Các nhà máy tiếp tục giảm giá thép cuộn xây dựng
Giá thép cuộn xây dựng tiếp tục giảm trong khi giá thép phế và phôi thép đang tăng tại thị trường trong nước. Tuy nhiên các đợt giảm giá thép cuộn chưa tác động mạnh đến thị trường do thép cuộn chỉ chiếm tỷ trọng 26% trong cơ cấu sản phẩm tiêu thụ thép xây dựng tại thị trường nội địa. Sức tiêu thụ tại thị trường trong nước được đánh giá vẫn đang có sự cải thiện nhất định mặc dù vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
15/04/2024 16:32
Ngày 15/4, các nhà sản xuất tiếp tục giảm giá thép cuộn xây dựng với mức giảm 100.000 đồng/tấn so với mức giá hiện tại, bên cạnh đó một số nhà máy chưa giảm giá thép cuộn đợt điều chỉnh ngày 6/4 đã gộp giảm giá luôn 200.000 đồng/tấn trong lần điều chỉnh này.
Đợt điều chỉnh gần nhất của thị trường thép xây dựng nội địa là ngày 6/4, khi đó thị trường bất ngờ nhận được thông báo điều chỉnh giảm giá 100.000 đồng/tấn cho thép cuộn của nhiều nhà máy vào dịp cuối tuần.
Như vậy, tính từ đầu năm 2024 cho tới nay, thép cuộn xây dựng đã có 5 đợt điều chỉnh giảm giá niêm yết chính thức với tổng mức giảm giá 700.000 đồng/tấn, trong đó tổng mức giảm giá của tháng 3 là 400.000 đồng/tấn, tổng giảm trong tháng 4 là 300.000 đồng/tấn.
Giá thép thanh vằn nội địa vẫn ổn định trong tháng 4/2024. Sau đợt giảm giá thép thanh vằn 100.000 đồng/tấn vào tuần cuối tháng 3/2024, các nhà máy chưa có thêm động thái điều chỉnh giá niêm yết mặt hàng này. Với 2 lần điều chỉnh giảm giá thép thanh vằn trong tháng 3/2024, tổng mức giảm giá của mặt hàng tính tới nay là 300.000 đồng/tấn.
Tham khảo giá giao dịch thực tế tại các nhà máy ngày 15 tháng 4 như sau:
- Thép cuộn: miền Bắc dao động từ 13,6 - 13,9 triệu đồng/tấn, miền Trung từ 13,72 - 14,43 triệu đồng/tấn, miền Nam từ 13,6 - 14,3 triệu đồng/tấn (Giá bán tại nhà máy, thanh toán ngay, đã trừ chiết khấu, hỗ trợ, chưa VAT).
- Thép thanh vằn: khu vực miền Bắc dao động từ 14 - 14,35 triệu đồng/tấn, miền Trung từ 14,08 - 14,65 triệu đồng/tấn, miền Nam từ 14,05 - 14,65 triệu đồng/tấn (Giá giao tại nhà máy, thanh toán ngay, đã trừ chiết khấu, hỗ trợ, chưa VAT).
Giá thép phế và phôi thép nội địa diễn biến trái chiều giá thép xây dựng
Trái ngược với diễn biến giảm giá của thị trường thép xây dựng, giá phôi thép và thép phế nội địa đã ngừng giảm và thậm chí tăng khi sang tháng 4/2024.
Tham khảo giá thép phế loại 1 ngày 15/4, khu vực miền Bắc giá phổ biến từ 9,4 - 9,5 triệu đồng/tấn, miền Nam dao động từ 8,6 - 9,3 triệu đồng/tấn, giá chưa bao gồm VAT và giao tại kho bên mua.
Từ đầu tháng 4 cho tới nay, giá thép phế phía Bắc tăng thêm từ 300.000 - 400.000 đồng/tấn; tại khu vực phía Nam, một vài nhà sản xuất thông báo tăng giá thu mua thép phế nội từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn. Tuy nhiên về cơ bản, mặt bằng giá chung tại thị trường thép phế phía Nam vẫn giữ ổn định, chưa có sự điều chỉnh rõ rệt như thị trường phía Bắc.
Tương tự như diễn biến giá thép phế, giá phôi thép nội địa cũng đã có sự phục hồi trong nửa đầu tháng 4 khi tăng thêm từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn so với thời điểm cuối tháng 3/2024. Khảo sát thị trường ngày 15/4, giá chào phôi trung tần xuất xưởng tùy theo khu vực hiện phổ biến từ 12,15 - 12,25 triệu đồng/tấn, giá chưa VAT, thanh toán ngay, giao tại kho bên bán.
Nhu cầu thép xây dựng dự kiến phục hồi tại Trung Quốc
Theo dự báo của Mysteel, nhu cầu thép xây dựng ở Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi trong tháng 4 này nhờ vào việc tăng tốc khởi động lại các công trình xây dựng và triển khai các dự án mới do thời tiết thuận lợi và áp lực tài chính trong ngành giảm bớt. Dựa trên lượng mua thực tế của người tiêu dùng trong tháng 3/2024 và kế hoạch hiện tại của họ, Mysteel dự báo tiêu thụ thép xây dựng nội địa tại Trung Quốc trong tháng 4 sẽ tăng khoảng 25% so với tháng trước, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng vẫn sẽ thấp hơn so với cùng kỳ.
Giá thép nội địa tại Trung Quốc cũng có dấu hiệu phục hồi trong tháng 4. Theo S&P Global, giá thép thanh vằn HRB 400 (D 18-25 mm, L 12m) nội địa Trung Quốc ngày 12/4 ở mức 3.490 Nhân dân tệ/tấn (đã bao gồm VAT), tăng 100 Nhân dân tệ/tấn (tăng khoảng 350.000 đồng/tấn) so với thời điểm cuối tháng 3/2024. Giá thép thanh vằn HRB 400 là một trong những chỉ số phản ánh tâm lý thị trường thép Trung Quốc. Tuy vậy, các nhà thầu xây dựng Trung Quốc được cho rằng vẫn đang thận trọng về thị trường trong ngắn hạn, phần lớn mua theo nhu cầu chứ không mua tích trữ.
Thị trường thép toàn cầu chịu áp lực từ nhu cầu yếu và xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc
Ngày 9/4/2024, Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) công bố dự báo nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu sẽ đạt 1.793,1 triệu tấn vào năm 2024, tăng trưởng 1,7% so với năm 2023. Trước đó, thời điểm tháng 10/2023, WSA dự báo nhu cầu tiêu thụ thép của thế giới năm 2024 ước đạt 1.849,1 triệu tấn, tăng trưởng 1,9% so với năm 2023. Như vậy, WSA đã hạ thấp hơn nữa dự báo về nhu cầu tiêu thụ thép thành phẩm toàn cầu năm 2024 trong lần dự báo mới nhất này, đặc biệt trong đó WSA giảm nhu cầu thép tại khu vực ASEAN từ mức 79,2 triệu tấn thép trong dự báo thời điểm tháng 10/2023 xuống còn 75,9 triệu tấn trong dự báo mới, tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng nhu cầu thép được dự báo giảm từ 5,2% xuống 3,5%.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép yếu, tình hình càng trở nên áp lực hơn trước chính sách xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, Việt Nam nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn sắt thép các loại từ Trung Quốc trong quý 1/2024, tăng 94,1% cùng kỳ năm 2023.
Nhìn chung, hầu hết những người tham gia thị trường đều đánh giá điều kiện thị trường thép toàn cầu hiện nay biến động không ổn định và khó khăn, triển vọng thị trường thép trong quý 2 và quý 3 tiếp tục phức tạp và đầy thách thức.
Trần Hương