Giá thép xây dựng tăng đầu năm 2023

Tiếp theo đợt tăng giá của tháng 12/2022, sang đầu năm 2023 giá thép xây dựng nội địa tiếp tục phục hồi theo xu hướng chung của thế giới. Giá thép xây dựng tại thị trường thế giới tăng chủ yếu được thúc đẩy bởi chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.

06/01/2023 16:58

Thị trường thép xây dựng nội địa đã có đợt điều chỉnh giá đầu tiên trong năm 2023 khi ngày 6/1, nhiều nhà sản xuất thông báo tăng giá thép cuộn với mức tăng phổ biến từ 150.000 - 200.000 đồng/tấn. Sang tuần sau, nhiều khả năng các thương hiệu chưa điều chỉnh giá sẽ có động thái tăng giá theo xu hướng chung của thị trường.

6-1-2023-1 Nhận định về khả năng giá thép xây dựng nội địa sẽ tiếp tục phục hồi khi bước sang đầu năm 2023 đã được đưa ra từ đợt tăng giá gần nhất diễn ra hồi tháng 12/2022, do tốc độ tăng giá thép xây dựng tại Việt Nam đang chậm hơn so với thế giới và cũng tăng chậm hơn so với cả tốc độ tăng giá của các nguyên liệu chính.

Trong khi giá bình quân thép xây dựng tháng 12/2022 tại Việt Nam chỉ tăng 1,4% so với tháng 11/2022 thì giá thép Trung Quốc bán tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu đã tăng từ 5 – 6%, giá thép cây và cuộn kỳ hạn 3 tháng tăng từ 6,3 – 8%; giá bình quân thép cây nhập khẩu vào khu vực Đông Nam Á tháng 12/2022 tăng 4,9% so với tháng trước, còn giá bình quân thép cây Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu tăng 4,4%.

Sang tháng 1/2023, tính tới ngày 6/1, tốc độ tăng giá bình quân thép xây dựng tại thị trường nội địa Việt Nam ở mức 1,6% so với giá bình quân tháng 12/2022, tỷ lệ này tiếp tục thấp hơn so với thế giới và khu vực, đơn cử như giá bình quân thép cây nhập khẩu vào Đông Nam Á cùng thời điểm so sánh đã tăng 6% so với tháng 12/2022.

Bảng giá bình quân thép xây dựng tại các thị trường trên thế giới

6-1-2023-2 Nguồn: Giá thế giới tổng hợp từ Platts

Động thái tăng giá thép xây dựng tại thị trường thế giới và trong nước chủ yếu được thúc đẩy bởi chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Đối với phôi thép nội địa, theo ghi nhận tại thời điểm ngày 6/1, giá phôi hiện cao hơn thời điểm cuối năm 2022 từ 400.000 – 500.000 đồng/tấn. Giá chào phôi trung tần phía Bắc hiện phổ biến từ 13,35 – 13,45 triệu đồng/tấn, đầy là giá bán tại kho bên bán, chưa bao gồm VAT.

6-1-2023-3

Đối với thép phế liệu nội địa, trong tuần đầu của năm 2023, giá thép phế tăng phổ biến từ 300.000 – 400.000 đồng/tấn. Giá thép phế loại 1 tại khu vực phía Bắc hiện phổ biến từ 10,2 – 10,4 triệu đồng/tấn, phía Nam phổ biến từ 9,2 – 9,4 triệu đồng/tấn, đây là giá chưa bao gồm VAT và giá giao tại kho bên mua. Việc thu mua thép phế trong nước hiện nay rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp thép áp dụng chính sách thưởng thêm cho nhà cung cấp để đảm bảo sản lượng thu mua.

6-1-2023-4

Tương tự, giá thép phế trên thị trường thế giới cũng đang có diễn biến tăng liên tục trong những ngày gần đây. Nguồn cung thép phế được cho là khan hiếm trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép phế tại một số khu vực đã dần ổn định trở lại đang thúc đẩy đà tăng của giá mặt hàng này ở hầu hết các thị trường. Theo Platts, giá thép phế xuất khẩu nguồn Mỹ và Châu Âu tăng từ 5 – 6% so với thời điểm cuối năm 2022.

Bảng giá thép phế bình quân tại các thị trường trên thế giới

6-1-2023-5 Nguồn: Platts

Bên cạnh đó, thị trường thép Trung Quốc vẫn đang được kỳ vọng sẽ tăng trong thời gian tới và điều này sẽ hỗ trợ cho sự phục hồi giá trên thị trường thép thế giới.

Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc sẽ ứng phó với dịch COVID-19 bằng các biện pháp đối với các bệnh truyền nhiễm loại B, thay vì các bệnh truyền nhiễm loại A. Việc Trung Quốc ngừng xét nghiệm COVID-19 đối với người nhập cảnh và ngừng hạn chế đi lại được đánh giá sẽ góp phần quan trọng để nền kinh tế số 2 thế giới phục hồi mạnh mẽ sau 3 năm thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.

Thông qua các công cụ tài chính, từ cuối năm 2022, Trung Quốc đã đầu tư 106 tỷ USD vào 2.700 dự án để hỗ trợ nền kinh tế, góp phần tạo đà cho tăng trưởng năm 2023. Theo các chuyên gia quốc tế, sự phục hồi nền kinh tế Trung Quốc sẽ bắt đầu tăng tốc từ quý II/2023 khi nhiều nhà máy bắt đầu lấy lại đà sản xuất và các doanh nghiệp mở cửa trở lại.

Hãng tin Bloomberg ngày 6/1/2023 dẫn các nguồn tin cho biết Chính phủ Trung Quốc có thể cho phép một số công ty bất động sản tăng đòn bẩy tài chính bằng cách nới lỏng giới hạn vay và kéo dài thời gian ân hạn để đáp ứng các mục tiêu kiểm soát nợ trong chính sách 3 giới hạn đỏ (Chính sách 3 giới hạn đỏ yêu cầu các công ty bất động sản muốn vay tiền từ ngân hàng phải bảo đảm không được vi phạm 3 tiêu chí: tổng nợ trên tài sản không được vượt quá mức 70%, nợ ròng trên vốn chủ sở hữu không được vượt mức 100% và phải duy trì tỷ lệ tiền mặt so với nợ ngắn hạn ở mức tối thiểu là 1:1).

Động thái nới lỏng này có thể đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ nhất trong chính sách bất động sản của Trung Quốc sau khi Chính phủ đưa ra một loạt các biện pháp kể tháng 11 năm ngoái để cứu vãn lĩnh vực bất động sản, vốn đóng góp khoảng 25% GDP đất nước.

Kế hoạch nới lỏng các hạn chế đối với việc vay vốn của các nhà phát triển bất động sản liên quan đến chính sách 3 giới hạn đỏ vẫn đang được thảo luận và có thể được thay đổi. Tuy nhiên thị trường thép Trung Quốc đã phản ứng tích cực trước tin này trong ngày 6/1 khi giá các mặt hàng thép và nguyên liệu đầu vào trên thị trường giao ngay và thị trường kỳ hạn đa phần tăng.

Trần Hương