Bộ Tài chính trả lời kiến nghị về những khó khăn của doanh nghiệp

05/04/2015 09:13

(Chinhphu.vn) – Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, cử tri TP. Hà Nội cho rằng, mặc dù gần đây các doanh nghiệp đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do đơn giá thuê đất tăng cao, chính sách thuế không ổn định (như thuế TTĐB), thủ tục chuyển đổi ngành nghề kinh doanh rườm rà...

Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành chức năng nghiên cứu có biện pháp hữu hiệu để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời ý kiến cử tri TP. Hà Nội như sau:

Về đơn giá thuê đất

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2093/QĐ-TTg ngày 23/11/2011, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013; Nghị quyết số01/NQ-CP ngày 2/1/2014 cho phép giảm 50% tiền thuê đất trong giai đoạn 2011-2014; gia hạn nộp tiền sử dụng đất 24 tháng đối với doanh nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để đầu tư kinh doanh bất động sản và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời gian được gia hạn.

Triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014).

Theo đó, mức tỷ lệ (%) giá đất tính thu tiền thuê đất theo mức chung đã giảm từ 1,5% (theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP) xuống còn 1% (theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP), góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về tài chính cũng như tăng khả năng cạnh tranh nhờ giảm chi phí sản xuất do tiền thuê đất giảm. Mức tỷ lệ (%) để tính đơn giá thuê đất nêu trên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể theo từng khu vực, tuyến đường tương đương với từng mục đích sử dụng đất, được công bố công khai trong quá trình tổ chức thực hiện.

Về chính sách thuế

Những năm qua, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, nền kinh tế nước ta và cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành một số chính sách thuế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư. Các chính sách này tuy có làm giảm thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng đã hỗ trợ tích cực cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó giảm bớt khó khăn về vốn, hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách trong dài hạn.

Sau gần 5 năm thực hiện, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) năm 2008 về cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra khi ban hành Luật. Bên cạnh đó, một số quy định trong Luật Thuế TTĐB bộc lộ một số hạn chế về: đối tượng chịu thuế; giá tính thuế TTĐB (chưa quy định cụ thể về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường); thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu, bia, casino, xăng sinh học...

Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật số 70/2014/QH13 ngày 26/11/2014 về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016).

Theo Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác đăng ký kinh doanh, hướng dẫn thủ tục đăng ký kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về nội dung kiến nghị liên quan đến thủ tục chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, Bộ Tài chính đã có Công văn số 1339/BTC-QLCS ngày 28/1/2015 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu giải quyết./.