Vẫn loay hoay bàn chuyện quản vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
25/08/2016 08:49
Nếu lập uỷ ban chuyên quản cũng chỉ là “giải pháp tốt thứ nhì”, thì đâu là “giải pháp tốt nhất” để quản lý giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp?
Bàn đi bàn lại
Hôm 23/8, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã mời hai chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) “phản biện” dự thảo nghị về cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp.
Liên tục 4 giờ đồng hồ không nghỉ giải lao với hàng chục vấn đề được đặt ra với các chuyên gia WB, nhưng câu hỏi trên vẫn là... chỉ là câu hỏi. Và chắc không chỉ riêng những người tham dự hội thảo, mà với cả cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, giới chuyên gia, các nhà lập pháp, đó cũng là câu hỏi không dễ trả lời.
Cho dù, một mô hình hiệu quả để quản vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đương nhiên chẳng phải điều gì mới mẻ với Việt Nam.
Tại hội thảo, cả chuyên gia “Tây” và “Ta” đều nhấn mạnh rằng, manh mún trong quản trị doanh nghiệp là một vấn đề đã kéo dài rất lâu, và việc lập một cơ quan chủ sở hữu Nhà nước đã được bàn từ cả chục năm trước.
Một thông điệp được chuyên gia WB nhắc đi nhắc lại, là quản lý tốt tài sản thương mại Nhà nước có thể giúp thực hiện mục tiêu hiện đại hoá của Việt Nam.
Nhưng, tài sản công của Việt Nam lại là nguồn lực chưa được khai thác. Trong khi chỉ tính riêng tài sản của doanh nghiệp Nhà nước đã khoảng 240 tỷ USD, gấp 1,2 lần GDP.
Trong dự thảo tờ trình về dự thảo nghị định của Chính phủ về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu thực tế qua đánh giá thực trạng quản lý và hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.
Đó là, việc thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước một cách chia tách, phân tán làm cho Nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu, chưa thực hiện đầy đủ, hiệu quả và hiệu lực tất cả các quyền chủ sở hữu của mình tại doanh nghiệp, đồng thời, không phải là người chịu trách nhiệm về kết quả và hiệu quả đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì vậy, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư Nhà nước, của cơ quan và cá nhân được phân công thực hiện quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp rất thấp. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong thời gian qua.
Viện trưởng CIEM, TS. Nguyễn Đình Cung cũng đã hơn một lần nhấn mạnh rằng, tài sản Nhà nước hiện đang rất lớn và nếu sử dụng hiệu quả thì sẽ tạo động lực phát triển. “Lâu nay nói nhiều đến vốn cho phát triển mà nhiều khi đã quên khu vực này”, ông Cung nhìn nhận.
Vốn đầu tư Nhà nước phải đem lại hiệu quả, nhưng ông Cung tin rằng bộ máy hành chính sẽ không thể làm cho đồng vốn này sinh sôi nảy nở.
Vì thế, với nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp xây dựng nghị định về cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, CIEM bày tỏ mong muốn nhận được hỗ trợ về mặt kỹ thuật của các chuyên gia đến từ WB để thiết kế một mô hình phù hợp nhất.
Song, không chỉ CIEM mà cả khách mời tại hội thảo dường như cũng rất sốt ruột, khi mà mô hình nào cho Việt Nam vẫn là câu hỏi mà câu trả lời còn khá mơ hồ.
Mô hình nào cũng thấy… chưa ổn
Theo dự thảo nghị định cơ quan chuyên trách có tên gọi là uỷ ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, là cơ quan do thuộc Chính phủ, do Chính phủ thành lập.
Uỷ ban này có chức năng đầu tư và quản lý toàn bộ danh mục tài sản, vốn đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiêp nhằm hợp lý hóa danh mục đầu tư, tối đa hóa giá trị tài sản, vốn đầu tư Nhà nước tại các doanh nghiệp.
Chuyên trách thực hiện đầy đủ tất cả các quyền chủ sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý, trừ các quyền thuộc Chính phủ, hoặc Thủ tướng.
Cơ quan này sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả và hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn đầu tư Nhà nước tại các doanh nghiệp.
Ngay khi vừa được công bố, không ít sự nghi ngờ đã dành cho mô hình được đánh giá như là “siêu bộ” này. Các mối lo về tập trung quyền lực kinh tế, về việc liệu có phải chỉ là “đánh bùn sang ao” hay có làm giảm sự năng động của doanh nghiệp hay không... cũng liên tục được đặt ra.
Giới chuyên gia kinh tế, một số nhà lập pháp cũng đặt lên bàn cân các mô hình Temasek của Singapore, SASAC của Trung Quốc hay là SCIC mới của Việt Nam. Nhưng mô hình nào cũng đầy băn khoăn nếu áp dụng.
Viện trưởng Cung cho biết, SASAC ảnh hưởng rất mạnh đến tư duy thiết kế mô hình của Việt Nam, nhưng sự không thành công, thậm chí là thất bại của mô hình này đã được nhiều ý kiến phân tích ngay tại hội thảo.
Temasek của Singapore thì theo lời Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông là khác hẳn với Việt Nam. Vì họ thừa vốn và cơ quan này kinh doanh vốn thuần tuý, mà chức năng uỷ ban chuyên quản của Việt Nam lại không thuần tuý như vậy.
Vẫn theo Thứ trưởng thì SCIC cũng không ổn, ở chỗ đầu tư cạnh tranh cả với khu vực tư nhân.
Chuyên gia cố vấn của WB, ông William P. Mako bình luận việc lập uỷ ban chuyên trách theo dự thảo nghị định có thể là “giải pháp tốt thứ nhì”.
Nhưng, câu hỏi vậy đâu là “giải pháp tốt nhất” đã không có được câu trả lời trực diện và thoả đáng ở hội thảo.
Tuy nhiên, nói như Viện trưởng Cung thì dù còn nhiều vấn đề phải mổ xẻ về cơ quan chuyên trách, nhưng chỉ riêng việc bỏ chế độ bộ chủ quản cũng đã là bước tiến rất lớn, rất đáng mừng.