Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,3% trong năm 2017

Nhận đinh này được nêu trong Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới công bố ngày 5/10 tại Hà Nội.

06/10/2016 08:11

Nhận đinh này được nêu trong Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới công bố ngày 5/10 tại Hà Nội.

Báo cáo này tỏ ra lạc quan với kinh tế các nước thuộc khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Theo đó tăng trưởng của các nước đang phát triển khu vực dự kiến vẫn duy trì tốt trong 3 năm tới.

Liên quan đến Việt Nam, báo cáo cho biết, Việt Nam với tăng trưởng tuy có bị giảm sút năm nay do hạn hán nhưng sẽ hồi phục và đạt 6,3% trong năm 2017. Trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại thì Việt Nam vẫn chứng tỏ khả năng chống chịu của mình. Trong 3 quý đầu năm 2016 tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ do nông nghiệp bị hạn hán nặng nề và tăng trưởng công nghiệp sụt giảm. Nhưng ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì và sức ép lạm phát không đáng kể.

Tỉ lệ giảm nghèo của Việt Nam vẫn tiếp tục giảm xuống nhưng sản xuất nông nghiệp sụt giảm đã đem lại một số rủi ro trong ngắn hạn. Sinh kế các hộ gia đình dựa vào nông nghiệp đặc biệt bị ảnh hưởng. Xét về viễn cảnh trung hạn vẫn tích cực, nhưng cần phải thực hiện tái cơ cấu, cải cách tài khóa và cải cách ngân hàng quyết liệt hơn nữa thì mới có thể khắc phục được các yếu kém vĩ mô và tăng cường tăng trưởng trong trung hạn.

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, thách thức dài hạn với Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung là làm sao duy trì được tăng trưởng, làm cho nó trở nên thiết thực với nhiều người hơn, ví dụ thông qua thu hẹp khoảng cách về thu nhập và tiếp cận dịch vụ công.

Báo cáo này cũng khuyến nghị các nước ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính và qua đó nâng cao mức độ hòa nhập tài chính. Hiện nay các nước trong khu vực đã đạt trình độ công nghệ khá tân tiến, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao, nhưng vẫn còn tồn tại trong mảng cung cấp dịch vụ tài chính. Để các biện pháp đổi mới sáng tạo trong ngành tài chính đem lại lợi ích, các nước cần phải tăng cường khung pháp lý và quản lý nhà nước cũng như tăng cường bảo vệ người tiêu dùng.