"Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” với sự nghiệp giải phóng con người ở nước ta

“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” được in lần đầu và xuất bản tháng 2 năm 1848 ở Luân Đôn, Anh. Đây là tác phẩm kinh điển của C.Mác và Ph.Ăngghen. Tác phẩm này được coi như Cương lĩnh hành động của các Đảng Cộng sản, cũng như phong trào cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế. Trong đó, tư tưởng về giải phóng con người là nội dung cốt lõi và cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp giải phóng con người ở Việt Nam hiện nay.

07/02/2018 14:43

“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” được in lần đầu và xuất bản tháng 2 năm 1848 ở Luân Đôn, Anh. Đây là tác phẩm kinh điển của C.Mác và Ph.Ăngghen. Tác phẩm này được coi như Cương lĩnh hành động của các Đảng Cộng sản, cũng như phong trào cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế. Trong đó, tư tưởng về giải phóng con người là nội dung cốt lõi và cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp giải phóng con người ở Việt Nam hiện nay.

Trước C.Mác đã xuất hiện nhiều nhà tư tưởng lớn đề xướng những con đường, xu hướng nhằm thay đổi xã hội đương thời bằng xã hội công bằng, tốt đẹp hơn. Nhưng, tất cả đều chưa đưa ra được những giải pháp hữu hiệu, chưa nhận thức đầy đủ về lực lượng cách mạng có khả năng thực hiện sứ mệnh lịch sử đó. Chỉ đến C.Mác và Ph.Ăngghen xuất hiện, với chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử được xác lập, đây là cơ sở đủ tầm lý luận để xem xét những quy luật vận động khách quan của lịch sử xã hội; phân tích sâu sắc các mâu thuẫn trong xã hội tư bản chủ nghĩa, phát hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân xây dựng một xã hội không còn đối kháng giai cấp, không còn người bóc lột người, một xã hội được hai ông đề cập trong bản Tuyên ngôn bất hủ: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (1). Những tư tưởng này trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản mở ra khả năng hiện thực hoá giấc mơ ngàn đời của nhân loại.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản luôn gắn chặt vấn đề giải phóng con người với vấn đề giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc. Bởi vì, giai cấp vô sản ở tất cả các nước đều chung một mục đích xây dựng xã hội tốt đẹp, công bằng và bình đẳng, không có áp bức bóc lột, đều chung một lợi ích và cùng đấu tranh chống lại giai cấp tư sản trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi của giai cấp vô sản đối với giai cấp tư sản là dấu hiệu giải phóng tất cả các dân tộc bị áp bức. Tuyên ngôn viết: “Hãy xoá bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xoá bỏ” (2). Đồng thời, Tuyên ngôn cũng khẳng định, khi sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa, thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo, rằng giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Giai cấp vô sản không chỉ có sứ mệnh xoá bỏ sự khác biệt giai cấp, xóa bỏ áp bức giai cấp, mà còn đồng thời xoá bỏ sự khác biệt giữa các dân tộc, xoá bỏ nạn dân tộc này áp bức dân tộc khác. Tuy mục tiêu chính trị chủ yếu của giai cấp vô sản là xoá bỏ mọi áp bức giai cấp để xoá bỏ vĩnh viễn chế độ người bóc lột người, song mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi gắn việc xoá bỏ áp bức dân tộc với vấn đề giải phóng dân tộc: “Vì giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu” (3).

Tư tưởng về giải phóng con người được xem như một trong những nội dung cốt lõi trong học thuyết của C.Mác và Ph.Ăngghen về xã hội, là điểm xuất phát trong cách đặt vấn đề xây dựng một xã hội mới công bằng, bình đẳng, không có áp bức bóc lột, mọi người đều có quyền tham gia lao động và hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, hai ông xác định lực lượng xã hội có sứ mệnh thực hiện thành công sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng nhân loại là giai cấp vô sản, giai cấp tuyên bố sự giải thể của trật tự thế giới trước kia, “giai cấp thực sự cách mạng”, “giai cấp đang nắm tương lai trong tay” (4). Và thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản, thì giai cấp vô sản mới có thể làm thay đổi một cách căn bản địa vị giai cấp mình và các tầng lớp nhân dân lao động khác bằng một cuộc cách mạng xã hội lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, xây dựng xã hội mới – xã hội cộng sản chủ nghĩa (xã hội không có giai cấp). Như vậy, chỉ có hành động chung của giai cấp vô sản, ít ra là ở những nước văn minh, là một trong những điều kiện đầu tiên, quan trọng giải phóng cho họ. Tuy nhiên, Tuyên ngôn cũng cho rằng: sự nghiệp giải phóng con người, phát triển con người toàn diện không phải là việc làm giản đơn, nhất thời, mà đó là một quá trình lâu dài, phức tạp, đầy những bước thăng trầm, song nhất định đi đến thắng lợi cuối cùng.

Tư tưởng về giải phóng con người trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã từng bước được hiện thực hoá bắt đầu từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Rõ ràng sức mạnh và tính ưu việt của CNXH hiện thực ở Liên Xô đã được thể hiện rõ trong thực tiễn, không thể phủ nhận. Chính CNXH đã tạo ra những điều kiện tốt nhất để con người tự vươn lên, hoàn thiện mình, làm chủ xã hội, làm chủ tự nhiên và làm chủ bản thân. Trong khoảng bẩy thập niên, CNXH hiện thực ở Liên Xô đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội…khiến CNTB tìm cách chống phá quyết liệt và buộc phải tự điều chỉnh, thích nghi để tồn tại, phát triển. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, quá trình xây dựng CNXH đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các nước phát triển theo mô hình CNXH đã và đang tìm ra phương thức phù hợp để tồn tại, phát triển và khẳng định tính đúng đắn, khoa học của con đường đã lựa chọn.

Lợi dụng tình hình phức tạp và CNXH đang tạm thời thoái trào, các học giả tư sản, các lực lượng thù địch không ngừng rêu rao, bài xích, công kích, xuyên tạc những tư tưởng cơ bản trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Từ đó, chúng muốn phủ định quá trình xây dựng CNXH hiện thực và khả năng giải phóng con người trong CNXH. Tuy vậy, dù có gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tư tưởng về giải phóng con người trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản mãi mãi giữ nguyên giá trị. Bởi lẽ, đó là tư tưởng cơ bản của học thuyết cách mạng, khoa học, mang tính nhân văn, phù hợp với ước mơ, nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân lao động trên toàn thế giới. CNTB dù có trăm phương, nghìn kế để điều chỉnh, thích nghi và còn khả năng phát triển, cũng không thể giải quyết được những mâu thuẫn nội tại vốn có, và càng không thể có đủ điều kiện để giải phóng triệt để con người.

Trong suốt 88 năm qua, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn thấu triệt tư tưởng về giải phóng con người trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Trên cơ sở đó, luôn kiên định với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, đó cũng là bài học kinh nghiệm xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Suốt quá trình đó, từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn nhất quán khẳng định con đường của cách mạng nước ta là con đường giải phóng dân tộc gắn liền CNXH. Và chính con đường đó là sự lựa chọn đúng đắn để đưa nhân dân ta thoát khỏi thân phận người nô lệ, được trở thành người dân của một nước dân chủ, tự do, tiến bộ. Trên ba mươi năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Trong đó, các thành quả về giải phóng con người có giá trị nổi bật: đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; quyền con người, quyền công dân được bảo đảm thực thi bằng Hiến pháp, pháp luật và chính sách của Đảng, Nhà nước. Mọi người dân đều có điều kiện phát huy tài năng, vươn lên cống hiến nhiều cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như cho lợi ích của chính mình. Điều này được Đại hội XII của Đảng ta chỉ rõ: Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được tăng cường. Văn hóa – xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Mặc dù vậy, chúng ta cũng đang gặp những khó khăn, thách thức lớn cần phải vượt qua, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, dân chủ hình thức, lối sống thực dụng, cục bộ địa phương, cá nhân chủ nghĩa, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… hoàn toàn xa lạ với bản chất của chế độ XHCN. Đáng chú ý, kết quả của sự nghiệp giải phóng con người còn chưa toàn diện và công bằng: Trên một số mặt, một số lĩnh vực, một bộ phận nhân dân chưa được thụ hưởng đầy đủ, công bằng thành quả của công cuộc đổi mới. Những khó khăn, thách thức trên trở thành trở lực trực tiếp ảnh hưởng đến con đường quá độ lên CNXH của Đảng và nhân dân ta, song với niềm tin vào tư tưởng giải phóng con người trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” (5). Đồng thời, từ các bài học kinh nghiệm của tiến trình cách mạng, tin tưởng rằng chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, sẽ chiến thắng vì mục tiêu cao nhất của CNXH là giải phóng triệt để con người khỏi mọi áp bức, bóc lột và bất công, mang lại cho con người cuộc sống bình đẳng trong tự do, ấm no, hạnh phúc.

Ý thức sâu sắc mục tiêu của cách mạng XHCN, cũng như chủ nghĩa nhân đạo cộng sản thể hiện trong Tuyên ngôn có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao lòng tự hào và tinh thần trách nhiệm đối với quan điểm, đường lối của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, sức mạnh nhân tố con người và vì con người trong thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, cần quán triệt sâu sắc quan điểm trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH(bổ sung, phát triển năm 2011): “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử” (6) và “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân” (7). Điều này, được Đại hội XII của Đảng kế thừa và nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển” (8).

Rõ ràng, phải trải qua quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất nước nhà, đưa đất nước quá độ lên CNXH, chúng ta mới có điều kiện để bồi dưỡng và phát huy tối đa nhân tố con người.

Suy ngẫm về những sự kiện và biến cố lịch sử suốt 170 năm trên thế giới và ở nước ta, từ khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời, chúng ta cảm nhận sâu sắc về tính cách mạng, tính khoa học và tính nhân đạo, nhân văn của Tuyên ngôn. Và do sự thống nhất giữa mục tiêu của Đảng Cộng sản trong Tuyên ngôn với khát vọng giải phóng của nhân loại, vì thế, cùng với sự phát triển dân trí và sự sáng tạo trong tư duy chiến lược, sách lược của Đảng ta, trước các thảm họa mà chủ nghĩa đế quốc đã gây ra cho con người (chiến tranh, dịch bệnh, phân hóa giàu nghèo, …). Đó là hậu quả tất yếu của chế độ áp bức giai cấp và dân tộc không thể khắc phục được, nhân dân các dân tộc trên thế giới sẽ dần dần từ bỏ ảo tưởng đối với chế độ cũ và sẽ chiến đấu cùng những người cộng sản cho sự giải phóng của con người, theo tinh thần của Tuyên ngôn: sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. Đó là cơ sở xã hội khẳng định sức sống của bản Tuyên ngôn bất hủ mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã xây dựng.

------------------------------------

1), (2), (3), (4) C.Mác – Ph. Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, t. 4, tr.628, 624, 623-624, 610.

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.175.

(6), (7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.70, 76.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.65-66, 67-68, 126.