Thép nội vẫn khó khăn tìm đầu ra

Trong 9 tháng qua, tổng sản phẩm của các doanh nghiệp là thành viên VSA sản xuất đạt trên 8,7 triệu tấn, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

03/11/2014 11:02

Trong 9 tháng qua, tổng sản phẩm của các doanh nghiệp là thành viên VSA sản xuất đạt trên 8,7 triệu tấn, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ đạt trên 7,2 triệu tấn, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tình hình sản xuất, tiêu thụ thép có khởi sắc do thị trường đang bước vào mùa xây dựng, nhưng thép nội vẫn đang chịu sức ép khá lớn từ thép nhập khẩu.

Hiện tại, thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào khiến doanh nghiệp phải giảm sản lượng, sản xuất cầm chừng, một vài doanh nghiệp đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất 40-50% công suất, làm tăng chi phí cố định trên mỗi tấn sản phẩm.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), không chỉ bị cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, hiện nay thép Việt Nam sẽ phải đối mặt với hàng nhập khẩu từ Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan. Đầu tháng 4/2014, Bộ Tài chính đã nâng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép lên mức từ 8-15%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, nếu Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakshtan (VCUFTA) sớm được ký kết và thuế suất 0% được áp dụng ngay thì các doanh nghiệp thép trong nước sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện tổng công suất thiết kế của toàn ngành thép khoảng hơn 10 triệu tấn/năm; tuy nhiên, thực tế nhu cầu hiện chỉ chiếm 50%. Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, tìm kiếm thị trường.

Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, đến giữa tháng 9/2014, kim ngạch nhập khẩu thép các loại của doanh nghiệp trong nước đạt giá trị hơn 5,8 tỷ USD, tăng 7% so với cuối năm ngoái.Trước tình hình này, một số chuyên gia Bộ Công Thương cho rằng: Chính phủ cần xem xét hỗ trợ doanh nghiệp ngành thép xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại như: Xem xét điều tra chống bán phá giá một số mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được nhằm bảo vệ các nhà sản xuất. Để các doanh nghiệp thép có thời gian khắc phục những tồn tại từ công nghệ lạc hậu, tiêu hao nguyên nhiên liệu... thì việc đàm phán ký kết cắt giảm thuế quan cũng cần cân nhắc lộ trình phù hợp để hội nhập, nhưng không gây khó cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách bảo hộ cho doanh nghiệp trong thời gian đầu gia nhập VCUFTA, đưa mặt hàng sắt thép vào danh mục hàng hóa cần được bảo hộ có lộ trình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất thép trong nước; tiếp tục đưa ra các rào cản thương mại, kỹ thuật cho thép cuộn chứa bo nhập khẩu từ Trung Quốc.