Ngành thép Việt Nam trước nhiều áp lực- Bài 2: Xu hướng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam và những lo ngại
29/06/2018 09:24
Trong khi ngành thép Việt Nam đang gặp phải rất nhiều khó khăn do dư thừa nguồn cung; chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu… thì việc nhiều doanh nghiệp thuộc ngành này từ các quốc gia khác đang có xu hướng đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam càng làm cho khó khăn chồng chất khó khăn và nguy cơ chịu ảnh hưởng bất lợi ngày càng rõ ràng hơn bao giờ hết.
Ngành thép Việt sẽ bị “vạ lây”?
Cũng như Việt Nam, những năm gần đây, ngành thép của một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc đối diện với vấn đề dư thừa nguồn cung; chi phí sản xuất tăng; lợi nhuận giảm do giá lao động, các quy định về môi trường và thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm khi xuất khẩu...
Trước xu hướng này, nhiều quốc gia có công nghiệp thép phát triển đã quyết định giảm sản lượng thép sản xuất trong nước và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp di dời các nhà máy sản xuất thép ra nước ngoài. Cụ thể, cùng với việc Trung Quốc quyết định giảm sản lượng xuống 100 triệu tấn/năm vào năm 2020, Tập đoàn Sting Shan của nước này đã đầu tư nhà máy cán nóng thép không gỉ (inox) ở Indonesia dù tại thị trường này không tiêu thụ hết lượng sản phẩm của Sting Shan. Trong khi đó, Công ty Yongjin (cũng của Trung Quốc) - đơn vị đang có ý định đầu tư nhà máy thép cán nguội không gỉ tại Đồng Nai - cũng đã thành lập một nhà máy công suất 700.000 tấn ở Indonesia với việc chủ yếu lấy nguyên liệu cán nóng từ Tập đoàn Sting Shan.
Ở một diễn biến khác, thời gian gần đây, sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam bị đánh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tại nhiều nước trên thế giới. Trong đó có nhiều vụ nghi ngờ là thép Trung Quốc chuyển xuất xứ sang Việt Nam. Cụ thể, cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu mạnh tay lên các sản phẩm thép vận chuyển từ Việt Nam được cho là có xuất xứ Trung Quốc. Theo phán quyết này, Mỹ sẽ đánh thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với thép cuộn cán nguội từ Việt Nam. Còn thép không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam đối mặt với các mức thuế lần lượt là 199,43% và 39,05%. Chưa kể các sản phẩm này khi vào Mỹ sẽ bị cộng thêm thuế 25% theo một quyết định từ đầu năm nay của chính quyền Mỹ đối với hầu hết các sản phẩm thép nhập khẩu.
Các doanh nghiệp thép Mỹ cho rằng từ năm 2015, sau khi áp thuế chống bán phá giá nhằm vào thép Trung Quốc thì lượng thép nhập khẩu vẫn chảy mạnh vào thị trường Mỹ từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam bị các nước cáo buộc về hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá sau khi đã áp thuế cho sản phẩm tương tự từ các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc. Đơn cử như Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2016 cũng áp dụng hai mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cho sản phẩm gỗ dán nhập khẩu, đá granite và ống thép hàn không gỉ cuộn cán nguội của Việt Nam với mức thuế tương tự như áp dụng với sản phẩm Trung Quốc vì nước này kết luận các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam đã thực hiện hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá mà nước này đang áp dụng cho sản phẩm của Trung Quốc…
Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam đang lo ngại sau Mỹ, sẽ có nguy cơ sản phẩm của họ bị áp thuế “vạ lây” ở nhiều thị trường khác. Ví dụ, EU đầu năm nay cũng thông báo mở cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với 26 loại thép nhập khẩu, trong đó có xuất xứ từ Việt Nam là 6 loại. Hiện EU đang áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt thép Trung Quốc. Nếu bị cáo buộc có hiện tượng lẩn tránh xuất xứ, khả năng thép Việt sẽ bị áp thuế thay vì được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) 0% như hiện nay.
Hiệp hội thép và các doanh nghiệp ngành thép lên tiếng
Mới đây, trước việc Công ty Yongjin dự định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thép không gỉ tại tỉnh Đồng Nai với công suất gần 300 nghìn tấn/năm, dù trước đó vào năm 2017, hồ sơ xin phép đầu tư của doanh nghiệp này đã không nhận được sự chấp thuận của cơ quan chức năng phía Việt Nam, đã làm dấy lên lo ngại cho các doanh nghiệp thép nội địa.
Sau khi tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có Báo cáo gửi tới Văn phòng Chính phủ và 4 bộ, ngành chức năng có liên quan đề nghị xem xét thân trọng việc chấp thuận đầu tư đối với doanh nghiệp Trung Quốc nói trên.
Tại Báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, VSA cho hay, những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn 2012-2017, thị trường thép Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng tốt, bình quân khoảng 15%/năm. Điều này đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cụ thể, năm 2012, sản lượng thép thành phẩm sản xuất trong nước đạt hơn 9,2 triệu tấn; năm 2013 gần 10,3 triệu tấn, tăng 12%; năm 2014 đạt hơn 12,3 triệu tấn, tăng 20%; năm 2015 đạt hơn 15 triệu tấn, tăng 22%; năm 2016 đạt hơn 17,8 triệu tấn, tăng 19% và năm 2017 đạt hơn 22,1 triệu tấn, tăng 24%.
"Trước sức ép cung - cầu thép mất cân đối, chủ nghĩa bảo hộ được đánh giá càng ngày càng gia tăng ở tất cả các quốc gia để hạn chế làn sóng nhập khẩu thép vào quốc gia mình. Mỹ và EU là những ví dụ điển hình" – Văn bản của VSA nêu và cho biết thêm, các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống gian lận thuế, tự vệ thương mại… được áp dụng đồng loạt ở các quốc gia khác nhau đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Giai đoạn 2012 -2017, Trung Quốc đã thực hiện chính sách cắt giảm năng lực sản xuất dư thừa để tái cấu trúc lại ngành công nghiệp thép trong nước và chuyển dần năng lực dư thừa bằng hàng loạt dự án đầu tư ra nước ngoài trong đó có khu vực ASEAN và Việt Nam.
Trong khi đó, theo thống kê của VSA, năng lực sản xuất các sản phẩm thép của Việt Nam mới chỉ huy động trung bình đạt 63% công suất, thấp hơn so với mức huy động công suất bình quân của thế giới là khoảng 76,9% (theo thống kê của Hiệp hội thép Thế giới tính đến tháng 4/2018). Riêng các nhà máy thép không gỉ của Việt Nam mới huy động khoảng 30% công suất.
Cũng theo văn bản của VSA, hiện nay chỉ duy nhất thép cán nóng được nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất, các sản phẩm còn lại cơ bản đã đáp ứng nhu cầu trong nước, một phần dành cho xuất khẩu, giảm áp lực cạnh tranh với thép ngoại.
Trên cơ sở phân tích số liệu, căn cứ trên tình hình thức tế, VSA kiến nghị các cơ quan Nhà nước xem xét chỉ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm thép hợp kim chất lượng cao phục vụ sản xuất cơ khí chế tạo, đóng tàu, ô tô… mà trong nước chưa sản xuất được.
Bên cạnh đó, VSA cũng đề nghị chưa cần thiết phải đầu tư thêm trong giai đoạn hiện nay các sản phẩm thép cuộn cán nóng, thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép không gỉ cán nguội, ống thép hàn, thép tôn mạ… Đồng thời, không phê duyệt các dự án đầu tư đối với các sản phẩm thép trong nước đã dư thừa sản lượng.
Cũng với những nội dung cơ bản như Báo cáo trên của VSA, ngày 15/6/2018, nhiều doanh nghiệp thép (như: Công ty CP sản xuất thương mại thép Nguyễn Minh; Công ty CP quốc tế Inox Hoà Bình; Công ty TNHH Posco VST; Công ty TNHH Hoàng Vũ…) đã cùng ký vào Đơn yêu cầu xem xét khẩn cấp gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đề nghị xem xét thận trong việc cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp thép Trung Quốc nói trên.