Ngành thép cuối năm 2017: Chính sách thương mại đóng vai trò trọng yếu

19/07/2017 17:43

Các chính sách phòng vệ thương mại sẽ hỗ trợ Bộ Công thuơng tái cơ cấu ngành thép bằng cách khuyến khích đầu tư vào chuỗi sản xuất hiện đại kéo dài tới thượng nguồn để tạo ra nhiều giá trị gia tăng đóng góp vào nền kinh tế và dần giảm sự lệ thuộc vào nhập khẩu.

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã công bố Báo cáo Cập nhật Ngành Thép.

Theo VDSC, phòng vệ thương mại đã mang lại những màu sắc tươi sáng cho bức tranh ngành thép nội địa sau một giai đoạn chịu sức ép nặng nề từ cơn bão phá giá tới từ Trung Quốc. Đối với các nhà sản xuất thép, lợi nhuận đã cải thiện đáng kể trong ngắn hạn và được kỳ vọng tiếp tục tích cực trong nửa cuối năm 2017nhờ tác dụng của các chính sách tự vệ thương mại lên giá bán thép.

VSA dự báo tăng trưởng tiêu thụ thép trong nửa cuối năm 2017 gần bằng nửa đầu năm ở mức 12% so với cùng kỳ. Trong dài hạn, các chính sách phòng vệ thương mại sẽ hỗ trợ Bộ Công thuơng tái cơ cấu ngành thép bằng cách khuyến khích đầu tư vào chuỗi sản xuất hiện đại kéo dài tới thượng nguồn để tạo ra nhiều giá trị gia tăng đóng góp vào nền kinh tế và dần giảm sự lệ thuộc vào nhập khẩu.

VDSC cho rằng phòng vệ thương mại sẽ tạo ra một số chuyển biến về thị trường. Tính tới 15/04/2017, lượng nhập khẩu phôi thép và tôn mạ lạnh, mạ kẽm giảm lần lượt 87% và 27% so với cùng kỳ do tác động của thuế Chống bán phá giá (CBPG) và thuế tự vệ.

Vì vậy, sau khi tôn mạ kẽm, mạ lạnh và mạ màu nhận nhập khẩu được áp thuế phòng vệ thương mại, VDSC dự báo các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nâng dần tỷ trọng tiêu thụ nội địa từ mức dưới 50% trong nửa đầu năm 2017. Khi sản phẩm nhập khẩu dần lui khỏi thị trường và mặt bằng giá bán được cải thiện, các doanh nghiệp trong nước sẽ chuyển trọng tâm về thị trường nội địa, nơi nhu cầu tiêu thụ vẫn đang trong đà tăng trưởng rất khả quan.

Dưới tác động của xu hướng phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp đang trong giai đoạn mở rộng công suất sẽ có khả năng nắm bắt những cơ hội mới. Một số doanh nghiệp cũng tạo nên xu hướng đầu tư vào chuỗi sản xuất theo chiều sâu để tăng tỷ suất lợi nhuận và giảm thiểu tác động của thay đổi giá nguyên liệu.

Cuối cùng, một xu hướng cũng đang nổi bật trong giới sản xuất là việc đầu tư vào các loại máy móc hiện đại để sản xuất thép chất lượng cao. Một trong những động cơ chính đến từ việc không chỉ các nước nhập khẩu, mà còn người tiêu dùng trong nước đang tỏ ra khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm, tạo nên làn sóng đầu tư vào các dây chuyền tiên tiến sử dụng công nghệ châu Âu.

Các nhà xuất khẩu sẽ tiếp tục khai thác những cơ hội mới, đồng thời cũng sẽ phải đối mặt với những rủi ro từ xu hướng phòng vệ thương mại trên thị trường thế giới. Trong năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu 4,1 triệu tấn thép, phần lớn nhờ những biện pháp phòng vệ của các nước tiêu thụ thép lớn như Mỹ đối với thép Trung Quốc phá giá. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng đang đối mặt với những vụ kiện CBPG bởi lượng bán hàng tăng đột biến.

Mặt bằng giá bán thép nội địa được kỳ vọng ổn định trong nửa còn lại của năm 2017. Trong khi đó, xu hướng giá thép thế giới vẫn diễn biến khó đoán và tiếp tục lệ thuộc vào những động thái của Trung Quốc- nhà sản xuất đồng thời là thị trường tiêu thụ thép lớn nhất thế giới.

Các chuyên gia dự báo giá quặng sắt có thể rơi xuống vùng giá dưới 50USD/tấn bởi tình trạng dư cung ở cả bốn khu vực khai thác trọng điểm. Giá than cốc có thể biến động mạnh bất thường dưới sức ảnh hưởng từ các chính sách tài khoá của Trung Quốc- quốc gia sử dụng phẩn lớn than cốc trong sản xuất thép, và giá than cốc trung bình năm 2017 được dự báo ở mức 150USD/tấn.

Điều này dẫn đến các bán thành phẩm như thép cán nóng (HRC) và phôi thanh dễ dàng biến động mạnh và rất khó đoán, chưa kể tác động từ chính sách cắt giảm công suất toàn ngành của Trung Quốc.

Riêng đối với giá thép nội địa năm 2017, VDSC kỳ vọng mặt bằng giá đầu ra sẽ ổn định trong suốt nửa còn lại của năm nhờ tác dụng của các chính sách phòng vệ thương mại đang có hiệu lực. Thực tế là giá thép đã tăng tương đối ổn định trong nửa đẩu năm. Điều này sẽ tạo điều kiện cho KQKD của một số doanh nghiệp thép lớn với sự hỗ trợ của hệ thống phân phối, ổn định được giá bán, các doanh nghiệp này sẽ phải giải quyết bài toán giá đầu vào bằng chính năng lực dự báo và quản lý hàng tồn kho.

Trong dài hạn, bởi hầu hết các chính sách thương mại có tác dụng trong 3-4 năm, VDSC cho rằng giá thép trong nước sẽ ổn định và theo sát nhu cầu xây dựng trong nước hơn là chịu ảnh hưởng từ những biến động trên thị trường quốc tế.