Giá thép xây dựng nội địa điều chỉnh giảm, nhu cầu thị trường chưa tăng như kỳ vọng
Sang tháng 10, thép xây dựng nội địa quay đầu giảm giá trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép tại cả thị trường trong nước lẫn thị trường xuất khẩu không phục hồi như kỳ vọng. Nhu cầu toàn cầu đang giảm là nguyên nhân khiến giá hàng hóa giảm theo. Theo Báo cáo Resources and Energy Quarterly công bố tháng 9/2022 của Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài Nguyên Úc, dự báo nhu cầu tiêu thụ thép thô toàn cầu năm 2022 sẽ giảm 0,6% so với năm 2021; trong khi trước đó thời điểm tháng 6/2022, Bộ này đưa ra mức dự báo tăng trưởng 0,5%.
06/10/2022 07:20
Ngày 5/10/2022, hầu hết các nhà sản xuất thép xây dựng đã thông báo điều chỉnh giảm giá bán với với mức giảm đối với thép cây phổ biến từ 200.000 – 300.000 đồng/tấn, thép cuộn từ 100.000 – 150.000 đồng/tấn.
Như vậy sau khoảng thời gian tăng giá kéo dài tương đối ngắn từ cuối tháng 8/2022 tới giữa tháng 9/2022 với 2 nhịp tăng giá phổ biến từ 150.000 – 600.000 đồng/tấn, áp lực về sức tiêu thụ yếu và chậm của thị trường đã khiến thép xây dựng nội địa phải quay đầu giảm giá ngay trong tuần đầu của tháng 10/2022.
Theo đánh giá của một số nhà thương mại, tốc độ tiêu thụ bình quân mỗi ngày của mặt hàng thép xây dựng trong giai đoạn nửa cuối tháng 9/2022 giảm từ 11-13% so với nửa đầu tháng 9, và cũng trong giai đoạn này thị trường đã xuất hiện những động thái về hỗ trợ giá cho thấy nỗ lực giữ giá ổn định sẽ không thể kéo dài. Diễn biến này hoàn toàn trái với những dự đoán và kỳ vọng trước đó về sự phục hồi nhu cầu thép của nền kinh tế khi bước vào tháng 9. Bên cạnh đó, diễn biến giảm giá của nguyên liệu đầu vào cũng là một trong những nguyên nhân chặn đà tăng của giá thép xây dựng.
Thị trường phôi thép nội địa đã có diễn biễn giảm giá từ sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 cho tới nay. Giá phôi thép của tuần đầu tháng 10/2022 giảm từ 650.000 – 800.000 đồng/tấn so với thời điểm cuối tháng 8/2022. Theo ghi nhận ngoài thị trường, giá chào phôi IF hiện nay phổ biến từ 12,45 – 12,5 triệu đồng/tấn, đây là giá xuất xưởng, chưa bao gồm VAT. Nhu cầu giao dịch phôi thép không nhiều, một số nhà máy cho biết lượng tồn kho hiện nay đã đủ cho nhu cầu sản xuất.
Thị trường thép phế nội địa phía Bắc đã điều chỉnh giảm giá ngay khi sức tiêu thụ của thị trường thép xây dựng bắt đầu có xu hướng chậm lại. Trong nửa cuối tháng 9/2022, giá thép phế liệu phía Bắc giảm từ 450.000 – 500.000 đồng/tấn. Sang tuần đầu tháng 10/2022, một số doanh nghiệp thép phía Bắc và phía Nam đã thông báo điều chỉnh giảm giá thu mua phế liệu từ 300.000 – 400.000 đồng/tấn. Giá thép phế loại 1 hiện nay tại khu vực phía Bắc phổ biến từ 9,4 – 9,7 triệu đồng/tấn, phía Nam từ 8,9 – 9,1 triệu đồng/tấn, giá chưa VAT, hàng giao tại kho bên mua.
Như vậy, kể từ đầu năm 2022 cho tới nay, thị trường thép xây dựng nội địa có khoảng 27 đợt điều chỉnh giá, trong đó có 9 đợt tăng giá và 18 đợt giảm giá. Tổng mức tăng giá thấp hơn tổng mức giảm giá cho thấy xu hướng chính của thị trường trong 10 tháng đầu năm 2022 là giảm giá. Theo thống kê sơ bộ, tổng mức tăng giá thép xây dựng của 9 đợt điều chỉnh tại thị trường phía Bắc phổ biến từ 2,75 – 2,85 triệu đồng/tấn trong khi đó tổng mức giảm giá từ 3,95 – 4,3 triệu đồng/tấn; thị trường phía Nam tổng mức tăng giá phổ biến từ 3,5 – 3,7 triệu đồng/tấn nhưng tổng mức giảm giá lên tới 4,3 – 4,7 triệu đồng/tấn, cho thấy thị trường phía Nam giảm sâu hơn thị trường phía Bắc.
Nhìn chung, áp lực khó khăn đang ngày càng gia tăng lên các doanh nghiệp thép khi nút thắt về nhu cầu tiêu thụ tại cả thị trường trong nước lẫn thị trường xuất khẩu không phục hồi như kỳ vọng. Nhu cầu toàn cầu đang giảm là nguyên nhân khiến giá hàng hóa giảm theo.
Thị trường xuất khẩu đang đối mặt với thách thức bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước là các thị trường lớn của Việt Nam có nguy cơ rơi vào suy thoái, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các quốc gia này, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế của doanh nghiệp.
Ở trong nước, việc chưa tháo gỡ được điểm nghẽn về chính sách và nguồn vốn để phục hồi thị trường bất động sản sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến nhu cầu và sức mua của thị trường thép. Chỉ có chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022 - 2023 với giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh mới là động lực để phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của Việt Nam trong năm 2023…
Trần Hương