khoảng chênh lệch tới 36 USD/tấn giữa thời điểm giá cao và thời điểm giá thấp của năm 2017 hoàn toàn trái ngược với thực tế nhập khẩu của Trung Quốc – nước tiêu thụ tới 2/3 lượng cung quặng sắt toàn cầu - tăng khá ổn định.

Dường như biến động trên thị trường quặng sắt đang tách dần khỏi các nguyên tắc cơ bản. Biến động thị trường trong năm 2017 đã chứng tỏ điều đó.

Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc đã tăng 7,4% trong 15 ngày đầu tháng 1/2018. Nếu tính từ tháng 11/2017, giá đã tăng khoảng 35%, tương đương với xu hướng giá trên các thị trường thép Trung Quốc.

Hàng hóa thường tăng giá do nguồn cung hạn hẹp hoặc nhu cầu tăng, hoặc cả hai yếu tố. Nhưng trong trường hợp của quặng sắt hiện nay thì nguồn cung hoàn toàn không thiếu, nhất là khi công suất được bổ sung mới từ các nước sản xuất lớn nhất thế giới là Australia và Brazil. Nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc cũng tương đối ổn định, với thống kê trong cả năm 2017 cho thấy nhập khẩu vào thị trường này chỉ tăng khoảng 5% so với năm trước đó.

Thị trường quặng sắt đã trở nên phản ứng nhanh với các thông tin và sự kiện. Đợt giá đang phục hồi hiện nay chủ yếu do giá thép Trung Quốc tăng từ cuối năm 2017, và dự kiến cả sản lượng và nhu cầu của thị trường sản xuất thép lớn nhất thế giới này sẽ đều tăng trong năm 2018.

Còn về nguồn cung, theo số liệu của SteelHome, tồn kho quặng sắt tại các cảng Trung Quốc ở thời điểm 12/1/2018 đã lên tới 152,3 triệu tấn, mức cao nhất kể từ 2004, bất chấp giá quặng sắt tăng trong thời gian gần đây. So với cách đây 3 tháng, số lượng tồn kho này cao hơn khoảng 21 triệu tấn, tương đương 16%.

Thị trường năm 2018 sẽ diễn biến ra sao?

Trong kỷ nguyên mới khi giao dịch trên thị trường tài chính ngày càng phát triển, biến động giá xuất phát từ yếu tố tâm lý nhiều hơn là bởi các nguyên tắc cơ bản.

Bộ Công nghiệp Australia cho rằng giá quặng sắt sẽ giảm 18- 20% trong năm 2018 xuống chỉ 52,60 USD/tấn, tiếp tục giảm nữa xuống 49 USD/tấn trong năm 2019 do nguồn cung tăng trên toàn cầu trong khi nhu cầu từ Trung Quốc suy giảm. Thị trường sẽ biến động mạnh vào đầu năm 2018, do chưa chắc chắn về những ảnh hưởng của chính sách hạn chế sản xuất công nghiệp trong mùa đông ở Trung Quốc sẽ tác động ra sao tới thị trường các quặng nguyên liệu.

Tổ chức này nhận định, trong những tháng đầu năm 2018, giá quặng sắt sẽ biến động quanh mức cao do Trung Quốc nới lỏng các chính sách hạn chế sản xuất thép giúp nhu cầu nguyên liệu tăng, nhưng giá sẽ giảm nhanh vào nửa cuối năm khi nguồn cung gia tăng từ những nhà sản xuất cho chi phí thấp và sản lượng thép Trung Quốc yếu đi.

Ở thời điểm hiện tại, các nhà sản xuất quặng sắt, trong đó có BHP Billiton Ltd., Rio Tinto Group và Vale SA, cũng như người sử dụng và nhà đầu cơ vẫn đang đánh giá mức độ ảnh hưởng của chính sách hạn chế nguồn cung thép (chưa từng có trong tiền lệ) của Trung Quốc, khi mà nước này đã ra những quy định nghiêm ngặt về sản xuất công nghiệp trong giai đoạn mùa đông để giảm ô nhiễm môi trường.

Chính sách này được cho là sẽ dẫn tới sự sụt giảm sản lượng thép trong mùa đông, nhưng rất có thể xu hướng sẽ đảo chiều vào mùa xuân. Nhưng nhìn chung tình hình 6 tháng đầu năm 2018 sẽ khả quan hơn 6 tháng cuối năm.

Các tổ chức khác cũng có chung xu hướng nhận định như trên.

Theo Viện Nghiên cứu quy hoạch công nghiệp luyện kim Trung Quốc, không có lý do gì để giá quặng sắt sẽ tăng thêm nữa, thậm chí giá có thể sẽ giảm, bởi sản lượng thép nước này dự báo sẽ chỉ tăng nhẹ trong năm 2018, ở mức khoảng 0,7% đạt 838 triệu tấn, so với 832 triệu tấn của năm 2017.

Goldman Sachs Inc hơi bi quan hơn khi cho rằng nguồn cung quặng sắt toàn cầu sẽ tăng nhiều trong khi “Các nhà sản xuất thép Trung Quốc rất nhạy cảm với hàng loạt các chính sách kinh tế, tiền tệ và môi trường, và chính sách của chính phủ sẽ vẫn là điểm mấu chốt khi đánh giá về triển vọng ngành sắt và thép”.

Scotiabank dự báo giá quặng sắt sẽ ở mức trung bình 60 USD vào năm 2018. Tương tự, FocusEconomics dự báo giá quặng sắt sẽ giảm vào cuối năm 2018 "trong bối cảnh nguồn cung dồi dào và các kho dự trữ đầy thêm nữa”; tính trung bình trong quý 4/2018 giá sẽ chỉ 58,70 USD/tấn. Theo FocusEconomics, biên độ chênh lệch giữa các con số dự báo khá cao (từ 66,90 USD/tấn đến 51 USD/tấn) “báo hiệu mức độ không chắc chắn lớn”. Các chuyên gia kinh tế cho rằng mọi thứ sẽ phụ thuộc vào việc Bắc Kinh sẽ giảm bao nhiêu công suất sản xuất trong mùa đông. Và thời điểm cần theo dõi nhất là trong vòng 4 đến 6 tháng tới.

Có thể hiện còn khó dự đoán về sản lượng thép Trung Quốc, nhưng có một điều chắc chắn là chính sách của Trung Quốc chứng tỏ rằng nhu cầu tiêu thụ các loại quặng sắt chất lượng cao sẽ vẫn duy trì tốt. Đây là điều các nhà cung cấp quặng sắt mong chờ.

Xuất khẩu quặng sắt Australia dự báo sẽ tăng lên 880 triệu tấn trong năm 2018 và 894 triệu tấn trong năm 2019, từ mức 834 triệu tấn năm 2017; trong khi đó xuất khẩu của Brazil sẽ tăng lên 400 triệu tấn năm nay và 424 triệu tấn năm tới, từ mức 384 triệu tấn năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu vào Trung Quốc trong giai đoạn dự báo có thể sẽ vẫn ổn định, còn Ấn Độ và Hàn Quốc có thể sẽ tăng lên.