Về nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách
17/05/2016 11:17
Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là một trong những nguyên tắc hoạt động của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung. Hơn 86 năm qua, nhờ thực hiện nguyên tắc này, Đảng ta đã phát huy trí tuệ của cán bộ, đảng viên trong Đảng đề ra đường lối cách mạng đúng đắn trong mỗi thời kỳ, phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong hoạt động thực tiễn, đưa sự nghiệp cách mạng không ngừng tiến lên giành được những thắng lợi có ý nghĩa to lớn.
Trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình xây dựng và hoạt động, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng việc thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Điều đó được thể hiện rõ trong các văn bản, nghị quyết, Điều lệ của Đảng.
Để thực hiện tốt lãnh đạo tập thể phải kết hợp chặt chẽ với phân công cá nhân phụ trách. “Các nghị quyết trong các hội nghị của Đảng đều lấy theo ý kiến đa số”[1],“Đảng phải luôn luôn nắm vững lãnh đạo tập thể là nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng thời kết hợp với phân công phụ trách”[2], “Đảng là một khối thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách”[3]. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, IX, X, XI thông qua đều xác định: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, “cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.
Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng thực hiện lối làm việc tập thể gắn với cá nhân phụ trách. Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ rõ: “Phải thực hiện trong Đảng cách mạng làm việc theo lối “tập đoàn chỉ huy, cá nhân phụ trách”. Phàm những vấn đề mới hay những việc quan trọng phải thảo luận trước trong ban chấp hành, rồi mới giao cho một đồng chí chịu trách nhiệm đem thi hành hoặc đôn đốc các tiểu ban chuyên môn thi hành. Có như thế mới tránh được nạn bao biện đánh trống bỏ dùi, cá nhân hành động hay mệnh lệnh chủ nghĩa”[4].
Để giữ vững và tăng cường đoàn kết trong Đảng cần phải “giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thường xuyên tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng”[5]. Đối với các cấp uỷ đảng cần phải thực hiện đúng chế độ “lãnh đạo tập thể, kết hợp với phân công phụ trách và những nguyên tắc sinh hoạt của Đảng”[6]; “Thực hiện triệt để nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong cấp uỷ. Tạo mọi điều kiện cần thiết để mỗi cấp uỷ viên có thể tham gia đầy đủ vào việc bàn bạc, quyết định các chủ trương; định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của từng người”[7].
Trong công tác cán bộ“cấp uỷ đảng cần định ra và thực hiện đúng các chế độ, quy tắc làm việc trong công tác cán bộ để nắm chắc tình hình cán bộ nói chung và hiểu sâu từng cán bộ thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của cấp uỷ, bảo đảm nguyên tắc tập thể lãnh đạo và dân chủ, tránh những hiện tượng chủ quan, phiến diện”[8]. Việc bố trí, đề bạt cán bộ phải theo quy chế “kết hợp giữa tự phê bình của cán bộ với nhận xét của cơ quan quản lý cán bộ, tham khảo ý kiến của cán bộ, đảng viên và quần chúng biết người, hiểu việc, nhất là cán bộ dưới quyền có quan hệ mật thiết, và tập thể có thẩm quyền quyết định”[9]. Trong xây dựng đội ngũ cán bộ và tiến hành công tác cán bộ, các cấp ủy “thực hiện nguyên tắc tập thể trong công tác cán bộ”[10]; “bảo đảm tính tập thể trong các quyết định về cán bộ trên cơ sở dân chủ xem xét đầy đủ ý kiến của các tổ chức và cá nhân có liên quan, đi đôi với nêu cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu; tránh tình trạng người phụ trách không có quyền và nhất là không có trách nhiệm trong việc lựa chọn cán bộ do mình phụ trách”[11].
Tất cả các quyết định về cán bộ phải theo “nguyên tắc tập thể dân chủ đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân. Những vấn đề về chủ trương, chính sách, nhận xét, đánh giá, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ nhất thiết phải do tập thể có thẩm quyền quyết định theo đa số. Các cơ quan chức năng và cá nhân được phân công chuẩn bị các phương án để tập thể thảo luận, quyết định và chịu trách nhiệm về những ý kiến đề xuất của mình”[12]; “những nhận xét, kết luận về cán bộ, mọi công việc về nhân sự nhất thiết phải do tập thể có thẩm quyền quyết định”[13].
Trong việc thực hiện dân chủ, Đảng ta khẳng định: “Dân chủ nội bộ trước hết phải được phản ánh vào việc thực hiện nguyên tắc lãnh đạo tập thể là nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng và trong việc xây dựng các cơ quan lãnh đạo tập thể của Đảng. Nó bảo đảm các nghị quyết của tổ chức đảng có chất lượng cao, có tính khoa học, thiết thực”[14].
Đảng xác định tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: “Tập thể lãnh đạo không phủ nhận trách nhiệm cá nhân, trái lại phải trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân. Mọi cá nhân trên cương vị của mình phải chủ động đóng góp ý kiến với tập thể để tập thể có được quyết định chính xác, và dám chịu trách nhiệm trong việc chấp hành các nghị quyết của tập thể, dám tự phê bình và thành khẩn nhận khuyết điểm của mình trong việc chấp hành các nghị quyết ấy”[15]. “Bất cứ người lãnh đạo nào cũng không được tự đặt mình ra ngoài tổ chức, tự cho mình quyền nói và làm khác quyết định của tập thể. Cấp dưới, dù cho người đứng đầu là ủy viên Trung ương, cũng không thể tự cho mình quyền không thi hành hoặc làm trái chỉ thị của cấp trên. Tăng cường sự lãnh đạo tập thể, mở rộng sinh hoạt dân chủ… Các chủ trương quan trọng đều phải được bàn bạc và quyết định tập thể”[16]. “Cấp uỷ thực hiện sự lãnh đạo tập thể đi đôi với tăng cường trách nhiệm cá nhân. Mọi cấp uỷ viên có quyền và có trách nhiệm phát biểu ý kiến, tranh luận thẳng thắn, tham gia các quyết định của cấp uỷ. Chống mọi biểu hiện độc đoán, gia trưởng, áp đặt ý kiến cá nhân, hoặc nể nang, né tránh”[17]. “Thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu”[18]. “Thực hiện chế độ tập thể lãnh đạo đi đôi với phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu”[19].
Đảng luôn có cơ chế bảo đảm cho nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách được thực hiện nghiêm. Trong sinh hoạt của Đảng “phải tuân theo nguyên tắc tập trung dân chủ và tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”[20]. Đồng thời, Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách: “Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân”[21].
Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, Đảng ta xác định: “Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức lối sống”[22].
“Sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới các quy định của Đảng và nhà nước theo hướng đề cao trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, vừa phải tôn trọng nguyên tắc tập thể, vừa phải phát huy vai trò cá nhân người đứng đầu”[23].
Thực tiễn cho thấy, cơ quan nào thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách thì tổ chức đảng luôn đoàn kết, thống nhất, trong sạch vững mạnh; định ra được các chủ trương, phương hướng đúng đắn và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Trái lại, nếu vi phạm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách thì nội bộ mất đoàn kết, hiệu lực lãnh đạo thấp, mắc phải sai lầm, khuyết điểm.
Nguyễn Xuân Quốc
Trường Đại học Chính trị
[1] Văn kiện Đảng toàn tập, t.12, Nxb CTQG, H, 2001,tr. 450
[2] Văn kiện Đảng toàn tập, t. 21, Nxb CTQG, H, 2002,tr. 781
[3] Văn kiện Đảng toàn tập, t. 51, Nxb CTQG, H, 2007,tr. 254
[4] Văn kiện Đảng toàn tập, t. 7 Nxb CTQG, H, 2001, tr. 309
[5] Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H, 1996, tr. 139
[6] Văn kiện đảng toàn tập, t. 21, tr .942, 943
[7] Sđdt. 37, tr .629
[8] Sđd, t. 37, tr.637
[9] Sđd, t. 43, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 341
[10] Sđd, t. 46, N.xb CTQG, H., 2006, tr.160, 161
[11] Sđd, t.47, Nxb CTQG, H.2006, tr. 469
[12] Sđd, t. 52, Nxb CTQG, H. 2007, tr.204, 205
[13] Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H. 1996, tr.145
[14] Văn kiện đảng toàn tập, t.37, Nxb CTQG, H. 2004, tr.832
[15] Văn kiện đảng toàn tập, t. 37, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 839
[16] Sđd, t. 47, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 470, 471
[17] Sđd, t. 50, Nxb CTQG, H. 2007, tr.507
[18] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 264
[19] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr. 191
[20] Văn kiện Đảng toàn tập, t. 47, Nxb CTQG, H. 2006, tr.478
[21, 22, 23 ],Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nxb CTQG, H. 2012, tr 22, 23; 29; 34,35.