Cạnh tranh trong ngành thép: Áp lực sẽ tiếp tục gia tăng

Tình trạng mượn xuất xứ của các doanh nghiệp làm ăn thiếu chân chính khiến cho nhiều sản phẩm thép Việt Nam lọt vào "tầm ngắm" của các nước nhập khẩu.

02/01/2020 14:00

Tình trạng mượn xuất xứ của các doanh nghiệp làm ăn thiếu chân chính khiến cho nhiều sản phẩm thép Việt Nam lọt vào "tầm ngắm" của các nước nhập khẩu.

Trước các cơ hội từ hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới trong năm 2020.

Tuy nhiên, việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) mới đây chính thức áp dụng mức thuế nhập khẩu lên đến 456% đối với thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc cho thấy xu hướng phòng vệ thương mại tiếp tục được các nước sử dụng và sẽ gây áp lực cạnh tranh lên ngành thép trong thời gian tới.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam, tính đến cuối tháng 10/2019, Việt Nam xuất khẩu hơn 5,3 triệu tấn thép thành phẩm, tăng 2,8% về lượng so với cùng kỳ năm 2018. Dù tăng về số lượng, song tổng kim ngạch xuất khẩu thời gian này chỉ đạt hơn 3,49 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là khu vực ASEAN chiếm 63% tổng sản lượng thép; tiếp theo là Hoa Kỳ; châu Âu; Hàn Quốc; Trung Quốc và Nhật Bản.

Như vậy, so sánh với cùng thời điểm này của năm 2018, lượng hàng của doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang các thị trường lớn sụt giảm mạnh. Cụ thể, trong 10 tháng, lượng thép của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ chiếm khoảng 6,5% tổng sản lượng thép xuất khẩu, trong khi cùng kỳ năm 2018, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này đạt 16,2%.

Thị trường châu Âu cũng chịu mức sụt giảm mạnh khi lượng xuất khẩu 10 tháng năm 2019 chỉ đạt 5,6% trong khi cùng kỳ năm 2018 là 8%.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia lĩnh vực thép, nguyên nhân của tình trạng sụt giảm mạnh xuất khẩu là do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, với sản phẩm chính xuất khẩu sang Hoa Kỳ là thép cán nguội, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Các mặt hàng này chiếm khoảng 80% đến 85% lượng thép Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ.

Tình trạng mượn xuất xứ hay nói cách khác là gian lận thương mại của các doanh nghiệp làm ăn thiếu chân chính khiến cho nhiều sản phẩm thép Việt Nam lọt vào "tầm ngắm" của các nước nhập khẩu.

"Nếu chúng ta không có các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn vấn đề này, không chỉ xuất khẩu sang Hoa Kỳ mà ngay cả các thị trường truyền thống trong ASEAN, các sản phẩm thép cũng sẽ có nguy cơ bị áp thuế cao," ông Sưa nói.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2019, giá sắt thép trung bình của Việt Nam xuất khẩu ra đạt 648,2 USD/tấn, giảm 11,4% về giá so cùng kỳ năm 2018.

Điều này cho thấy áp lực của xu hướng bảo hộ thương mại trên thị trường cùng với sức ép cạnh tranh về giá của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế đã khiến ngành thép giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu.

Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho hay tình trạng các doanh nghiệp gian lận về xuất xứ hàng hóa, khai gian các mã hàng để hưởng lợi đang tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh sản phẩm của các doanh nghiệp chân chính trong nước mà còn làm xấu đi hình ảnh thép Việt trên trường quốc tế và khiến thép Việt dễ bị đưa vào diện điều tra, áp thuế, giảm cạnh tranh và xuất khẩu các mặt hàng này.

Mới đây, mặt hàng thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đã bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ chính thức áp dụng mức thuế nhập khẩu đến 456%. Trước đó, ngành thép cũng đã phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại và chịu nhiều thiệt hại.

Theo ông Chu Thắng Chung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), việc gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp từ các quốc gia khác qua Việt Nam để xuất khẩu… chỉ đem lại lợi ích nhất thời cho một vài doanh nghiệp có hành vi bất chính. Thế nhưng, hành vi này đã làm tăng chi phí và nguồn lực rất lớn của các doanh nghiệp chân chính khi muốn chứng minh sự tuân thủ quy định của các quốc gia xuất khẩu.

Thừa nhận ngành thép trong nước đang gặp nhiều khó khăn tại một số thị trường do các nước tiến hành các biện pháp tự vệ đối với Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương cho hay ngoài việc tiếp tục khuyến cáo doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ đề nghị các doanh nghiệp cần tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước.

Việc này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra, trao đổi thông tin, cảnh báo nguy cơ bị khởi kiện vụ việc phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam nói chung và thép Việt Nam nói riêng.

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Sưa, năm 2020 vẫn sẽ ghi nhận sự tăng trưởng của ngành thép nhờ vào quá trình hội nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư trong nước. Tuy nhiên, để tránh việc các sản phẩm thép gian lận xuất xứ tìm đường xuất khẩu thông qua Việt Nam, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, xây dựng “hàng rào kỹ thuật” đối với sản phẩm thép nhập khẩu, có biện pháp ngăn chặn chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ở những công nghệ không thích hợp, quy mô nhỏ, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường...

Ngoài ra, Việt Nam nên hướng việc thu hút đầu tư vào các dự án sản xuất hợp kim và sản phẩm thép chất lượng cao, phục vụ chế tạo, công nghiệp đóng tàu, ôtô... mà trong nước đang thiếu hụt. Các doanh nghiệp tránh việc đầu tư quá nhiều vào các mặt hàng tôn, thép xây dựng thông thường... khiến sự cạnh tranh càng trở nên gay gắt hơn.

Vận hành dây chuyền sản xuất thép. (Nguồn: TTXVN)

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Hồ Nghĩa Dũng, dự báo năm 2020 sẽ là năm ngành thép tiếp tục có sự tăng trưởng do nhu cầu xây dựng các công trình tăng lên.

Đồng thời, với các chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ, nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài sẽ lựa chọn Việt Nam là nơi đặt các trung tâm, nhà máy sản xuất, góp phần thúc đẩy thị trường thép phát triển.

Để ngăn chặn gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến hình ảnh các thương hiệu thép uy tín của Việt Nam, ông Dũng cho rằng trước tiên các doanh nghiệp trong ngành cần chủ động tiếp cận công nghệ mới, tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm thông qua tiết kiệm chi phí sản xuất, cải tiến năng lực quản trị để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng thị trường xuất khẩu...

Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường bảo vệ sản xuất trong nước bằng các hàng rào kỹ thuật, thương mại với các công cụ phòng vệ thương mại hiệu quả.

Đặc biệt, cần có các biện pháp mạnh tay với tình trạng gian lận, làm giả, nhái thương hiệu... để bảo vệ quyền lợi, công bằng cho các doanh nghiệp chân chính./.