Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước – Giá trị cốt lõi và ý nghĩa hiện nay

Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc, có thể khẳng định mọi thành quả của cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, của dân tộc đều gắn liền với tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.

01/06/2018 15:20

Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc, có thể khẳng định mọi thành quả của cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, của dân tộc đều gắn liền với tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lớn, nhà cách mạng thiên tài, nhà tuyên truyền kiệt xuất của Việt Nam trong thế kỷ XX. Người không chỉ vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, đề ra đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam, mà còn tuyên truyền phổ biến và tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước để biến những quan điểm, tư tưởng đó thành hành động cách mạng thực tiễn của nhân dân. Chính những quan điểm, tư tưởng ấy đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc dẩy phong trào cách mạng Việt Nam. Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc, có thể khẳng định mọi thành quả của cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, của dân tộc đều gắn liền với tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.

Trở về cõi vĩnh hằng, Hồ Chí Minh không để lại cho chúng ta những tác phẩm lý luận thuần túy về thi đua yêu nước và tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước, nhưng thông qua các bài nói, bài viết và hoạt động thực tiễn của Người chúng ta khai thác được cả kho tàng hệ thống những quan điểm, tư tưởng của Người về thi đua yêu nước. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chúng ta cần nhận thức được những nội dung cốt lõi như sau:

Một là, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là sự kế thừa, vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam

Đọc lại các tác phẩm của C.Mác, chúng ta thấy khi bàn về thi đua, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng, thi đua là một hiện tượng khách quan nảy sinh do sự tiếp xúc xã hội trong quá trình lao động sản xuất. C.Mác khẳng định: "Ngay sự tiếp xúc xã hội cũng đã đẻ ra thi đua" [1]. Cách mạng tháng 10 Nga thành công, mặc dù chính quyền Xô viết non trẻ phải đối mặt với muôn vàn gian nan, thử thách nhưng V.I.Lênin chủ trương: Vai trò của chính trị trong việc lãnh đạo tổ chức thi đua là một nhiệm vụ thiết yếu, là vấn đề quan trọng đối với việc phát triển nền kinh tế đất nước và là một nguồn tiềm năng to lớn của chủ nghĩa xã hội. Người khẳng định: "Chủ nghĩa xã hội không những không dập tắt thi đua, mà trái lại, lần đầu tiên, đã tạo ra khả năng áp dụng thi đua một cách thật sự rộng rãi, với một quy mô thật sự to lớn, tạo ra khả năng thu hút thật sự đa số nhân dân lao động vào vũ đài hoạt động khiến họ có thể tỏ rõ bản lĩnh, dốc hết năng lực của mình, phát hiện những tài năng mà nhân dân sẵn có cả một nguồn vô tận, những tài năng mà chủ nghĩa tư bản đã giày xéo, đè nén, bóp nghẹt mất hàng nghìn, hàng triệu. Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay, khi chính phủ xã hội chủ nghĩa đang cầm quyền, là phải tổ chức thi đua" [2].

Như vậy, cả C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đều khẳng định, thi đua là một tất yếu khách quan, được nảy sinh từ chính cuộc sống của con người. Con người sống trong xã hội luôn có quan hệ tiếp xúc với nhau, do đó tất yếu nảy sinh thi đua. Điều đó cũng có nghĩa là, thi đua chỉ xuất hiện trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là phong trào thi đua của những người lao động tự mình đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, ở đó không có mâu thuẫn về lợi ích giữa cá nhân với tập thể và xã hội cho nên mọi người đều muốn đem hết khả năng, trí tuệ của mình để xây dựng đất nước, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Điều đó cũng có nghĩa là, nhân dân làm việc cho chính mình và cũng chính mình là người thụ hưởng thành quả lao động đó. Trong phong trào thi đua, mọi người đều có nghĩa vụ, trách nhiệm như nhau; có điều kiện học tập, phấn đấu, rèn luyện, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ theo tinh thần “mình vì mọi người và mọi người vì mình”.

Không chỉ kế thừa, tiếp thu có chọn lọc tư tưởng thi đua của các nhà của các nhà kinh điển Mác xít mà Hồ Chí Minh còn gắn kết chặt chẽ tư tưởng đó với lòng yêu nước của dân tôc. Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua phải xuất phát từ tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm công dân với ý chí phấn đấu; phát huy sức mạnh cả vật chất và tinh thần. Thi đua không chỉ là hoạt động tích cực và sáng tạo trong công việc hằng ngày, trong lao động sản xuất, mà còn là hoạt động tư tưởng và tinh thần, là biểu hiện của lòng yêu nước, của tình cảm đối với Tổ quốc, đối với quê hương. Vì thế, khi phát biểu tại Đại hội chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 01-5-1952, Hồ Chí Minh đã nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất” [3] và Người nhận xét, đánh giá: “Trong phong trào thi đua, chúng ta thấy đủ các dân tộc: Kinh, Thổ, Mán, Mường v. v…, đủ các tín ngưỡng, lương có, giáo có, đủ các tầng lớp binh, công, nông, sỹ, đủ các hạng người già, trẻ, gái, trai, tất cả đều nhằm vào một mục đích chung: tăng gia sản xuất và diệt giặc lập công”[4].

Đồng thời, Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Thi đua lấy tinh thần yêu nước làm gốc” [5]. Bởi lẽ, tình yêu quê hương đất nước của người Việt Nam có từ ngàn đời xưa, được vun đắp lớn mạnh cùng với thời gian, nó được truyền bá từ thế hệ này đến thế hệ khác và ngày càng được củng cố và phát triển hơn. Lòng yêu nước đã được đúc kết và trở thành truyền thống quý báu của dân, nên mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ to lớn, nó vượt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, vượt qua mọi gian lan, thử thách; nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và bọn cướp nước. Với tinh thần ấy, Hồ Chí Minh đã phát huy được lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam và gắn kết nó với phong trào thi đua yêu nước qua các thời kỳ cách mạng khác nhau.

Những phong trào có tính chất thi đua trong năm 1945 - 1946, đến phong trào thi đua năm 1947 và tiến tới phong trào thi đua ái quốc năm 1948 do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và phát động đó là những bước phát triển mới trong tư duy lý luận, là quá trình kế thừa có chọn lọc; là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt và là sự kết hợp khôn khéo giữa lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về thi đua với lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hai là, thi đua phải trở thành phong trào rộng lớn và có sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân

Theo Hồ Chí Minh, thi đua là công việc của tất cả mọi người không biệt già hay trẻ, trai hay gái; không phân biết tín ngưỡng, tôn giáo; không phân biệt thành phần dân tộc; không phân biệt ngành, nghề; không phân biệt tầng lớp giàu hay nghèo…, mà thi đua phải trở thành phong trào rộng lớn, sao cho: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”[6]. Cho nên, trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên tất cả mọi người tham gia vào các phong trào thi đua, Người nói: “… sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia vào cuộc: Thi đua yêu nước”[7].

Trong Thư chúc mừng năm mới, năm 1949 Người cũng phát động phong trào thi đua và chỉ rõ nội dung thi đua. Đó là, “Các chiến sỹ thi đua xung phong giết nhiều giặc, cướp nhiều súng, lập nhiều công. Đồng bào sẽ cung phong thi đua tăng gia sản xuất về mọi nghê, mọi ngành, diệt giặc đói, diệt giặc dốt. Các cụ phụ lão xung phong đốc thúc con cháu thi đua. Các cán bộ thi đua thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Các cháu thanh niên và nhi đồng thi đua học và hành”[8]. Điều đó cũng có nghĩa rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các cháu nhi đồng; từ các bà, các mẹ, các chị đến các cháu thanh niên, thiếu niên; từ bộ đội, công an đến lực lượng dân quân; từ người dân bình thường cho đến các nhân viên của Chính phủ; từ đồng bào trong vùng bị tạm chiếm đến kiều bào Việt Nam ở nước ngoài… đều có thể và hãy ra sức thi đua tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Đồng thời, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu nước phải được thể hiện thông qua hành động cách mạng “Yêu nước thì phải thi đua. Tư tưởng yêu nước phải tỏ ra trong công việc thực tế, trong Thi đua ái quốc”[9]. Gắn thi đua với lòng yêu nước và lòng yêu nước với thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng lên phong trào thi đua của nhân dân ta sôi nổi, rộng khắp và mang đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam, mang tính nhân văn sâu sắc; là gắn liền tư tưởng, tinh thần với hành động thực tiễn, lời nói phải đi đôi với làm. Bởi vì, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “ Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Quyền hạn và lực lượng đều ở nơi dân”[10], cho nên mọi người “đều cần phải trở thành một chiến sỹ đấu tranh trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến; Toàn diện kháng chiến. Trong cuộc thi đua ái quốc đó, chúng ta: vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”[11].

Vì thế, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Người viết: “Bất kỳ đàn ông hay đàn bà, bất kỳ người già hay người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân, cứu nước”[12] đã được hiện thực hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Do vậy, cần phải phát động phong trào thi đua cho rộng khắp, làm cho: “Người này thi đua với người khác. Nhà này thi đua với nhà khác. Làng này thi đua với làng khác”[13]. Chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh thi đua toàn dân , thi đua toàn diện đã thu hút, động viên được triệu triệu con người và mọi ngành, mọi cấp trong cả nước hăng hái thi đua, tạo nên sức mạnh tổng hợp làm cho hiệu quả thi đua ngày càng tăng lên về số lượng và không ngừng nâng cao về chất lượng.

Như vậy, phong trào thi đua yêu nước rộng khắp đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, tác động sâu sắc đến quần chúng nhân dân, tạo điều kiện cho họ thay đổi nhận thức, thay đổi thái độ và thay đổi hành động của mình. Qua các phong trào thi đua, lòng yêu nước của quần chúng nhân dân được tăng cường, được bồi đắp để biến ý chí của mỗi người dân thành hành động sáng tạo, linh hoạt trong lao động, sản xuất, trong chiến đấu chống kể thù và đã đạt được những thắng lợi vẻ vang làm rạng rỡ non sông đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Ba là, thi đua phải xác định rõ mục đích, xây dựng được kế hoạch rõ ràng và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất của tổ chức đảng các cấp, sự gương mẫu và sâu sát, tỉ mỉ của đội ngũ cán bộ, để thi đua có chất lượng và hiệu quả cao, cần phải có kế hoạch khoa học, với nhiều biện pháp tổ chức thực hiện chu đáo, chặt chẽ. Đồng thời, phải có quyết tâm cao, tránh đánh trống bỏ dùi, đầu voi đuôi chuột, đúng như Hồ Chí Minh đã tổng kết: Để bảo đảm phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần.

Điều đó có nghĩa là, khi tổ chức phong trào thi đua cần phải xác định rõ mục đích, trên cơ sở đó để lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch cho thiết thực để đạt được mục đích. Mục đích của các phong trào thi đua được Người chỉ rõ: “Thi đua ái quốc nhằm ba mục đích: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no, ấm,biết chữ, làm cho Tổ quốc được độc lập, tự do”[14]. Muốn đạt được mục đích ấy, trước hết cần xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cho chu đáo, cho sát với hiện thực khách quan. Tức là: “Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch đó phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm” và “Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”[15]. Hơn nữa, kế hoạch thi đua cần được bàn bạc dân chủ trong dân chúng. Người nói: “Kế hoạch từng gia đình, từng nhóm phải đem ra bàn bạc kỹ, phải dân chủ, nghĩa là làm cho mọi người đều hiểu, mọi người đều vui lòng nhận và quyết tâm làm cho kỳ được. Có như thế kết quả mới đầy đủ, tốt đẹp. Kế hoạch thi đua phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực, giản đơn”[16]. Nhờ có kế hoạch thi đua thiết thực và có kiểm điểm đánh giá, rút kinh nghiệm nên phong trào thi đua diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm mà chúng ta tiến hành đã đạt được những thắng lợi hết sức quan trọng.

Điều đó đã minh chứng và khẳng định rằng: mục đích, kế hoạch tổ chức phong trào thi đua do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng là đúng đắn và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn đất nước. Bên cạnh những thắng lợi đó Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thắng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong xác định mục đích và xây dựng kế hoạch thi đua cần được khắc phục: “Hướng dẫn thiếu thống nhất. Chương trình còn nhiều nơi chưa sát. Kế hoạch thiếu chu đáo, tỉ mỉ. Biết làm nhanh, nhưng chưa biết làm tốt.Thi đua nơi thì làm bền bỉ, nơi thì làm quá sức, nơi thì chưa tự động” [17]. Nếu khắc phục được những hạn chế, yếu kém này phong trào thi đua ái quốc sẽ được đẩy lên cao hơn, mạnh hơn và đạt được những kết quả to lớn hơn, tốt đẹp hơn.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua là công việc của mọi người, mọi nhà, mọi tầng lớp nhân dân, mọi ngành, mọi cấp; không phân biệt tuổi tác, không phân biệt giới tính; không phân biệt dân tộc, tôn giáo, không phân biệt nghề nghiệp…đã là người mang quốc tịch Việt Nam đều cần phải thi đua yêu nước. Hơn nữa, thi đua không phải chỉ thực hiện trong một việc, một ngành, một giai đoạn hay một thời kỳ mà phải được tiến hành thường xuyên, liên tục; phải kiên trì, bền bỉ để không ngừng phấn đấu vươn lên, kết thúc thời kỳ này chuyển sang thời kỳ khác, kết thúc nhiệm vụ này phải chuyển sang nhiệm vụ mới. Hồ Chí Minh cũng khẳng định rằng: “Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào (những ngày kỷ niệm là những đợt để lấy đà và để kiểm thảo, chứ không phải qua ngày ấy rồi lại nghỉ thi đua), không phải chỉ riêng ngành nào, nhóm người nào”[18]. Nhờ hành động theo chủ trương “người người thi đua, ngành ngành thi đua”, “ngày ngày thi đua”, “thi đua toàn dân, thi đua toàn diện” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà các phong trào thi đua yêu nước được duy trì, được tổ chức rộng khắp và trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục; không ngừng, không nghỉ trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Chính các phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, phát động đã lan tỏa không chỉ ở các địa phương trong cả nước, từ đồng bằng Sông Hồng tới tận đồng bằng sông Cửu Long và đất mũi Cà Mau mà còn trở thành phong trào rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng tới miền núi, từ biên giới đến hải đảo xa xôi. Nó không chỉ bó hẹp trong phạm vi đất nước, mà còn vượt ra ngoài biên giới để động viên người Việt Nam sống xa Tổ quốc hướng về quê hương, hướng về đất nước để hành động sao cho xứng đáng với dòng dõi con cháu Lạc Hồng. Phong trào thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động cũng là động lực to lớn, là những điều kiện cần và đủ để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc đi đến thắng lợi trọn vẹn. Đồng thời, nó cũng tạo ra điều kiện cho chúng ta tiếp tục thực hiện có hiệu quả sự nghiệp đổi mới đất nước và không ngừng cải thiện được đời sống của nhân dân. Sự phát triển của các phong trào thi đua đã gắn liền với lịch sử của dân tộc, gắn liền vơi mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Bốn là, thi đua là để đào tạo, rèn luyện và xây dựng con người mới

Khởi xướng và phát động phong trào thi đua yêu nước Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn khẳng định quan điểm: Thi đua ái quốc là lợi ích cho mình, cùng lợi cho cho gia đình và lợi ich cho làng, nước, dân tộc. Theo Chủ tich Hồ Chí Minh muốn phát triển rộng rãi phong trào thi đua phải dựa vào tinh thần, sức lực của nhân dân. Bởi lẽ, phong trào thi đua bao giờ cũng thiết thực, gắn với công việc hàng ngày của mỗi người đem lại lợi ích cho cá nhân, cho dân tộc và cho đất nước. Công việc hàng ngày của mỗi con người là nền tảng của thi đua. Người đã chỉ rõ: “Tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua”[19].

Đồng thời, phải thông qua phong trào thi đua để giáo dục rèn luyện con người. Chính những con người được rèn luyện, được trưởng thành trong các phong trào thi đua yêu nước lại trở thành hạt nhân để thúc đẩy phong trào thi đua phát triển lên tầm cao mới. Trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ xác định mục đích, yêu cầu xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân hiểu và tự nguyện tham gia mà Người còn thông qua phong trào thi đua để đào tạo, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho con người. Người chỉ rõ: “Lao động sáng tạo ra xã hội. Thi đua thì cải tạo con người”[20] và “Thi đua chứ không phải ganh đua”. Chính trong phong trào thi đua đã tạo ra tình đoàn kêt, gắn bó giữa con người với con người, giữa tất cả các tầng lớp nhân dân: “Thi đua tăng cường đoàn kết, mà đoàn kết lại đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thật sự và đoàn kết chặt chẽ”[21]. Trong quá trình thực hiện phong trào thi đua nên phải thân ái, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để đạt được thành tích cao nhất. Tuy nhiên, để phong trào thi đua phát triển: “Chúng ta phải chống bệnh quan liêu, chống tham ô, lãng phí. Vì bệnh tham ô, quan liêu, lãng phí sẽ ngăn trở phong trào thi đua, làm cho nó chậm tiến, và nạ tham ô, lãng phí sẽ làm giảm bớt những kết quả của phong trào thi đua ” [22]. Mặt khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ nhiệm vụ của những chiến sỹ thi đua là: “Phải cố gắng mãi, tiến bộ mãi. Phải khiêm tốn và gần gũi quần chúng , phải làm gương cho quần chúng… Tuyệt đối chớ tự kiêu tự mãn, chớ xa rời quần chúng”[23] và “Chiến sỹ thi đua là những con người mới, những người luôn cố gắng thực hành cần kiệmliêm chính, là những người tôi tớ của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc”[24]. Đây cũng chính là thông điệp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn và tới đông đảo cán bộ, chiến sỹ và nhân dân phải thông qua các phong trào thi đua yêu nước để dào tạo, rèn luyện con người.

Năm là, thi đua phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với tổng kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng

Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ. Người cũng chủ trương đa dạng hóa các hình thức thi đua khen thưởng như: Tuyên dương anh hùng, chiến sỹ thi đua Người còn đề xuất hình thức tuyên dương gương người tốt, việc tốt để những việc tưởng như bình thường nhưng ích nước, lợi dân được trân trọng và nhân rộng trong xã hội. Theo Người trong hoạt động tuyên truyền cách mạng không gì có giá trị bằng những tấm gương nảy sinh từ chính cuộc sống bình dị của xã hội con người, vì “ Các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[25]. Tuy nhiên, phát động bất kỳ phong trào thi đua nào, sử dụng bất kỳ hình thức khen thưởng nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều yêu cầu phải đảm bảo: “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích cổ động, xem xét kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người) trong lúc thi đua phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi”[26]. Như vậy, thi đua mới đạt được hiệu quả cao và không mang tính hình thức, không lãng phí tiền của của nhân dân, không bị coi là “đầu voi, đuôi chuột”.

Bên cạnh việc. “thi đua phải có sự lãnh đạo đúng”, cần phải có sự chỉ đạo thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức đảng với tổ chức chính quyền và đoàn thể quần chúng. Người chỉ ra những nơi phong trào thi đua yếu kém là do có khuyết điểm trong công tác tổ chức lãnh đạo phong trào. Người nhắc nhở: “Tổ chức và lãnh đạo còn kém, không phát triển được hết sáng kiến và năng lực của quần chúng”. Người luôn yêu cầu cán bộ phải thật sự mẫu mực, luôn gương mẫu trong phong trào thi đua, thực sự là tấm gương sáng để cấp dưới và quần chúng noi theo. Đồng thời với việc kiểm tra, giám sát Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắc nhở, sau mỗi phong trào thi đua chúng ta phải chú trọng tới công tác tổng kết từng việc, từng cán bộ, từng đợt, từng địa phương để thấy rõ đúng, sai và rút kinh nghiệm cho thời gian sắp tới. Người nói: “Sau mỗi việc cần phải rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm chung cho tất cả cán bộ, địa phương. Kinh nghiệm riêng cho từng cán bộ, địa phương. Kinh nghiệm thất bại và kinh nghiệm thành công. Rồi tổng kết những kinh nghiệm ấy cho tất cả cán bộ, địa phương. Mỗi cán bộ, địa phương sẽ học những kinh nghiệm hay, tránh những kinh nghiệm dở, áp dụng những kinh nghiệm cũ vào những công việc mới”[27] và “Sau mỗi đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”[28].

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc tổng kết rút kinh nghiệm phải gắn liền với công tác khen thưởng. Khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua. Nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác khen thưởng Ngày 26/1/1946, với tư cách là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố một Quốc lệnh quy định 10 điểm thưởng và 10 điểm phạt để cho “quân dân biết rõ những tội nên tránh, những việc nên làm”. Bản Quốc lệnh đó rất ngắn gọn (khoảng 250 từ) nhưng được tuyên đạt rất rõ ràng dựa trên cơ sở quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi ở đầu văn bản: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”[29]. Dưới hình thức “Quốc lệnh” vì lúc bấy giờ Quốc hội mới được bầu ngày 6/1/1946 chưa ra mắt quốc dân (ngày 2/3/1946 mới họp phiên đầu tiên) nhưng có thể coi văn bản đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang một tính chất pháp lý đầu tiên về thi đua khen thưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng đến tính kịp thời của khen thưởng. Khen thưởng đúng lúc cũng là một “đòn bẩy” thiết thực động viên phong trào thi đua. Người đã hứa hẹn tặng thưởng là làm, không bao giờ sai hẹn với tập thể và cá nhân nào. Trong suốt cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều quyết định khen thưởng, bản thân Người có huy hiệu để tặng hoặc viết thư khen, gửi quà tặng thưởng những đơn vị và cá nhân có thành tích.Với yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, ngày 17/9/1947, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang diễn ra ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 83 – SL thành lập Viện Huân Chương trực thuộc Phủ Chủ tịch.

Thi đua yêu nước do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động không phải là một áp lực chủ quan mà bắt nguồn từ sự ra đời của chế độ mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, trong chế độ cũ, nhân dân lao động bị áp bức bóc lột, nai lưng làm việc cho chủ để mình và gia đình mình không bị chết đói, cho nên: “ Chỉ dưới chế độ dân chủ nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ mà nhân dân lao động làm chủ nước nhà thì mới có phong trào thi đua”[30]. Đúng vậy, chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa mới có phong trào thi đua của những người lao động, những người tự mình đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, ở đó không còn đối kháng về lợi ích giữa cá nhân với tập thể và xã hội, nên mọi người đều muốn đem hết lòng nhiệt tình và khả năng của mình ra để xây dựng đất nước. Xây dựng đất nước chính là làm cho cuộc sống của mình ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, thông qua phong trào thi đua để học tập, để rèn luyện, để đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Cũng chính vì thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên cho phong trào thi đua của nhân dân ta là phong trào thi đua yêu nước. và Người cũng luôn luôn khẳng định rằng: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”[31].

Có thể nói, không chỉ có Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời năm 1948 mà trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những yêu cầu cơ bản trong thi đua yêu nước như: bản chất thi đua, nội dung thi đua, tính chất thi đua, phương thức thi đua, lực lượng thi đua, động lực thi đua, ý nghĩa thi đua... Chính những yêu cầu này, đã mở ra trang sử mới và định hướng hành động cách mạng mới cho nhân dân. Nhìn lại sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào rằng: Những thành quả của cuộc cách mạng ấy, gắn liền với việc tổ chức, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. 70 năm đã qua nhưng lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị và mang tính thời sự trong sự nghiệp đổi mới và phát triển của dân tộc Việt Nam. Bước vào thời kỳ mới, chúng ta cần phải:

Kế thừa, tiếp thu và phát huy những giá trị cốt lõi trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tiếp tục phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đồng thời, tổ chức phong trào thi đua nhằm phát động nhân dân đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; tạo khí thế thi đua sôi nổi trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta phải tiếp tục xác định thi đua yêu nước là động lực to lớn để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị các cấp cần tổ chức, duy trì nhiều phong trào thi đua để mọi người phát huy tính chủ động, sáng tạo và tự giác, tích cực tham gia vào phong trào thi đua làm cho phong trào thi đua trở thành hành động cách mạng của đông đảo quần chúng nhân dân. Các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường hơn nữa số lượng tin, bài để tuyên truyền biểu dương người tốt, việc tốt; biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích suất sắc được các cấp, các ngành và nhà nước khen thưởng nhằm tác động tích cực, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Sự nghiệp đổi mới đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và đang hội nhập quốc tế sâu rộng để phát triển. Trong hoàn cảnh mới, chúng ta vẫn cần phải tiếp tục đẩy mạnh và phát triển phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực với những nội dung mới, với chiều sâu rộng và những sắc thái mới. Những nội dung của thi đua cũng như những hình thức tổ chức phong trào thi đua cần được đổi mới cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng cấp, từng đơn vị, từng địa phương, cơ sở.

Việc khen thưởng cũng phải được đổi mới để đáp ứng yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới. Cần nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh các quy định về khen thưởng cho phù hợp, sao cho công tác khen thưởng phản ánh đúng phong trào thi đua, bảo đảm công bằng, chính xác và kịp thời. Đó cũng là sự đổi mới cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại của công tác thi đua - khen thưởng thời gian đã qua./.


[1] C.Mác và Ăng ghen, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.23, tr. 474.
[2] V.I.Lênin, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.35,tr,234-235.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t6, tr473.
[4] Hồ Chí Minh, toàn tập, Sdd, tập 6, tr 472.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập6, tr307.
[6] Hồ Chí Minh, toàn tập, Sdd, tập 5, tr 557.
[7] Hồ Chí Minh, toàn tập, Sdd, tập 5, tr 419..
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 5, tr 545.
[9] Hồ Chí Minh, toàn tập, Sdd, tập 6, tr 302.
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 5, tr 698.
[11] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 5, tr 444- 445.
[12] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 4, tr 480.
[13] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 5, tr 101.
[14] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 6, tr 236.
[15] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tâp 6, tr270.
[16] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 6, tr 303.
[17] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 6, tr 238.
[18] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 6, tr 270.
[19] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 5, tr 658.
[20] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 6, tr 475.
[21] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 6, tr 473.
[22] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 6, tr 475.
[23] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 6, tr 476.
[24] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 6, tr 475.
[25] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 1, tr 263.
[26] Hồ Chí Minh toàn tập, SDd, tập 6, tr 270.
[27] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 5, tr 703.
[28] HỒ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 6, tr 270.
[29] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 4, tr 163.
[30] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 9, tr 198.
[31] Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 6, tr 473.