Xây dựng Chính phủ liêm chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Trăn trở, chăm lo xây dựng chính quyền vững mạnh, thật sự của dân, do dân, vì dân, Chính phủ là công bộc của dân, chính quyền “sao cho được lòng dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo những căn bệnh của cán bộ như những biểu hiện của thoái hóa, biến chất, lên mặt làm quan cách mạng, quan liêu, lãng phí, tham ô, không quan tâm đến đời sống của nhân dân. Để giải thích rõ nội dung thế nào là cần, kiệm, liêm, chính, Người viết tác phẩm: “Cần, kiệm, liêm, chính” gồm 4 bài báo với bút danh Lê Quyết Thắng đăng trên báo Cứu Quốc các số ra ngày 30-5, 31-5, 1-6 và 2-6 năm 1949. 70 năm trôi qua, những lời chỉ dẫn quý báu của Hồ Chí Minh về thực hành liêm khiết vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đang chủ trương “xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”.

10/06/2019 13:23

Trăn trở, chăm lo xây dựng chính quyền vững mạnh, thật sự của dân, do dân, vì dân, Chính phủ là công bộc của dân, chính quyền “sao cho được lòng dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo những căn bệnh của cán bộ như những biểu hiện của thoái hóa, biến chất, lên mặt làm quan cách mạng, quan liêu, lãng phí, tham ô, không quan tâm đến đời sống của nhân dân. Để giải thích rõ nội dung thế nào là cần, kiệm, liêm, chính, Người viết tác phẩm: “Cần, kiệm, liêm, chính” gồm 4 bài báo với bút danh Lê Quyết Thắng đăng trên báo Cứu Quốc các số ra ngày 30-5, 31-5, 1-6 và 2-6 năm 1949. 70 năm trôi qua, những lời chỉ dẫn quý báu của Hồ Chí Minh về thực hành liêm khiết vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đang chủ trương “xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lao động tăng gia sản xuất cùng cán bộ, chiến sĩ bảo vệ.

1.Liêm và những biểu hiện của bất liêm

Liêm khiết là một phẩm chất đạo đức của con người thể hiện lối sống trong sạch, không hám danh, không bận tâm toan tính nhỏ nhen, ích kỷ. Trong bài báo “Thế nào là liêm?” Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích rất giản dị, dễ hiểu: “Liêm là trong sạch, không tham lam”. Theo quan niệm của Người, liêm tức là luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước và của nhân dân; “Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”[1]. Nếu trong Ngũ thường của Nho giáo (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) không có đức liêm thì với Chủ tịch Hồ Chí Minh, liêm là một phẩm chất không thể thiếu của mọi công dân, bất kỳ ở cương vị nào, từ người cán bộ, người có tiền, có quyền đến người buôn bán, người cày ruộng…

Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về chữ liêm trong mối quan hệ thống nhất hữu cơ và biện chứng với cần, kiệm, chính. Người cho rằng, cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Chính nghĩa là “không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn”, “là việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái dù nhỏ cũng tránh”. Người có đức chính là người chính trực, đúng mực, công tâm, họ luôn hành động theo lẽ phải, kiên quyết bảo vệ lẽ phải.

Trái với chữ liêm là bất liêm. Chiều sâu tư duy Chủ tịch Hồ Chí Minh về chữ bất liêm của cán bộ, công chức hết sức sâu sắc. Đó không chỉ là tham tiền, của cải vật chất. Những thứ đó chỉ là ngọn. Cái gốc rễ chính là “tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên… Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình... Gặp việc phải mà sợ khó nhọc, nguy hiểm không dám làm”. Từ cái tham gốc rễ đó dẫn đến “cậy quyền thế mà khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư”[2]. Hành vi bất liêm của người cán bộ là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, thói quan liêu, hách dịch, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái. Những điều bất liêm và trái với chữ liêm đều là tai hại, cần phải nghiêm khắc phê phán, loại bỏ. Người chỉ rõ, do bất liêm mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp. Người dẫn lời Khổng Tử: “Người mà không liêm, không bằng súc vật” và lời Mạnh Tử: “Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”. Hai câu nói này vẫn còn nguyên tính thời sự đối với thực tế đất nước hiện nay.

Như vậy, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chữ liêm làm sáng tỏ và khẳng định một chân lý: Từ xưa đến nay, ai là con người chân chính, lương thiện cũng coi trọng chữ liêm và căm ghét, khinh bỉ những kẻ bất liêm, làm những điều trái với chữ liêm. Nói cách khác, liêm khiết là một trong những phẩm chất đạo đức cơ bản nhất, tạo nên giá trị đích thực của con người. Thực hiện chữ liêm không chỉ là trách nhiệm mà còn là bổn phận, nghĩa vụ của mỗi công dân; không chỉ tạo nên giá trị chân chính cho mỗi người mà còn hun đúc nên giá trị cao quý cho cả một dân tộc, một quốc gia. Người đã gắn liền mỗi cá nhân với cộng đồng dân tộc, gắn lòng tự trọng của mỗi người với lòng tự tôn, tự hào về dân tộc và đất nước khi bàn về chữ liêm. Người là biểu tượng cao quý của việc “thực hành liêm khiết”, của đức hy sinh, lo cho dân, sống vì dân, thấu hiểu tình dân, dân sinh, dân ý, trở thành lãnh tụ của dân, thân dân và chính tâm.

2. Quan điểm của Chủ tịchHồ Chí Minh về xây dựng Chính phủ liêm khiết

Tuy không trực tiếp đề cập đến việc xây dựng “Chính phủ liêm chính” như hiện nay nhưng trong quá trình xây dựng nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến khá nhiều về việc xây dựng Chính phủ liêm khiết, phục vụ nhân dân. Điều đó được nổi bật và quy tụ ở quan niệm: Chính trị là đoàn kết và thanh khiết, thanh khiết từ việc to đến nhỏ[3]. Đó thực sự là một nền chính trị trong sạch, lấy dân làm gốc, chính trị thân dân, chính tâm, chính trị nhân nghĩa. Ngày 31-10-1946, tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Tuy trong nghị quyết không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”[4].

Để xây dựng Chính phủ liêm khiết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết kế, đưa ra một “mô hình” về Chính phủ địa phương – các Ủy ban dân làng, phủ: Phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các Ủy ban đó. Ủy ban dân làng sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng; thận trọng hết sức trong việc chi dùng công quỹ, không dám tùy ý tiêu tiền vào những việc xa phí như ăn uống. Những nhân viên Ủy ban sẽ không lợi dụng danh nghĩa Ủy ban để gây bè tìm cánh, đưa người “trong nhà trong họ” vào làm việc với mình. Ủy ban nhân dân có nhiệm vụ hành động đúng tinh thần tự do dân chủ[5].

Một chính phủ liêm khiết phải là một chính phủ mà tất thảy mọi cán bộ, công chức phải liêm khiết, chính trực. Vì vậy, cán bộ, nhân viên nhà nước – những người trực tiếp thực thi các chủ trương, chính sách của nhà nước và tiếp xúc trực tiếp với nhân dân phải có trách nhiệm, có cái tâm trong sáng, không bòn rút của dân, không vụ lợi, vị kỷ và phải cải tạo lòng mình. Vì “Nếu lòng mình không cải tạo thì đừng nói đến cải tạo xã hội. Lòng mình còn tham ô, lãng phí, muốn cải tạo xã hội làm sao được”[6]. Do đó, phải kiên quyết chống bằng được “giặc nội xâm”- giặc ở trong lòng mỗi con người. Đó là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ bằng nhiều hình thức phong phú gắn với những điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ… dù cố ý hay không cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến… Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”[7]. Những hành vi đó trái với đức liêm, những cán bộ đó là bất liêm nên cần phải đấu tranh như đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Bởi cuộc sống là một trường tranh đấu, cái đúng, cái sai, cái tốt, cái đẹp không dễ gì đạt được ngay một lúc, ngay trong trường hợp lý tưởng nhất, đã đạt được thì cũng không phải đương nhiên, tự nhiên tồn tại mãi mãi cho nên phải thường xuyên tự rèn luyện, tự tu dưỡng và thực hành chữ liêm.

Nhìn nhận về kết quả hoạt động của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thừa nhận rằng “Tuy nhiều người trong ban hành chính làm việc tốt và thanh liêm, song cái tệ tham ô, nhũng lạm chưa quét sạch”[8]. Đây là lần đầu tiên trong chế độ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng hai chữ “nhũng lạm” với nghĩa lạm dụng quyền lực để tham nhũng. Người lạm dụng quyền lực thì trước hết phải là những người có quyền lực và đó chỉ có thể là những người làm việc trong các công sở, cán bộ các cơ quan, đoàn thể. Và quyền lực ở đây được đặt ngang hàng trong mối tương quan giữa cán bộ, công chức với nhân dân. Một tư duy mang sắc thái Hồ Chí Minh, đó là nhân dân, dù muốn tham nhũng cũng không thể, mà chỉ có thể tham ô. Còn cán bộ, người có quyền mới có điều kiện tham nhũng. Cán bộ có chức vụ càng cao càng có điều kiện tham nhũng lớn. Trong tác phẩm Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư” (lấy của công làm việc tư).

3. Một số giải pháp để xây dựng Chính phủ liêm chính hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Từ yêu cầu thực tiễn khách quan, từ ý thức vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính. Trong lễ nhậm chức, lễ ra mắt Chính phủ cũng như trong các cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhắc tới liêm, chính và hai đức tính này đã trở thành tiêu chí hành động của Chính phủ. Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 9-5-2016 của Chính phủ đã nêu rõ nhiệm vụ: “xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, Chính phủ kiến tạo, phát triển. Khẳng định Chính phủ là công bộc của dân, gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân… bảo đảm công bằng, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lãng phí”[9]. Để góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính trong giai đoạn hiện nay cần nghiêm túc nghiên cứu, học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về những giải pháp thực hành chữ liêm trong tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính”.

Một là, “cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên trên”

Trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi người nhận thức rõ rằng bất liêm là “ăn cắp”, là xấu để mà tránh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khích lệ ý thức giác ngộ, tinh thần tự phê bình, tự giáo dục để khắc phục khuyết điểm và những thói hư tật xấu trong mỗi người và trong bộ máy của Chính phủ. Đồng thời, Người rất coi trọng công tác tổ chức, kiểm soát của các cấp, các ngành đối với cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực hiện chữ liêm; giám sát tình hình tuân thủ và chấp hành pháp luật, quy định và các quyết định của chính quyền đối với các cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ; chú trọng xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi, những con người bất liêm, cho dù họ là ai. Qua đó, cảnh tỉnh mọi người tránh xa hành vi bất liêm và tạo dựng niềm tin trong xã hội.

Những biểu hiện của bất liêm không thể bị tiêu diệt nếu chỉ bằng tu dưỡng ý thức đạo đức hay giáo dục mà nó chỉ có thể bị đánh bại bằng cơ chế, bằng sự trừng trị của pháp luật. Chính vì vậy, cần chủ động đấu tranh với những biểu hiện của bất liêm, xử lý nghiêm khắc mọi hành vi bất liêm mới có thể củng cố, tăng cường được khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Đấu tranh chống lại thói bất liêm là để bảo vệ kỷ cương phép nước, bảo vệ đạo đức, truyền thống văn hóa của dân tộc, bảo vệ công bằng, bình đẳng xã hội, bảo vệ môi trường thuận lợi, lành mạnh cho phát triển đất nước. Trong thi hành pháp luật, cái khó nhất là phải bảo đảm được tính vô tư, khách quan, công bằng, bình đẳng đối với mọi công dân trước pháp luật. Vì vậy, tác phẩm ghi rõ, “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Tinh thần dân chủ, thượng tôn pháp luật của Hồ Chí Minh hết sức sáng tỏ, sâu sắc, triệt để, văn minh.

Hai là, “cán bộ phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân”

“Thượng bất chính, hạ tắc loạn” - người đứng đầu mà không liêm, không rõ ràng, minh bạch thì dưới sẽ loạn. Một trong những thử thách lớn nhất đối với Chính phủ hiện nay là tình trạng thoái hoá, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền, mà biểu hiện của nó là bất liêm. Mỗi cán bộ công chức, viên chức phải hiểu rằng “tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”[10]. Do đó, để xây dựng đức liêm, phòng chống bất liêm, cán bộ phải gương mẫu, đi đầu trong việc tu dưỡng, rèn luyện và phát huy đức liêm ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi công việc để cả xã hội đều liêm.

Ba là,“dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ liêm”

Nếu dân hiểu biết, nêu cao liêm chính, không chịu đút lót, thì quan “dù không liêm cũng phải hóa ra liêm”. Để cán bộ liêm chính thì mỗi công dân phải thực hành chữ liêm, thực hành liêm chính trong thực hiện chức phận công dân, trong các quan hệ xã hội của mình, nhất là trong quan hệ với những người có chức quyền. Muốn thế, cần không ngừng nâng cao ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ công dân, bồi dưỡng và phát huy năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội, ý thức dân chủ xã hội của nhân dân để trên cơ sở đó mà tổ chức và phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đức liêm cho cán bộ. Ngược lại, cán bộ phải tin dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân; cấp ủy đảng phải có những biện pháp cụ thể, phù hợp để nhân dân có thể bày tỏ chính kiến của mình.

Trong bối cảnh đất nước và quốc tế hiện nay, tư tưởng của Hồ Chí Minh về chữ liêm và những giải pháp cụ thể mà Người đã chỉ ra trong tác phẩm “Cần, kiêm, liêm, chính” để thực hành chữ liêm vẫn còn nguyên tính thời sự. Kế thừa tư tưởng của Người, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (17-11-2016) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ quyết liệt chỉ đạo xây dựng bộ máy hành chính nhà nước các cấp liêm chính, trong sạch, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu”[11]. Điều đó đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, trong sạch, gần dân, vì dân, đấu tranh mạnh mẽ với tệ nạn tham nhũng, lãng phí. Đồng thời cũng thể hiện quyết tâm trong thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”[12].

Tài liệu tham khảo

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.292.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Sđd, tr.126.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Sđd, tr.75.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Sđd, tr.478.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Sđd, tr.21-22.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Sđd, tr.113.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Sđd, tr.357-358.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Sđd, tr.192.

[9] Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 09-5-2016 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2016.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Sđd, tr.127.

[11] http://baochinhphu.vn/Cac-bai-phat-bieu-cua-Thu-tuong/Phat-bieu-giai-trinh-tra-loi-chat-van-truoc-Quoc-hoi-cua-Thu-tuong-Chinh-phu/291777.vgp

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Sđd, tr.128.