Tôn, thép giả: Vừa bị móc túi, vừa lo chất lượng công trình xây dựng

“Điều gì xảy ra cho tuổi thọ và sự an toàn của công trình xây dựng khi các dầm, cột bê tông chịu lực được làm từ các loại thép kém chất lượng, gian lận”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng trăn trở.

03/12/2015 09:25

“Điều gì xảy ra cho tuổi thọ và sự an toàn của công trình xây dựng khi các dầm, cột bê tông chịu lực được làm từ các loại thép kém chất lượng, gian lận”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng trăn trở.

Ông Hùng cho biết, từ nhiều năm nay, các cơ quan chức năng trong đó có lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra phát hiện nhiều vụ sản xuất buôn bán sắt thép giả.

Quản lý thị trường Ninh Bình đã từng kiểm tra, bắt giữ lô thép xây dựng sản xuất từ một làng nghề thủ công, giả nhãn hiệu thép Thái Nguyên với chất lượng thép kém, kích thước bị gian lận. Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội từng kiểm tra phát hiện một công ty sản xuất cọc bê tông không đủ kết cấu thép lõi theo thiết kế.

Giám đốc một công ty tư vấn thiết kế tại Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ vì giá rẻ nên nhiều nhà thầu đã lựa chọn mà bàng quan về chất lượng đồng thời mua thép hợp kim đội lốt thép xây dựng của Trung Quốc để hưởng giá rẻ hơn.

Anh Trần Văn Thế, Chủ thầu xây dựng tại Quận Thanh Xuân (Hà Nội) lý giải: Nhiều nhà thầu được giao trọn gói xây nhà với khoản ngân sách nhất định, nên họ phải tính toán cho hợp lý, nguyên vật liệu giá rẻ cũng nằm trong lựa chọn của họ. Có những chủ hộ khi xây nhà giao khoán và không quan tâm đến việc dùng thép xuất xứ chất lượng như nào, đây cũng là lỗ hổng để nhà thầu trà trộn hàng kém chất lượng vào.

Câu chuyện này cũng cho thấy, ngoài lý do giá rẻ thì sự dễ tính của người tiêu dùng cũng góp phấn khiến cho thép kém chất lượng có “đất” để tồn tại và gia tăng số lượng.

Năm 2014, lượng lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 1900 cơ sở kinh doanh tôn, thép và phát hiện xử lý hàng trăm cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên sang năm 2015, tình trạng hàng giả, gian lận thương mại có dấu hiệu gia tăng. Tính đến 9 tháng năm 2015, đã có 150.000 vụ việc vi phạm bị xử lý.

Người tiêu dùng đang bị móc túi nhưng không biết bới thủ thuật gian lận về kích thước và độ dày của tôn (còn gọi là đôn dem).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích: Chủ cửa hàng sẵn sàng đổi trắng thay đen, biến những cuộn tôn nhập khẩu không tên tuổi trở thành bất cứ nhãn hiệu nổi tiếng nào cùng thủ đoạn đôn dem. Ví dụ độ dày thực tế của tấm tôn là 0,28mm nhưng in trên tấm tôn là 0,35mm. Mua theo giá tôn 0,28mm bán theo giá tôn 0,35mm, họ đã móc túi người tiêu dùng từ khoản chênh lệch này.

Người tiêu dùng nếu chỉ nhìn qua mắt thường không thể phân biệt được độ dày của tôn và dễ dàng bị thiệt khi mua phải tôn không đạt về tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tôn Hoa Sen làm phép tính toán: Giá bán trung bình một mét tôn lạnh màu của Tôn Hoa Sen là 74.000 đồng, thì tôn Trung Quốc kém chất lượng bán chỉ có 70.000 đồng. Thoạt nghe người tiêu dùng dễ bị lừa bởi tôn Trung Quốc rẻ hơn nhưng nếu tính về tuổi thọ tông Trung Quốc dùng chỉ được 10 năm, Tôn Hoa Sen dùng được 20 năm, chia bình quân, người tiêu dùng sẽ phải chi 7.000 đồng/mét tôn Trung Quốc/năm và chỉ phải 3.700 đồng khi mua Tôn Hoa Sen trong một năm.

Phép tính này cho thấy, về lâu dài, người tiêu dùng vẫn bị thiệt khi mua tôn kém chất lượng.

Đáng chú ý, thép Trung Quốc tấn công ồ ạt vào Việt Nam với số lượng tăng đột biến. Theo Hiệp hội Thép VN (VSA), lượng tôn nhập khẩu cả năm 2014 là 750.000 tấn thì chỉ trong tháng 9/2015, mặt hàng này nhập khẩu đã tăng vọt lên 1 triệu tấn. Trong đó 90% là nhập khẩu từ Trung Quốc khiến doanh nghiệp trong nước lao đao bởi thực tế đang bị thua trên sân nhà. Ước tính, doanh nghiệp nội địa có nguy cơ mất hơn 9000 tỷ vì rơi thị phần vào tay thép, tôn nhập khẩu.

Cần sửa đổi thông tư 44 của Bộ Công thương và Bộ Khoa học công nghệ về quản lý chất lượng tôn thép nhập khẩu bởi qua hơn 2 năm áp dụng việc quản lý chất lượng thép, tôn chưa thực sự hiệu quả. Đây là ý kiến được Hiệp hội Thép và các doanh nghiệp tôn, thép nhiều lần phản ánh tại các hội nghị, hội thảo.

Indonesia có tiêu chuẩn SNI, Maylaysia có tiêu chuẩn SIRIM nhưng hiện Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn quy định cụ thể chất lượng của tôn, thép khi bán ở thị trường Việt Nam áp dụng cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Điều này là cần thiết để nâng hàng rào kỹ thuật bảo hộ doanh nghiệp trong nước.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Nguyễn Văn Sưa nhấn mạnh: Các nước kiểm soát chất lượng tôn, thép nhập khẩu rất chặt chẽ, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn phải chấp nhận bởi đây là luật chơi toàn cầu. Điều đáng nói, ngoài năng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp thì cơ quan nhà nước phải vào cuộc đồng bộ, hoàn thiện văn bản pháp lý và xây dựng quy chuẩn kỹ thuật.