Doanh nghiệp ngành thép trước thời điểm bắt buộc giảm phát thải

Bộ Công Thương dự báo, giai đoạn 2020 - 2025 là giai đoạn ngành thép sẽ tăng trưởng mạnh, đi kèm là lượng phát thải của toàn ngành năm 2025 dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với phát thải năm 2020, khoảng 49 triệu tấn CO2.

20/01/2021 16:39

Bộ Công Thương dự báo, giai đoạn 2020 - 2025 là giai đoạn ngành thép sẽ tăng trưởng mạnh, đi kèm là lượng phát thải của toàn ngành năm 2025 dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với phát thải năm 2020, khoảng 49 triệu tấn CO2.

Hiện, Bộ đang nghiên cứu ứng dụng công cụ thị trường trong lĩnh vực sản xuất thép và đề xuất hướng dẫn kỹ thuật thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK), nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất thép có công cụ để tính toán, lựa chọn giải pháp giảm phát thải phù hợp nhất, cho thu hồi vốn nhanh và hiệu quả.

Doanh nghiệp nhiều nỗi băn khoăn

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2019, sản lượng thép thô của cả nước tăng nhanh gấp hơn 3 lần (từ 5,65 triệu tấn lên 17,72 triệu tấn) và dự báo sản lượng năm 2030 sẽ gấp đôi sản lượng hiện nay.

Phần lớn phát thải và tiêu thụ năng lượng là do các nhà máy sử dụng công nghệ lò thổi oxy BOF, chiếm 77% tổng phát thải trong năm 2018 và tăng lên 92% năm 2030. Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh 2020 - 2025, ngành thép sẽ bước vào giai đoạn ổn định và dự báo, tổng phát thải ngành năm 2030 khoảng 67 triệu tấn CO2, chiếm 8,5% tổng phát thải toàn quốc (theo Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật NDC). Bởi vậy, Chiến lược phát triển ngành thép hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và năng lượng.

Trong khuôn khổ Dự án Sẵn sàng xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam (VNPMR), Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đã tiến hành khảo sát 11 doanh nghiệp lớn, chiếm 72% sản lượng thép thô của cả nước. Quá trình tham vấn cho thấy, các nhà máy thép đều quan tâm đến việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và mong muốn được hướng dẫn phương pháp tính toán mức giảm phát thải của các hành động này. Nhiều nhà máy đã có một số kế hoạch đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Các doanh nghiệp cũng quan tâm đến việc bán sỉ và bán tín chỉ các-bon. Băn khoăn chung là làm thế nào để thực hiện điều đó. Làm thế nào chứng minh rằng xỉ sẽ được sử dụng trong lĩnh vực xi măng và không sử dụng cho các mục đích khác? Việc tham gia vào thị trường các-bon có bắt buộc hay không? Trách nhiệm, thời hạn để báo cáo lượng khí thải? Hình thức xử phạt như thế nào nếu không tham gia giảm phát thải? Dựa trên cơ sở nào để đưa ra hạn ngạch phát thải cho doanh nghiệp và cách thức cung cấp cơ sở cho từng doanh nghiệp hoặc căn cứ vào nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...

Theo ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương), để các giải pháp giảm phát thải có thể phát huy hiệu quả cả về mặt kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách năng lượng và khí hậu của Chính phủ, cũng như đánh giá của nhà máy và doanh nghiệp về các cơ hội và rào cản về chi phí, lợi ích sau này.

Sẽ có lộ trình phù hợp

Theo các chuyên gia, ngành sản xuất thép nên xây dựng một cơ chế tín chỉ các-bon có thể chuyển đổi thương mại hóa linh hoạt, bao gồm cả cơ chế tạo tín chỉ và hệ thống trao đổi hạn ngạch/tín chỉ các-bon (ETS). Những kết quả của Dự án VNPMR hợp phần thép cho thấy, các doanh nghiệp ngành thép đã có những bước đi ban đầu khá thuận lợi trong việc tham gia thị trường các-bon dự kiến sẽ hình thành trong tương lai tại Việt Nam theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Dựa trên hiện trạng sử dụng năng lượng và mức độ phát thải KNK, Dự án đã thiết kế các hành động giảm phát thải tạo tín chỉ cho ngành thép, bao gồm đề xuất hệ thống báo cáo, kiểm định và thẩm tra (MRV), đường phát thải cơ sở, chi phí các biện pháp giảm phát thải và tiềm năng tạo tín chỉ. Lộ trình đề xuất cho giai đoạn 2020 - 2025 có trọng tâm xây dựng cơ chế chính sách về định giá các-bon ở cấp quốc gia và cấp ngành, thử nghiệm vận hành hệ thống giao dịch tín chỉ các-bon. Từ sau năm 2025 khi hình thành thị trường các-bon trong nước sẽ thực hiện các giao dịch tự nguyện, và từ năm 2028 là giai đoạn bắt buộc các doanh nghiệp phát thải lớn phải tham gia thị trường.

Bộ Công Thương đánh giá, giải pháp giảm phát thải KNK tiềm năng cho ngành thép hiện nay là nâng cao hiệu suất trong các nhà máy gang thép. Lượng phát thải sẽ giảm bớt từ 10% - 20% lượng khí thải bằng cách nâng cao hiệu suất của quy trình sản xuất, quản lý nguyên liệu và chất lượng nguyên liệu đầu vào, cải tiến công nghệ và thu hồi nhiệt thải. Bên cạnh đó, việc sử dụng điện tái tạo sẽ giúp giảm từ 6.5% - 13.5% lượng khí thải, và thay thế nhiên liệu hoá thạch bằng than sinh khối giúp giảm từ 16% - 25%.

Ông Hoàng Văn Tâm cho biết, trong quá trình triển khai, Dự án VNPMR Hợp phần thép đã tiến hành nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn kiến thức liên quan đến thiết kế và vận hành hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra (MRV) ngành thép. Đây là nội dung quan trọng giúp các doanh nghiệp ngành thép có thể tham gia vào thị trường các-bon theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020.

“Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ TN&MT cần cụ thể hóa nội dung nghiên cứu của Hợp phần thép trong quá trình ban hành quy định về giảm phát thải khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, có thể lấy ngành thép làm một trong những lĩnh vực thí điểm giai đoạn đầu của thị trường các-bon Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục đưa nội dung của ngành thép và một số ngành công nghiệp có tiềm năng và tính chất tương đồng vào chương trình hỗ trợ thực hiện công cụ thị trường các-bon cho giai đoạn 2021 - 2030.