Trung ương thống nhất cao về ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương
08/10/2018 08:59
Với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm và nỗ lực, trong 10 tháng qua, Ban Tổ chức Trung ương đã tích cực chuẩn bị dự thảo Quy định. Tổ chức 3 cuộc hội thảo toàn quốc, xin ý kiến các nhà khoa học, nhiều đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt đã 2 lần xin ý kiến của các đồng chí Trung ương, 2 lần báo cáo giải trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), Trung ương đã dành 1 ngày thảo luận về Quy định với tổng cộng 148 ý kiến góp ý. Nhiều ý kiến rất xác đáng, hợp lý, thể hiện trách nhiệm, trí tuệ, quan tâm sâu sắc của Trung ương về nội dung này. Ban Tổ chức Trung ương đã tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Quy định. Sắp tới, dự thảo này sẽ được gửi xin ý kiến các đồng chí Trung ương lần thứ 3, trước khi ban hành trong thời gian sớm nhất. Do đây là những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm nên cần có sự nghiên cứu thấu đáo, thận trọng, cân nhắc nhiều chiều, bảo đảm sự đồng thuận cao trong Đảng để triển khai thực hiện và tránh sự lợi dụng xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Thực chất, Quy định tập trung vào trách nhiệm nêu gương của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, như đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh là chỉ đích danh gần 200 đồng chí Trung ương. Tuy nhiên, tên Quy định lại có đề cập tới trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên sau đó mới nhấn mạnh “trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương”. Việc đặt tên quy định có hàm ý sâu xa nhưng có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện sự cẩn trọng. Cán bộ, đảng viên tất nhiên là bao hàm tất cả các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, bất kỳ cán bộ, đảng viên nào cũng phải thực hiện trách nhiệm nêu gương. Nhưng nếu đặt tên trách nhiệm nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương thì có thể là chủ đề dễ bị hiểu nhầm, dễ lợi dụng xuyên tạc của các thế lực thù địch, cho rằng các đồng chí Trung ương đang có nhiều vấn đề nên cần phải chỉnh đốn. Quy định nêu gương thể hiện sự khích lệ hoàn thiện, tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh thái độ và hành vi, răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo nguy cơ vi phạm của từng đồng chí trong các công tác, cuộc sống và cá nhân.
Trong bối cảnh hiện nay, việc ban hành Quy định “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương” là rất cần thiết và thiết thực, gắn với việc thực hiện đồng bộ các nghị quyết, quy định của Đảng trong nhiệm kỳ XII. Nêu gương là một trong các phương thức lãnh đạo của Đảng nên việc bổ sung các quy định về nêu gương là cần thiết. Hiện hành, đang có hiệu lực của Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư, ngày 7-6-2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QD/TW của Bộ Chính trị, ngày 19-12-2016 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Quy định mới này không thay thế các quy định nêu trên.
Mục đích của ban hành Quy định là đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, nếp văn hóa, đề cao ý thức trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương. Làm tốt việc nêu gương sẽ góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đầu của tổ chức đảng và đảng viên, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Nêu gương là cam kết chính trị của các đồng chí Trung ương đối với chính mình và đối với toàn Đảng, toàn dân. Sự nêu gương của các đồng chí Trung ương tạo sự lan tỏa mạnh mẽ từ trên xuống dưới, trong toàn hệ thống chính trị, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội. Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Bố cục của Quy định gồm 4 điều, thể hiện phương châm kết hợp chặt chẽ “xây” và “chống”, trong đó “xây” trước, “chống” sau. Điều 1 khái quát chung trách nhiệm nêu gương của tất cả cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành Cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Điều 2 tập trung vào trách nhiệm nêu gương của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương; gắn với nội dung “xây”, các đồng chí này phải thực sự gương mẫu đi đầu thực hiện 9 nội dung tiêu biểu về trách nhiệm nêu gương với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, thực thi chức trách nhiệm vụ, bản thân. Điều 3 tập trung vào trách nhiệm nêu gương của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương; gắn với nội dung“chống”, các đồng chí này phải nghiêm khắc với bản thân, quyết liệt chống 9 vấn đề tiêu biểu, như chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân... Điều 4 phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan trong việc triển khai thực hiện Quy định.
Các nội dung được chắt lọc cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, khả thi theo nguyên tắc có kế thừa, tiếp thu, vừa khái quát vừa cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng vào giải quyết những hạn chế, yếu kém, bức xúc do cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu gây ra. Nội dung nêu gương của các đồng chí Trung ương phải thể hiện xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm được giao.