4 nguyên nhân khiến thép liên tục "dính" kiện phòng vệ thương mại
08/04/2019 09:55
Từ trước đến nay, ngành thép đã phải đối diện với 47 cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, chiếm tới 1/3 tổng số các vụ việc điều tra chống bán phá giá với hàng Việt.
Theo bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương): Đến nay, mặt hàng thép đã phải chịu tới 47 cuộc điều tra chống phá giá và trợ cấp, chiếm 1/3 trong tổng số các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Trong đó, năm 2018 có 13 vụ. Từ đầu năm 2019 đến nay có 2 vụ điều tra mới đối với Việt Nam là Ấn Độ điều tra đối với mặt hàng thép cán phẳng mạ kẽm và Indonesia điều tra đối với mặt hàng thép cán phẳng hợp kim.
“Các vụ việc đối với thép xuất khẩu của Việt Nam vẫn theo xu hướng như vậy, không có gia tăng đột biến”, bà Giang nói.
Về nguyên nhân tại sao thép Việt lại liên tục bị các thị trường đưa ra biện pháp phòng vệ thương mại, bà Giang thông tin thêm: Việc Mỹ áp thuế 25% với mặt hàng thép (theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại 1962) đã khơi mào cho cuộc bùng nổ điều tra toàn cầu. Các nước khác cũng tăng cường điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với một số mặt hàng thép cụ thể.
Bà Giang chỉ ra 4 nguyên nhân cụ thể:
Thứ nhất, thép là một mặt hàng sản xuất cơ bản của rất nhiều nước và được coi là vấn đề an ninh quốc gia.
Thứ hai, tình trạng dư cung trên toàn cầu. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tính toán, ví dụ như năm 2017 nguồn cung thép toàn dầu dư gần 900 triệu tấn, trong đó chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Thứ ba, do kinh tế thế giới đang có xu hương chững lại dẫn đến nhiều DN thép của các quốc gia gặp thiệt hại…
Thứ tư, vấn đề liên quan đến xu hướng về bảo hộ mậu dịch đang quay trở lại…
Nhìn nhận ở góc độ khác, theo bà Giang, về tổng thể, các doanh nghiệp thép của Việt Nam vẫn đang có tăng trưởng sản xuất cũng như xuất khẩu ấn tượng trong khu vực và cũng không phải là ở thị trường nào ở Việt Nam cũng bị áp thuế chống bán phá giá.
Mới đây, Chính phủ Indonesia đã có quyết định về việc chấm dứt áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn lạnh của Việt Nam sau khi Việt Nam có những phản ứng là việc này đi ngược lại với các quy định của WTO. Mặc dù thép Việt đã bị điều tra nhưng không bị áp thuế và xuất khẩu vẫn tốt.
Ở chiều ngược lại, phía Việt Nam cũng đã có những hành động để bảo vệ thị trường nội địa trước sức ép của hàng Trung Quốc xuất đi nhưng bị các nước ngăn chặn có khả năng tràn vào Việt Nam bằng các hàng rào kỹ thuật cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại.
“Những thông tin cụ thể về các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại về thép đều được Bộ Công Thương cung cấp đầy đủ trên website của Bộ và Cục Phòng vệ thương mại. Hiện, Cục Phòng vệ thương mại cũng đang trong quá trình hoàn thiện “sách trắng” về các rào cản thương mại đối với mặt hàng thép để có thể công bố vào cuối quý II năm nay”, bà Giang cho biết thêm.