Tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng

Ngay từ ngày thành lập, Đảng ta rất coi trọng tự phê bình và phê bình, coi đây là một trong những quy luật tồn tại, phát triển của Đảng. Đại hội XII đã xác định tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc quan trọng của tổ chức hoạt động và sinh hoạt đảng. Đồng thời chỉ rõ một trong những nhiệm vụ của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ và đảng viên là thường xuyên tự phê bình và phê bình. Nhờ đó, tự phê bình và phê bình đã có những đóng góp tích cực vào công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

23/03/2021 16:58

Ngay từ ngày thành lập, Đảng ta rất coi trọng tự phê bình và phê bình, coi đây là một trong những quy luật tồn tại, phát triển của Đảng. Đại hội XII đã xác định tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc quan trọng của tổ chức hoạt động và sinh hoạt đảng. Đồng thời chỉ rõ một trong những nhiệm vụ của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ và đảng viên là thường xuyên tự phê bình và phê bình. Nhờ đó, tự phê bình và phê bình đã có những đóng góp tích cực vào công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta luôn quan tâm đến tự phê bình và phê bình. Theo Người, một Đảng chân chính, cách mạng là Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ và để dạy bảo cán bộ, đảng viên. Người còn cho rằng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Giấu khuyết điểm thì khuyết điểm ngày càng to, đến khi to quá không sửa chữa được nữa thì mọi việc đều hỏng. Đối với cán bộ, đảng viên cũng vậy, trong quá trình hoạt động cách mạng, người cộng sản không tránh khỏi mắc phải những sai lầm, khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm, khuyết điểm. Chúng ta không sợ có sai lầm, khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sữa chữa những sai lầm, khuyết điểm ấy và một trong những thang thuốc hay nhất để sửa chữa sai lầm, khuyết điểm đó chính là thực hiện tốt tự phê bình và phê bình. Trong tác phẩm “sửa đổi lối làm việc”, Người đã yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”. Trong bài nói ở lớp huấn luyện đảng viên mới Người nhắc lại: “Người ta hàng ngày ai cũng phải rửa mặt cho sạch sẽ. Đảng viên phải coi việc tự kiểm điểm như rửa mặt. Hàng ngày mỗi đảng viên phải tự kiểm điểm mình. Phải lấy 10 nhiệm vụ đảng viên mà tự kiểm điểm”. Người cho rằng tự phê bình và phê bình cốt lõi là để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, dùng lòng nhân ái mà giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm, khen ngợi họ khi có thành tích. Sau khi tự phê bình và phê bình thì cán bộ, đảng viên phải thấy được ưu điểm cũng như sai lầm, khuyết điểm, vì sao mà sai lầm để có cách sửa chữa tốt nhất; là cách tốt nhất bảo đảm sự đoàn kết, tạo sức mạnh của tổ chức, là vũ khí sắc bén và hiệu nghiệm chống bệnh quan liêu, tệ tham nhũng. Người khẳng định, muốn đoàn kết thì phải tự phê bình và phê bình tốt, nghĩa là xuất phát từ đoàn kết mà tự phê bình, phê bình; tự phê bình và phê bình là để đi đến đoàn kết hơn nữa, đó là điểm quan trọng nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến nội dung, hình thức tự phê bình và phê bình mà Người còn quan tâm đến phương pháp tự phê bình và phê bình. Người cho rằng trong thực hiện tự phê bình và phê bình cần: Phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình để tự mình sửa chữa. Người chỉ rõ: "Phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín thể diện càng tăng lên". Phê bình từ trên xuống và phê bình từ dưới lên, trong lề lối làm việc phải dân chủ, cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới, cấp dưới phải phê bình cấp trên, nhân dân phải phê bình cán bộ, đảng viên và phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt và phải "dùng cách thức thật thà tự phê bình và phê bình để tỏ rõ hết mọi khuyết điểm và tìm cách sửa chữa khuyết điểm ấy”.

Trong công tác kiểm tra và kỷ luật đảng, việc tự phê bình và phê bình đã được Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt. Theo Người, khi cán bộ, đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm thì cần kiểm tra và kiểm điểm ngay, làm được như vậy mới giữ được cán bộ, tránh tình trạng: “Để sai lầm, khuyết điểm trở nên to tát rồi mới đem ra “chỉnh” một lần, thế là “đập” cán bộ. Cán bộ bị đập mất cả lòng tin. Vì vậy, hễ thấy cán bộ sai lầm phải lập tức sửa chữa ngay”. Người còn căn dặn: Công tác kiểm tra và kỷ luật đảng không được làm qua loa, hình thức “có đồng chí đáng trừng phạt nhưng vì cảm tình, nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí có nơi còn che đậy cho nhau, tha thứ cho nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể. Thi hành kỷ luật như thế làm cho các đồng chí ấy không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật”.

Tự phê bình và phê bình là hoạt động không thể thiếu trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, là một phương pháp công tác đảng. Thông qua tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng mà cấp ủy nắm được chất lượng việc đề ra chỉ thị, nghị quyết của cấp mình để chủ động kiểm tra việc ra nghị quyết và khả năng đi vào cuộc sống. Nếu cấp ủy đảng thực hiện tự phê bình và phê bình ngay từ khi đề ra nghị quyết các nghị quyết sẽ sát, đúng và dễ đi vào cuộc sống khắc phục được tình trạng ban hành nghị quyết không đúng dẫn đến việc tổ chức thực hiện sai và gây ra nhiều hậu quả, tức là tự phê bình và phê bình đã làm cho cấp ủy luôn xem lại nghị quyết, chỉ thị của mình đã thi hành như thế nào, kết quả ra sao. Tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng là sự uốn nắn kiểm tra, nhắc nhở của tổ chức đảng đối với cán bộ, đảng viên để họ nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Đảng tổ chức thực hiện theo đúng nghị quyết đã đề ra. Thông qua tự phê bình và phê bình, cấp ủy sẽ nhận thức được việc chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của cấp mình có gì đúng, có gì sai.

Đối với hoạt động của UBKT các cấp thực hiện tốt tự phê bình và phê bình các cấp ủy đảng sẽ chủ động lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của UBKT tránh tình trạng khoán trắng công tác kiểm tra, giám sát cho UBKT các cấp. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng trong tự phê bình và phê bình giúp cấp ủy, tổ chức đảng tránh được phong cách lãnh đạo xa rời thực tế, lãnh đạo sẽ sát cơ sở hơn sâu sát với cán bộ và đảng viên hơn từ đó nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên tránh được tình trạng quan liêu, một nguy cơ của một đảng cầm quyền.

Tuy việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình tuy đã có chuyển biến, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn là khâu yếu trong sinh hoạt đảng; chưa trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình ở một số nơi bị buông lỏng trong thực hiện, chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát. Ở nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, tự phê bình và phê bình chủ yếu được thực hiện vào dịp kiểm điểm cuối năm, chưa trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày. Nhiều đảng viên, nhất là các đảng viên trẻ, đảng viên mới kết nạp ít thể hiện quan điểm, chính kiến. Nội dung, hình thức tự phê bình và phê bình nhiều khi chưa đúng thực chất, thường vòng vo, né tránh, thậm chí ở một số nơi còn có sự nể nang, hoặc “dĩ hòa vi quý” làm cho uy tín, sức chiến đấu của tổ chức đảng bị giảm sút, vừa làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân, vừa làm sai lệch trong nhận xét, đánh giá cán bộ, dẫn đến những hệ lụy, sai phạm khác trong công tác cán bộ và trong xây dựng tổ chức. Cũng từ những hạn chế đó, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa chủ động phát hiện, phòng ngừa và hạn chế các vụ việc tiêu cực, sai phạm của đảng viên.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cấp ủy chưa coi trọng việc nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tác dụng, sự cần thiết của tự phê bình và phê bình trong xây dựng Đảng, và công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng hiện nay để chấp hành nghiêm chỉnh, giúp cho công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đúng nguyên tắc, phương pháp, quy trình, thủ tục, có chất lượng và hiệu quả. Trong sinh hoạt đảng và trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng việc tự phê bình và phê bình còn hạn chế, yếu kém vì còn cán bộ, đảng viên chưa phát huy hết vai trò tiền phong gương mẫu của. Trong Đảng vẫn chưa có cơ chế hiệu quả để phát huy cao độ tự phê bình và phê bình, trong khi đó bệnh thành tích vẫn còn tồn tại trong nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên sợ thực hiện tự phê bình và phê bình sẽ tìm ra khuyết điểm, hạn chế làm mất đi thành tích của cơ quan, đơn vị làm giảm uy tín và vai trò lãnh đạo của cấp ủy vì thế nên nhiều trường hợp phát hiện ra vi phạm nhưng bao che và chỉ xử lý nội bộ.

Mặt khác, hiện nay vẫn chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người phê bình nên để xảy ra tình trạng trù dập người phê bình dưới nhiều hình thức tinh vi gây bức xúc cho cán bộ, đảng viên điều này đã làm cho tính chiến đấu của Đảng bị giảm sút. Nhiều cán bộ, đảng viên phát hiện ra sai phạm của cán bộ có chức, có quyền nhưng họ không dám nói, không dám phê bình vì sợ ảnh hưởng đến công ăn, việc làm, đời sống, tính mạng của bản thân và gia đình họ cũng vì đó mà xuất hiện đơn thư tố cáo, giấu tên là hệ quả tất yếu vì họ sợ công khai sẽ bị đối tượng tố cáo trù dập...

Trong những năm tới, yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII trong đó xác định hoàn thiện cơ chế, quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tự phê bình và phê bình, chất vấn trong các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy các cấp, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, cấp ủy, tổ chức đảng cần nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tác dụng của tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng và công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Đó là trong Đảng phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng. Mỗi cấp ủy viên phải nhận thức tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng là quy luật phát triển của Đảng, phải đưa tự phê bình và phê bình trở thành chế độ, việc làm thường xuyên trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy như “cơm ăn, nước uống hàng ngày”, có như vậy mới tránh được sai lầm, khuyết điểm từ khi mới manh nha, ngay từ khâu ra nghị quyết, chỉ thị.

Để thực hiện hiệu quả vấn đề này, mặc dù Đảng đã có quy định chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng nói chung, trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng nói riêng, cấp ủy, tổ chức đảng cần phải tiếp tục tổ chức quán triệt và nghiêm túc thực hiện. Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy phải gương mẫu tự phê bình và tiếp thu phê bình, nếu người đứng đầu cấp ủy biết tiếp thu và sửa chữa khuyết điểm kịp thời khi tự phê bình và khi cấp dưới góp ý phê bình sẽ tạo bầu không khí tự phê bình và phê bình dân chủ, sôi nổi, cởi mở trong cấp ủy, tổ chức đảng. Xây dựng chương trình, kế hoạch nâng cao trình độ cho cán bộ, đảng viên để họ có đủ tri thức tham gia góp ý, phê bình và đề xuất những biện pháp nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong Đảng. Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng về tự phê bình và phê bình theo tư tưởng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để cán bộ, đảng viên học tập.

Hai là, phải nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên về mục đích, ý nghĩa, tác dụng của tự phê bình và phê bình trong Đảng và trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức tự phê bình và phê bình là việc làm thường xuyên, là một phương pháp để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, là biện pháp để củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng để từ đó có những hành động đúng thực hiện nguyên tắc này. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rằng tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng không phải là “bới lông, tìm vết”, không phải là để truy tìm khuyết điểm của đồng chí mình để xử lý, kỷ luật mà đó là để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm. Tự phê bình và phê bình một mặt là để sửa chữa cho nhau, một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau, phê bình như chữa bệnh cứu người… làm cho mỗi cán bộ, đảng viên phấn đấu trong công việc tốt hơn, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng sẽ mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn.

Để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc học tập phải trở thành việc làm thường xuyên trong Đảng. Qua tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí minh mỗi cán bộ, đảng viên tự soi mình vào đó tự đánh giá xem mình có ưu, khuyết điểm gì để từ đó tiếp tục phát huy ưu điểm, tự giác sửa chữa khuyết điểm đó. Đây là cách tự kiểm tra tốt nhất cho mỗi cán bộ, đảng viên.

Ba là, từng bước đưa tự phê bình và phê bình đi vào nền nếp, phải đưa thành chế độ, việc làm thường xuyên trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy như cơm ăn, nước uống, rửa mặt hàng ngày có như vậy mới ngăn ngừa được vi phạm, khuyết điểm từ lúc mới manh nha, mới tạo thành thói quen trong sinh hoạt đảng. Do vậy cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ, quy định về tự phê bình và phê bình trong Đảng. Muốn đưa tự phê bình và phê bình vào nền nếp thì trước hết người cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy phải gương mẫu tự phê bình và tiếp thu phê bình.

Cần đưa việc kiểm điểm đánh giá những điều đảng viên không được làm theo quy định của trung ương vào trong công tác tự phê bình và phê bình. Mục tiêu của tự phê bình và phê bình để vượt lên chính mình, để tự hoàn thiện mình về đạo đức, lối sống và lý tưởng cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Tự phê bình và phê bình phải có động cơ trong sáng và một phương pháp đúng. Phê bình phải trên cơ sở tình thương yêu đồng chí, đồng nghiệp của mình, biết chia sẻ động viên những sai sót, khuyết điểm của đồng chí mình và ngược lại lấy thành công, tiến bộ của đồng chí mình làm bài học, tấm gương để học tập, rèn luyện.

Bốn là, phải có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ cán bộ, đảng viên dũng cảm, thẳng thắn đấu tranh phê bình. Tình trạng tự phê bình và phê bình trong trong Đảng và trong công tác kiểm tra, giám sát hiện nay vẫn còn hạn chế là do có tâm lý e ngại tự phê bình và phê bình, cán bộ, đảng viên thường né tránh, lựa chiều khi phê bình người khác nhất là cán bộ quản lý, lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy. Do đó, Đảng cần phải có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ những cán bộ, đảng viên dũng cảm dám đấu tranh phê bình, động viên tính nêu gương của cán bộ, đảng viên, khen thưởng những người dũng cảm đấu tranh phê bình trong công tác chống tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác, cũng cần quy định xử lý những kẻ lợi dụng tự phê bình và phê bình để vu cáo, hãm hại người khác.

Trong điều kiện hiện nay, để công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đáp ứng yêu cầu đề ra, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải tích cực thực hiện đồng bộ có hiệu quả các giải pháp về tự phê bình và phê bình. Có như vậy, Đảng ta mới ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức và uy tín lãnh đạo đất nước và nhân dân thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để tiếp tục phát triển đất nước toàn diện và bền vững trong giai đoạn cách mạng mới nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.