Xoay chuyển cuộc chơi với “vũ khí” phòng vệ thương mại (bài 2)
25/03/2016 13:42
Hàng trăm và một vài là hình ảnh đối lập của số vụ kiện phòng vệ thương mại mà doanh nghiệp Việt Nam ở vai bị đơn và nguyên đơn. Phải chăng, vũ khí mà nhiều quốc gia coi là một phần trong chính sách thương mại, thậm chí là chủ quyền bất khả xâm phạm đang bất khả dụng trong kế sách hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam? Lỗi tại doanh nghiệp Việt Nam chưa chịu học, hay hội nhập vẫn chưa phải là sân chơi chung của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội? Tình thế này không thể kéo dài hơn nữa…
Bài 2: Vũ khí bị bỏ quên hay chỉ là công cụ của nhà giàu?
Doanh nghiệp có vũ khí tự vệ trong tay, nhưng lại không biết hoặc biết mà không được hướng dẫn để áp dụng. Trong khi đó, nếu lạm dụng biện pháp này như công cụ trá hình đi ngược lại với tự do thương mại dẫn đến tình trạng “gậy ông đập lưng ông”.
Kịch bản nào cho 200 ngày?
Sau khi Bộ Công thương ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép (23,3%) và thép dài (thép cuộn và thép thanh) là 14,2% vào ngày 7/3/2016 và chính thức có hiệu lực từ ngày 23/3/2016, nhưng 4 doanh nghiệp đứng tên trong nguyên đơn vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhõm. Họ đang vào cuộc so găng mới để vun vén vị thế trong cuộc chơi dài hạn hơn trong lĩnh vực của mình.
Có hai lý do để nhắc tới cuộc so găng mới.
Thứ nhất, dư luận và người tiêu dùng đang sốt ruột khi giá thép đang tăng vùn vụt. Nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải là một giải pháp tích cực, và rằng nếu như giá vẫn tăng thì nên xem xét rút lại biện pháp này. Vì theo họ, cách này chỉ mang lại lợi ích cho vài doanh nghiệp đang nắm thị phần lớn trên thị trường hiện nay và lo ngại dẫn tới độc quyền doanh nghiệp - một hành vi luôn bị lên án.
Thực tế, diễn biến trên thị trường thép cũng cho thấy đợt tăng giá mạnh bất thường. Mức giá bán ra của thép xây dựng trước ngày quyết định áp thuế có hiệu lực đã lên tới 14 triệu đồng/tấn, tăng 1 triệu đồng/tấn so với cuối ngày 21/3/2016. Còn tính từ cuối tháng 2, giá thép tăng khoảng 20%.
Lý giải thực trạng trên, một số doanh nghiệp thép cho rằng, việc tăng giá hoàn toàn do cung - cầu thị trường quyết định. Một số khác thì cho rằng, họ đang cố gắng tối đa để thị trường phát triển tốt.
Thế nhưng, người đứng đầu Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ông Hồ Nghĩa Dũng lại đang lo lắng. Vì trước đó, dù đã có được cam kết của các doanh nghiệp sản xuất là không tăng giá, nhưng các doanh nghiệp này lại khó kiểm soát được hệ thống đại lý phân phối lẻ tẻ. Nếu giá thép cứ tăng sẽ ảnh hưởng tới chính sách đang có lợi cho ngành thép trong nước.
Mặc dù Bộ Công thương đã chính thức lên tiếng phản bác những gì dư luận đang lo lắng với những lập luận khá chắc chắn và khẳng định tình trạng này khó xảy ra hoặc nếu có thì cũng sẽ nhanh chóng chấm dứt, song ông Dũng cho rằng, nếu để lại những tác động xấu trong dư luận xã hội thì không khéo Bộ sẽ rút lại quyết định, hoặc sẽ áp một mức thuế khác.
Điều này cũng hàm ý rằng, lúc này, các doanh nghiệp phải cẩn trọng và hợp tác với các cơ quan chức năng thực hiện đúng cam kết, tức là, không được sử dụng biện pháp áp thuế tạm thời này như công cụ trá hình đi ngược lại với mục tiêu tích cực của thương mại tự do.
Thực tế, các nguyên đơn trong vụ việc này đều hiểu rằng, về bản chất, đây mới chỉ là biện pháp tạm thời và Bộ Công thương vẫn còn tiếp tục điều tra, thu thập số liệu và chứng cứ trước khi có quyết định cuối cùng. Và ngay cả khi áp dụng chính thức thuế tự vệ thương mại sau khi có kết luận điều tra thiệt hại thì cũng chỉ có hiệu lực không quá 4 năm (tính cả thời gian áp dụng biện pháp tạm thời), theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
“Dù sao, biện pháp tự vệ thương mại là một công cụ hợp pháp, chính đáng đã được WTO quy định rõ và cho phép các quốc gia thành viên áp dụng nếu thấy cần thiết để bảo vệ nền sản xuất trong nước, tránh sụp đổ và có thời gian để tự điều chỉnh”, ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát (một trong 4 công ty đứng trong nguyên đơn) cho biết.
Thứ hai, thời hạn của lệnh áp thuế tự vệ tạm thời chỉ là 200 ngày. Về nguyên tắc, đây là cơ hội cho những doanh nghiệp sản xuất lớn chi phối thị trường thép, vốn chủ động về nguồn nguyên liệu để tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường. Nhưng việc tận dụng được tốt nhất khoảng thời gian này thế nào cũng là bài toàn không dễ giải.
Bà Phạm Châu Giang, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cảnh báo, nếu kết luận cuối cùng của vụ việc là phủ định những chứng cứ gây thiệt hại đối với sản xuất thép trong nước, thì khoản chênh lệch do biện pháp áp dụng tăng thuế tự vệ tạm thời trong thời gian 200 ngày này phải được hoàn trả cho bên đã nộp; nếu áp dụng mức thuế mới mà thấp hơn mức thuế đã áp dụng trong 200 ngày đó, thì phải trả lại phần chênh lệch cho bên nộp.
Nhắc đến biện pháp tự vệ thương mại do phía Việt Nam khởi xướng, nhiều người chưa quên vụ việc cách đây 7 năm. Đó là vụ Công ty Kính nổi Viglacera (VIFG) và Công ty Kính nổi Việt Nam (VFG) - 2 doanh nghiệp chiếm hơn 90% tổng sản lượng mặt hàng này ở trong nước - đã nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập khẩu vào Việt Nam.
Tuy nhiên, vụ điều tra áp dụng các biện pháp tự vệ đầu tiên của Việt Nam theo quy định của pháp luật WTO này đã chấm dứt với kết quả không áp dụng các biện pháp tự vệ sau 7 tháng điều tra. Khi đó, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã kết luận, tuy có sự gia tăng nhập khẩu và thiệt hại đối với sản xuất trong nước, song trong thời gian điều tra, thị phần của các nhà sản xuất trong nước đã có dấu hiệu phục hồi, lượng bán hàng nội địa tăng lên, lượng hàng hóa nội địa tồn kho suy giảm.
Đặc biệt, trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu giai đoạn 2008 - 2009, cùng với những biến động trái chiều của giá dầu nhiên liệu tại thị trường Việt Nam so với thị trường thế giới, sự gia tăng nhập khẩu sản phẩm kính nổi không phải là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước.
Vụ việc trên trở thành bài học cho việc ứng xử cẩn trọng của doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác, nhất là nhìn vào động thái mà dư luận đang lo lắng đối với vụ thép hiện nay.
Đi tìm van an toàn
Kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ không còn là công cụ xa lạ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp biết về công cụ này như là một rào cản đối với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài, chứ không phải là công cụ để họ có thể sử dụng ngay tại sân nhà nhằm chống lại hàng hóa nước ngoài nhập khẩu ồ ạt vào thị trường.
Tất cả đều có nguyên do của nó. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) thừa nhận, trước đây, nhiều doanh nghiệp do dự, ngại va chạm với các biện pháp phòng vệ thương mại do nhận thức về các quyền lợi của mình trong việc sử dụng các công cụ này còn hạn chế. Sâu xa hơn là sự lo lắng về khả năng không thắng kiện, chi phí đắt đỏ để thuê luật sư, nhân sự qua lại làm việc…
Từ cú hích của ngành thép, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể sử dụng biện pháp phòng vệ này để đối phó với những vụ việc tương tự, nhất là với các mặt hàng mà khả năng sản xuất trong nước còn hạn chế.
Tính đến thời điểm này, chỉ có 5 vụ kiện phòng vệ thương mại do doanh nghiệp Việt Nam khởi xướng, nhưng có tới 4 vụ áp dụng công cụ tự vệ. Theo bà Giang, công cụ này được ưa chuộng vì thời gian điều tra chỉ trong vòng 6 tháng, trong khi kiện chống bán phá giá mất 12 tháng. Hơn thế, biện pháp này đòi hỏi trách nhiệm chứng minh nhẹ hơn cho các bên nguyên đơn, hợp với các doanh nghiệp nguyên đơn chưa có kinh nghiệm kiện tụng.
Trong khi đó, theo quy luật vận động chung của các nước đang phát triển thì hầu như doanh nghiệp khởi đầu bằng việc áp dụng nhiều biện pháp tự vệ, sau đó chuyển sang chống bán phá giá, còn biện pháp chống trợ cấp thì khó hơn, bởi phải am hiểu luật pháp của nước định điều tra để xem họ áp dụng trợ cấp như thế nào…
Trong khi đó, các chuyên gia về thương mại phân tích rằng, biện pháp chống bán phá giá là công cụ mà các doanh nghiệp Việt Nam nên cân nhắc lựa chọn. Lý do là, đối với quốc tế thì biện pháp tự vệ được xem là đơn phương và WTO cũng khuyến khích các nước áp dụng biện pháp chống bán phá giá hơn. Về mặt thời gian, chống bán phá giá được điều tra dài hạn, có trường hợp áp dụng lên tới 20 năm, trong khi với tự vệ chỉ được 10 năm đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Ngoài ra, chống bán phá giá không áp dụng biện pháp đền bù giống như biện pháp tự vệ.
Việc các doanh nghiệp Việt Nam nên cân nhắc sử dụng nhiều công cụ tự vệ thương mại trong thời gian tới là hợp lý, nhưng cũng không phải là có thể thực hiện trong ngày một ngày hai khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn quá nhỏ, tính cộng đồng chưa đạt mức độ gắn kết mong muốn, nguồn lực dành cho các vụ kiện gần như chưa có…
Cũng phải nhắc lại vụ việc chống bán phá giá giá đối với thép không gỉ cán nguội đầu tiên ở Việt Nam được khởi xướng theo sáng kiến và đơn kiện của Công ty POSCO VST - công ty 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc. Công ty mẹ của công ty này đã có rất nhiều kinh nghiệm về khởi kiện chống bán phá giá. Điều này cho thấy, công cụ phòng vệ thương mại vẫn chỉ dành cho nhà giàu, nếu không có sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp cùng ngành, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp chưa rõ ràng. Khi đó, quyền và lợi ích của của các doanh nghiệp nhỏ vốn đang chịu tác động mạnh nhất từ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh tiếp tục bấp bênh.n
(Còn tiếp)