Thép Việt bị kiện tới tấp
13/09/2018 14:53
Xu hướng bảo hộ thương mại tăng cao khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam dễ bị kiện hơn, trong đó nặng nề nhất là ngành thép
Chỉ trong thời gian ngắn, từ ngày 16-7 tới nay, thép Việt đã bị ít nhất 7 thị trường gồm Thái Lan, EU, Canada, Malaysia, Mỹ, Liên minh kinh tế Á - Âu, Ấn Độ) kiện phòng vệ thương mại và áp thuế tự vệ tạm thời. Riêng tại Mỹ, thép Việt bị khởi xướng điều tra "đúp" về chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Hai năm 37 vụ kiện
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 78 vụ kiện về chống bán phá giá Việt Nam phải đối mặt 2 năm gần đây, có đến 37 vụ liên quan tới ngành thép. Nếu tính trên các vụ kiện chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp thì số vụ liên quan đến ngành thép còn cao hơn.
Tại hội thảo mới đây về thực trạng và thách thức của ngành thép Việt Nam trong bối cảnh các nước tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tổ chức ở TP HCM, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, cho biết trên thế giới có hơn 1.500 vụ phòng vệ thương mại thì ngành thép chiếm hơn 30% tổng số vụ. Đặc biệt, 2 năm gần đây, thép trên thế giới thường xuyên là đối tượng của các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế suất rất cao. Xuất khẩu thép của Việt Nam vì vậy cũng đối diện với tần suất cao các vụ điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo các chuyên gia về phòng vệ thương mại, ngành thép Việt Nam dẫn đầu danh sách bị kiện là do phát triển quá nóng trong thời gian qua nhưng chưa chuẩn bị đầy đủ để tham gia sân chơi toàn cầu. Xuất khẩu thép chủ yếu cạnh tranh về giá và các mặt hàng đơn giản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp (DN) chưa có thói quen sử dụng các công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi; ký hợp đồng sơ sài và thiếu hiểu biết về pháp luật, cách thức quản lý của nước nhập khẩu.
Đặc biệt, số vụ kiện liên quan đến ngành thép gia tăng mạnh trong thời gian qua còn bởi xu hướng bảo hộ thương mại được đẩy mạnh ở nhiều quốc gia.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC), cho hay thép xuất khẩu là mặt hàng có mức độ cạnh tranh rất cao. Do đó, mặt hàng thép của rất nhiều nước cũng bị kiện, không riêng Việt Nam. Bởi, ngay khi vấn đề chiến tranh thương mại còn chưa gay gắt thì xu thế chung của các nước phát triển là bảo hộ sản xuất trong nước.
Phân tích cụ thể với thị trường Mỹ, luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, xu hướng bảo hộ và "nghi ngại" trước hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đã xuất hiện. Bằng chứng là ngay trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, Mỹ đã điều tra và nêu kết luận sơ bộ khẳng định sản phẩm thép carbon chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam đang lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp từ phía Mỹ. Trong đó, nội dung chính mà Mỹ điều tra là nguyên liệu đầu vào của DN có xuất xứ từ Trung Quốc.
Loay hoay ứng phó
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép các loại trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 3,41 triệu tấn, trị giá 2,53 tỉ USD, tăng 40,6% về lượng và tăng 56,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 533.000 tấn, tăng 73,6%; Malaysia 392.000 tấn, tăng 88,5%, EU (28 nước) 374.000 tấn, tăng 96,2%... Tuy nhiên, trong thời gian tới nếu ngành thép không xử lý tốt với các vụ kiện sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của ngành.
Theo các chuyên gia, cũng giống như rất nhiều vụ việc kiện bán phá giá trước đây, ngành thép Việt vẫn loay hoay quanh các "bài học" cũ để tự vệ. Luật sư Trần Hữu Huỳnh nhắc lại bài học quen thuộc: "Lý thuyết từ trước đến nay là không nên để tất cả trứng vào giỏ, phải đa dạng thị trường hơn nữa. Ngoài ra, DN sản xuất cùng với các nhà tư vấn, tham tán cần có sự liên kết, hợp tác thông tin để hiểu rõ hơn tính chất thị trường trước khi quyết định lựa chọn nơi xuất khẩu".
Ông Huỳnh cũng lưu ý để ứng phó được với các vụ kiện một cách lâu dài, DN cần chuẩn bị nguồn lực tốt, trong đó bảo đảm vấn đề sổ sách, chi phí rõ ràng, minh bạch. Ngoài ra, để "trụ" được thì cần có tài chính tốt, cần coi chi phí dự phòng ứng phó với các vụ kiện là chi phí sản xuất kinh doanh và tính vào giá thành sản phẩm. "Muốn chứng minh sản phẩm không bán phá giá, không có sự hỗ trợ, ưu đãi từ phía nhà nước, DN phải nắm rõ đầu vào, có lý lẽ để biện minh. Chẳng hạn, việc vay ưu đãi của nhà nước, chi phí lương của nhân công thấp… là những điểm mà các nước cho là có sự can thiệp của nhà nước. Nếu không chứng minh được đây là sự can thiệp tự nhiên thì coi như thua" - ông Huỳnh nói thêm.
Ở góc độ DN, ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM - SX Thép Việt, đánh giá phòng vệ thương mại là công cụ bảo hộ quan trọng trong nền kinh tế hiện đại và các nước đang tận dụng tối đa. Việc này làm ảnh hưởng đến xuất khẩu nhưng qua đó đã giúp thay đổi ý thức của cơ quan quản lý ngành công thương Việt Nam. Bản thân từng DN cũng đang nỗ lực hết mình để tồn tại và phát triển.
"Thép Việt xuất khẩu khoảng 25%-30% tổng sản lượng, đến nay, chúng tôi chưa gặp kiện tụng ở thị trường nào nhưng bị kiện, điều tra hay áp dụng biện pháp phòng vệ là điều không thể tránh khỏi trong quá trình làm ăn quốc tế. Chúng tôi chuẩn bị tâm lý và sẵn sàng giải quyết từng vụ việc cụ thể" - ông Thái nói.
Nước đang phát triển bị kiện là hiển nhiên
Luật sư Lê Thành Kính nêu rõ tỉ lệ quốc gia thuộc nhóm nước đang phát triển bị kiện luôn lớn hơn các nước phát triển. Bởi vì, nước khởi kiện biết chắc cơ sở pháp lý của hầu hết các quốc gia đang phát triển đều không đủ vững chắc để "chống" lại nguyên đơn. Việc chứng minh hàng hóa có được sự bảo trợ của nhà nước hay không, sổ sách hạch toán có rõ ràng và đầy đủ hay không… hầu như bên bị đơn không thực hiện được.