Lợi ích kép từ tái sử dụng xỉ gang thép tại Việt Nam

Vốn được coi là chất thải rắn cần xử lý ở Việt Nam, xỉ thép thường được chôn lấp như nhiều loại chất thải rắn khác. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, điều này không những gây tác động xấu đến môi trường mà còn tốn kinh phí và chiếm dụng diện tích đất nhất định cho việc xử lý xỉ thép trong khi thực tế đây là một loại tài nguyên.

02/11/2018 09:10

Vốn được coi là chất thải rắn cần xử lý ở Việt Nam, xỉ thép thường được chôn lấp như nhiều loại chất thải rắn khác. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, điều này không những gây tác động xấu đến môi trường mà còn tốn kinh phí và chiếm dụng diện tích đất nhất định cho việc xử lý xỉ thép trong khi thực tế đây là một loại tài nguyên.

Xỉ gang thép không phải là phế phẩm

Xỉ thép vốn là chất thải được sinh ra trong quá trình luyện thép từ các tạp chất khi đưa vào lò luyện. Tại nhiều quốc gia khác, xỉ gang thép được coi là một loại tài nguyên, nguyên liệu quan trọng trong sản xuất xi măng, vật liệu làm cốt đường giao thông, chế tạo phân bón...

Theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, sản lượng gang năm 2018 có thể đạt 7 triệu tấn và tăng lên 13 triệu tấn vào năm 2020. Sản lượng thép thô ước đạt 14 triệu tấn trong năm nay và có thể đạt 20 triệu tấn sau hai năm tới. Đáng chú ý, khối lượng xỉ của công nghiệp gang thép trong năm nay có thể đạt 4,23 triệu tấn và dự kiến đạt 7,1 triệu tấn năm 2020. Đây là một sản phẩm phụ của ngành thép mà rất ít doanh nghiệp hiện nay chú ý đến vấn đề tái chế, sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam

Đồng quan điểm,TS. Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, thời gian tới nhu cầu xỉ lò cao cho sản xuất xi măng có thể đạt tới 20 triệu tấn. Trong khi đó, sản phẩm xỉ trong ngành sản xuất thép lại chỉ được coi là sản phẩm phụ. Vì vậy, ngành sản xuất xi măng có thể tận dụng sản phẩm này vừa tiết kiệm tài nguyên, vừa bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Cũng theo ông Cung, tính đến hết tháng 9, ngành xi măng Việt Nam có 82 dây chuyền sản xuất bằng công nghệ lò quay phương pháp khô. Tổng công suất thiết kế là 99 triệu tấn xi măng. Phụ gia xi măng gồm thạch cao khoảng 5%, còn lại 25% gồm các loại puzơlan, tro nhiệt điện, đá vôi, đá basalt, xỉ hạt lò cao. Tro bay nhiệt điện có thể sử dụng làm nguyên liệu, phụ gia sản xuất xi măng và phụ gia bê tông.

Cần có tiêu chuẩn cụ thể

Dù nhu cầu về xỉ gang thép của ngành xi măng rất cao, nhưng các chuyên gia cũng cho biết, việc sử dụng xỉ gang thép vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn. Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, xỉ gang thép có độ cứng cao, khó nghiền, chi phí điện năng nghiền cao làm tăng giá xi măng. Ngoài ra, chi phí nghiền và vận chuyển xỉ cao hơn nghiền clinker và phụ gia. Do đó, bắt buộc giá xỉ phải hợp lý thì việc sử dụng xỉ tro mới có hiệu quả.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Gang thép Lào Cai

Nêu ra khó khăn trong việc tái chế, sử dụng xỉ gang thép, bà Đậu Thị Hoa, Cán bộ môi trường của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho biết, xỉ lò cao của công ty đã được công nhận là sản phẩm hàng hóa, nhưng khi sử dụng trong nhà máy hoặc chuyển giao ra bên ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Mỗi đơn vị chủ quản yêu cầu cung cấp nhiều văn bản pháp lý khác nhau. Do đó, đề nghị, Chính phủ cần ban hành tiêu chuẩn cơ bản khi đưa xỉ thép vào ứng dụng, đồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp đưa các sản phẩm tái chế từ xỉ thép ứng dụng các công trình xây dựng thay thế vật liệu tự nhiên, đặc biệt các nhà máy sản xuất xi măng. Bên cạnh đó, hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về lợi ích của vật liệu xỉ thép, tránh hiểu nhầm đây là chất thải hoặc có độc hại với môi trường.

Rõ ràng, tái chế sử dụng xỉ gang thép không những mang lại lợi ích về môi trường, kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội. Khi hành lang về pháp lý được hoàn thiện, giá trị của xỉ gang thép sẽ được "ứng xử" một cách công bằng.