Bộ Công Thương đã họp bàn cách ứng phó với cáo buộc thép Trung Quốc “núp bóng” hàng Việt

Bộ Công Thương cho rằng Mỹ cần có cơ chế cho phép nếu doanh nghiệp chứng minh rằng họ không còn sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ nữa thì sẽ được loại khỏi biện pháp chống lẩn tránh thuế.

11/12/2017 12:50

Bộ Công Thương cho rằng Mỹ cần có cơ chế cho phép nếu doanh nghiệp chứng minh rằng họ không còn sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ nữa thì sẽ được loại khỏi biện pháp chống lẩn tránh thuế.

Đại diện Bộ Công Thương mới đây cho biết liên quan đến quyết định sơ bộ khẳng định sản phẩm thép carbon chống ăn mòn (tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam đang lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) từ phía Mỹ, Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý Cạnh tranh thông báo thông tin rộng rãi trên trang điện tử của Cục để các doanh nghiệp có thể sớm biết thông tin và có kế hoạch xử lý.

Ngoài ra, Bộ Công Thương còn thường xuyên liên lạc, trao đổi với Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và một số doanh nghiệp liên quan hoặc doanh nghiệp có quan tâm để nắm thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp.

Bộ cũng cho biết đã tổ chức họp với sự tham dự của VSA và các doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật phương hướng xử lý đối với vụ việc.

Ở cấp cao hơn, Chính phủ Việt Nam đã gửi thư bày tỏ quan điểm về vụ việc, trong đó, nhấn mạnh Mỹ cần dựa vào Hiệp định về Quy tắc xuất xứ của WTO trong quá trình điều tra, đồng thời, tuân thủ các kết luận trước đây của chính Mỹ.

“Bên cạnh đó, do nội dung chính mà Mỹ điều tra là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp có xuất xứ từ Trung Quốc nên trong trường hợp Mỹ vẫn kết luận rằng một số công ty sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam lẩn tránh thuế thì Mỹ cần có cơ chế cho phép nếu doanh nghiệp chứng minh rằng họ không còn sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ nữa thì sẽ được loại khỏi biện pháp chống lẩn tránh thuế” – đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế AD và thuế CVD đối với thép các-bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ sơ bộ khẳng định việc lẩn tránh thuế đối với hai sản phẩm này là có thật, cụ thể là từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

Trước đó, năm 2015, Mỹ đã khởi xướng điều tra để áp thuế AD và CVD đối với 2 sản phẩm trên của Trung Quốc. Năm 2016, chính thức áp thuế AD là 199,43% và CVD là 39,05% đối với tôn mạ của Trung Quốc. Đối với thép cán nguội, mức thuế AD là 265,79% và CVD là 256,44%.

Trấn an doanh nghiệp ngay sau đó, trong thông cáo báo chí được phát ra, Bộ Công Thương cho rằng một nội dung đáng lưu ý là theo quy định tại Hiệp định về Quy tắc xuất xứ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một sản phẩm sẽ được coi là có xuất xứ của một nước nếu tại nước đó đã diễn ra một quá trình chuyển đổi đáng kể (substantial transformation) để tạo ra sản phẩm đó.

Bộ Công Thương khẳng định: Theo thông lệ quốc tế cũng như của chính Mỹ, thép cán nóng qua xử lý để trở thành thép cán nguội, sau đó tiếp tục xử lý để trở thành tôn mạ được coi là một sự "chuyển đổi đáng kể" và vì vậy, tôn mạ sản xuất tại Việt Nam, dù sử dụng đầu vào là thép cán nóng của nước khác, vẫn được coi là sản phẩm của Việt Nam (có xuất xứ Việt Nam).

"Điểm mấu chốt trong sự việc lần này là Mỹ đã đi ngược lại thông lệ của chính mình khi không coi quá trình chuyển đổi mô tả ở trên là quá trình "chuyển đổi đáng kể" nữa. Tôn mạ và thép cán nguội, nếu sử dụng đầu vào là thép cán nóng của Trung Quốc, sẽ được coi là tôn mạ và thép cán nguội Trung Quốc và phải chịu mức thuế AD và CVD rất cao" – Bộ Công Thương nêu ý kiến.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng tuy chưa có kết luận cuối cùng nhưng không loại trừ việc Trung Quốc lợi dụng tâm lý ham mua rẻ, bán đắt của doanh nghiệp Việt để đưa sản phẩm thép của họ qua Việt Nam rồi xuất sang Mỹ.

Nhận định này không phải không có căn cứ. Bởi lẽ, trước đây, Cơ quan chống gian lận của Ủy ban châu Âu (OLAF) đã phát hiện ra thép tráng hữu cơ do doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất đã được xuất khẩu sang Việt Nam để lấy giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ Việt Nam trước khi xuất khẩu sang EU.

Với chiêu trò này, doanh nghiệp thép Trung Quốc đã trốn được khoản thuế chống bán phá giá gần 8,2 triệu Euro (9,6 triệu USD) từ EU.