Hạn ngạch thép của EU sau khi điều chỉnh với Nga

Trước đó theo thông báo của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) vào ngày 11/3, EC đã áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ tư đối với Nga, trong đó bao gồm cả việc cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng sắt thép từ Nga vào EU. Hạn ngạch xuất khẩu của Nga vào EU sẽ được chia cho các quốc gia khác như một giải pháp để EU ứng phó với tình trạng thép nhu cầu thép tăng nóng sau lệnh cấm.

23/03/2022 10:22

Việc phân bổ lại hạn ngạch năm 2022 của EU sẽ chi tiết đến từng quốc gia khác là đối tác của EU dựa trên số liệu xuất nhập khẩu trong năm 2021 và sẽ dựa trên cả việc các nước đó có cung cấp các sản phẩm tương tự như Nga trong năm 2021 hay không. Danh sách các sản phẩm có hạn ngạch vào EU gồm: HRC, thép tấm, CRC, thép cuộn, thép hình, thép ống, thép hộp, tôn mạ kẽm và tôn mạ màu với tổng hạn ngạch là khoảng 30 triệu tấn trong đó HRC chiếm 12 triệu tấn, thép tấm là khoảng 4,6 triệu tấn,… Cụ thể về mức phân bổ lại hạn ngạch:

- HRC: sản lượng hơn 407 nghìn tấn của Nga nhập khẩu vào EU sẽ được tăng nhiều nhất cho Ấn Độ, thêm 39% từ 166 nghìn tấn lên 273 nghìn tấn. Thổ Nhĩ Kỳ tăng 25% từ 323 nghìn tấn lên 430 nghìn tấn.

- Thép cuộn: sản lượng hơn 81 nghìn tấn của Nga nhập khẩu vào EU sẽ được tăng nhiều nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ thêm 27% từ 78 nghìn tấn lên 107 nghìn tấn. Moldova tăng 24% từ 48 nghìn tấn lên 63 nghìn tấn.

- Thép tấm: sản lượng hơn 74 nghìn tấn của Nga nhập khẩu vào EU sẽ được tăng nhiều nhất cho Ấn Độ thêm 19% từ 49 nghìn tấn lên 61 nghìn tấn. Ukraine tăng 16% từ 216 nghìn tấn lên 256 nghìn tấn.

- Thép ống/hộp: sản lượng 59 nghìn tấn của Nga nhập khẩu vào EU sẽ được tăng nhiều nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ thêm 34% từ 64 nghìn tấn lên 97 nghìn tấn. Trung Quốc và Anh đều tăng 17% với lần lượt từ 106 nghìn tấn lên 128 nghìn tấn và từ 89 nghìn tấn lên 107 nghìn tấn.

Các mặt hàng khác chỉ có mức điều chỉnh nhỏ.

Nhận định: việc phân bổ lại hạn ngạch đã gây nên xáo trộn trên thị trường quốc tế

  • Ấn Độ hiện đã dừng xuất khẩu HRC sang Việt Nam để tập trung vào các thị trường EU khi giá HRC tại thị trường này đã vượt ngưỡng 1.500 USD/tấn. Giá chào mới nhất của Ấn Độ cũng đã lên đến mức 1.300 USD/tấn CFR. Với tình hình hiện tại khi mặc dù giá liên tục tăng cao nhưng nguồn cung HRC vẫn đang thiếu hụt tại Châu Âu, việc tăng giá của Ấn Độ được đánh giá là sẽ chưa dừng lại.
  • Trong số các nước được phân bổ lại hạn ngạch thì Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia được phân bổ nhiều nhất, ước tính có thể hưởng lợi thêm 1 tỷ đô thông qua xuất thép sang thị trường EU. Đồng thời Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia nhập khẩu thép phế số 1 thế giới, nên ngay lập tức quốc gia này đã tăng tốc nhập khẩu phế liệu kéo theo giá phế tăng theo. Điều này có thể kéo giá thị trường toàn cầu tăng theo.       

Đình Trung