48 quốc gia đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu phế liệu

Tính đến tháng 3 năm 2025, 48 quốc gia trên toàn cầu đã đưa ra 75 biện pháp hạn chế đối với xuất khẩu phế liệu và 38% các quốc gia trên đã đưa ra lệnh cấm xuất khẩu một phần hoặc toàn bộ.

08/05/2025 15:41

Việc hạn chế xuất khẩu phế liệu đang trở thành một công cụ chính sách phổ biến trong bối cảnh nguồn cung phế liệu hạn chế và nhu cầu phế liệu ngày càng tăng nhằm phục vụ mục tiêu giảm phát thải carbon trong ngành công nghiệp thép. Tính đến tháng 3 năm 2025, đã có 48 quốc gia trên toàn thế giới ban hành tổng cộng 75 biện pháp hạn chế đối với xuất khẩu phế liệu. Do đó, các quốc gia có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp hạn xuất khẩu phế liệu.

Ví dụ, Burundi đã cấm xuất khẩu phế liệu ra bên ngoài Cộng đồng Đông Phi (EAC), trong khi lượng phế liệu còn lại phải chịu thuế xuất khẩu. Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Kazakhstan, nơi cấm xuất khẩu phế liệu ra bên ngoài Cộng đồng Kinh tế Á-Âu (EAEU) và áp dụng thuế xuất khẩu cho lượng phế liệu còn lại. 

Bản đồ hạn chế XK Phế liệu 3_2025 Ảnh: Theo gmk

Ngay cả Liên minh châu Âu (EU) cũng có thể có nhiều hơn một biện pháp hạn chế xuất khẩu phế liệu. Vào tháng 3 năm 2024, Hội đồng Châu Âu đã thông qua các thay đổi đối với Quy định về Vận chuyển Chất thải, hạn chế xuất khẩu chất thải không nguy hại, bao gồm cả phế liệu sang các quốc gia không thuộc OECD. Kế hoạch Hành động về Thép và Kim loại của EU được phê duyệt vào tháng 3 năm 2025, dự kiến Ủy ban Châu Âu sẽ xem xét các biện pháp hạn chế xuất khẩu phế liệu bổ sung vào quý 3 năm 2025.

Trong số các biện pháp đã ban hành, 27% là thuế xuất khẩu và 27% là thủ tục cấp phép xuất khẩu. Thuế được coi là biện pháp khá linh hoạt, do đó biện pháp này được sử dụng thường xuyên hơn lệnh cấm xuất khẩu (chiếm 25% các hạn chế được đưa ra). Tuy nhiên, 38% các quốc gia hạn chế xuất khẩu phế liệu đã đưa ra lệnh cấm xuất khẩu một phần hoặc toàn bộ.

Trên thực tế, các biện pháp hạn chế đối với xuất khẩu phế liệu đã được áp dụng trong một thời gian dài - việc dỡ bỏ chúng không phải là tình huống phổ biến. Các quốc gia đang gia hạn các biện pháp hạn chế trong một thời gian hoặc thay thế các biện pháp đã đưa ra bằng các biện pháp khác. Điển hình như vào tháng 1 năm 2024, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã áp dụng thuế xuất khẩu thay vì lệnh cấm xuất khẩu phế liệu.

Có nhiều lý do khác nhau để áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu phế liệu. Trước hết, các quốc gia muốn đảm bảo đủ nguồn cung phế liệu cho nhu cầu trong nước, đặc biệt là khi xem xét tầm quan trọng của phế liệu đối với tiến trình giảm phát thải carbon của ngành công nghiệp thép. Giá phế liệu phải chăng là điều kiện cần thiết để hỗ trợ khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp thép “xanh” trong nước. Việc áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu phế liệu cũng có thể là biện pháp hiệu quả để tạo thế cân bằng với các quốc gia đã áp dụng các rào cản thương mại tương tự. 

Dịch M. Huyền (Theo gmk.center)