Triển vọng tích cực cho tăng trưởng kinh tế 2018

Bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang theo chiều hướng tốt lên, cùng với đó, những nền tảng cho tăng trưởng tiếp tục được phát huy trong thời gian qua, được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2018.

18/01/2018 16:48

Bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang theo chiều hướng tốt lên, cùng với đó, những nền tảng cho tăng trưởng tiếp tục được phát huy trong thời gian qua, được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2018.

Mặc dù triển vọng của nền kinh tế trong năm nay được cho là khá lạc quan, song điều quan trọng là để triển vọng đó biến thành “hoa thơm trái ngọt” phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi các chính sách của Chính phủ cũng như tốc độ thẩm thấu của các chính sách tốt vào nền kinh tế.

Nhiều dự đoán tích cực

Nhiều dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 được các tổ chức trong và ngoài nước công bố với nhận định khá tích cực. Công bố dự báo của mình về tăng trưởng kinh tế 2018 ngay cả khi con số GDP của 2017 chưa được “chốt”, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ 6,5-6,8% nhờ sự khởi sắc từ khu vực kinh tế tư nhân. Ủy ban này cũng nhấn mạnh, nếu các chính sách phát huy hiệu quả tích cực thì tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,8%.

Nhận định về triển vọng kinh tế 2018, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, năm 2018 có những động lực tương đối thuận lợi. Theo đó, thành tích về XK là động lực đầu tiên được chuyên gia này nhắc đến. Nếu năm 2018 giữ được đà xuất siêu như năm 2017 thì đây là tín hiệu rất đáng mừng, là yếu tố rất thuận lợi ở nhiều khía cạnh. Ông Thành phân tích xuất siêu sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP và thể hiện kinh tế Việt Nam có thể xuất khẩu được nhiều hơn nhập khẩu. Bên cạnh đó, cùng với nỗ lực cải cách sẽ giúp thu hút đầu tư FDI tăng trưởng ấn tượng. Yếu tố niềm tin của người tiêu dùng trong năm 2017 đã tốt lên và nếu xu hướng này được tiếp tục thì cũng sẽ đóng góp nhiều cho GDP thông qua tăng trưởng tiêu dùng nội địa. Đây là ba yếu tố quan trọng về phía cầu sẽ đóng góp cho GDP và nếu các yếu tố này cao hơn năm 2017 thì tăng trưởng kinh tế sẽ có triển vọng.

“Về phía cung, hiện nay cải cách của Nhà nước về môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính đang có những tính toán để thúc đẩy khu vực DN nhiều hơn, tạo ra năng lực sản xuất tốt hơn cho DN. Cải cách của Chính phủ đang ngày càng tăng lên, đây là điều đáng mừng, là nền tảng cơ bản cho tăng trưởng kinh tế năm sau. Ba năm vừa qua tăng trưởng GDP vẫn đang từ từ đi lên, trong xu hướng này, theo tôi mức tăng trưởng năm tới sẽ không thấp hơn năm 2017”, TS. Nguyễn Đức Thành nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cơ hội lớn nhất chính là đà thuận lợi của kinh tế 2017 sẽ tiếp diễn sang 2018 và những năm tiếp theo. Đây là kết quả của quá trình cải cách, của các chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều năm hiện đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Đặc biệt hơn nữa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn để Việt Nam có thể tăng tốc, rút ngắn khoảng cách với các nước.

Môi trường kinh doanh: Điểm mấu chốt

Đồng quan điểm với nhận định nền tảng cơ bản cho tăng trưởng kinh tế về dài hạn cũng như trong năm 2018 chính là việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN phát triển, nhiều chuyên gia cho biết, chính sách tốt chưa đủ, cần hơn cả là việc phải thực hiện gỡ bỏ các rào cản để các chính sách đó thực sự ngấm vào cuộc sống, trở thành động lực cho DN và có hiệu quả tích cực lên nền kinh tế. Làm được điều này, tăng trưởng kinh tế 2018 cũng như các năm tiếp theo sẽ có những cú bứt phá ngoạn mục như năm 2017 vừa qua.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), điều quan trọng không chỉ là mức tăng trưởng mà còn là cách thức tăng trưởng. Cách thức tăng trưởng 2017 đã khác trước, không phụ thuộc vào khai khoáng hay phụ thuộc vào các gói kinh tế, mở rộng tín dụng, mà chúng ta tăng trưởng nhờ vào cải cách cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó thu hút thêm được đầu tư từ khu vực tư nhân và khiếm khuyết của khu vực kinh tế nhà nước đã bắt đầu được kiềm chế. Ở mức độ nào đó đã thấy sự khác biệt của cách thức tăng trưởng và điều này sẽ được tiếp nối ở 2018.

Ông Cung nhấn mạnh: Việc “Việt Nam cần phải thị trường hơn và cạnh tranh hơn, cạnh tranh phải bảo đảm công bằng và cần có một cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập và chuyên nghiệp”. Bên cạnh đó, cần cải cách, xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường để thị trường thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh, mức độ cạnh tranh và quy mô thị trường sẽ gia tăng, từ đó thúc đẩy cạnh tranh. Ngoài ra, cần áp đặt mạnh hơn nguyên tắc thị trường cho khu vực DNNN đồng thời với quá trình cổ phần hóa thì hoạt động của DNNN sẽ công bằng hơn, cạnh tranh hơn. “Chúng tôi hy vọng sự chuyển động đó tiếp diễn ở 2018 với quy mô lớn hơn, cường độ mạnh hơn, như thế kinh tế Việt Nam sẽ không chỉ đạt được 6,7% mà sẽ lên được 8-9% trong tương lai”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những triển vọng cho phát triển kinh tế 2018, vẫn còn đó nhiều thách thức cần phải vượt qua để có được hoa thơm quả ngọt cho năm 2018.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong năm 2018, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại, những khó khăn nội tại của nền kinh tế đang cần nhiều thời gian và công sức để giải quyết, trong khi đó, những áp lực mới luôn đặt ra, đó là tụt hậu, nguy cơ khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình, làm chậm lại việc phấn đấu trở thành nước công nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam phải đối mặt với biến đổi khí hậu, đói nghèo, đặc biệt là thách thức, đòi hỏi trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Chưa kể, việc thực hiện 3 đột phá chiến lược còn chậm, kết quả chưa đạt được nhiều. Đây là những thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam cải cách, hội nhập sâu rộng, sân chơi cho DN đã lớn hơn, môi trường kinh doanh đã cải thiện tốt hơn, đây là động lực làm cho DN thành lập mới tăng cao, nhờ đó, DN tư nhân sẽ là động lực cho tăng trưởng. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn khi số DN tạm ngừng, giải thể đâu đó vẫn bằng ½ DN thành lập mới. Ông nhấn mạnh, vấn đề số một để DN lớn mạnh chính là cách thức hội nhập, thu hút FDI có hiệu quả, trong đó gắn với sự lớn lên của DN trong nước, những điều này liên quan cải cách thể chế. Theo Báo cáo Kinh tế Việt Nam đến 2035, DNNVV khó lớn mạnh, khó có năng lực cạnh tranh tốt vì gặp phải nhiều vấn đề về quyền tài sản, sở hữu trí tuệ và cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận tín dụng, đất đai… “Để giải quyết vấn đề này liên quan đến rất nhiều thể chế như phải cải cách hành chính, bộ máy, giảm chi phí giao dịch..., đó là chưa nói đến khung khổ pháp lý thích hợp để khuyến khích sáng tạo và cái mới để giảm thiểu chi phí”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.