Tôn gian, tôn nhái: Cần biện pháp quyết liệt để thị trường lành mạnh

Đó là ý kiến của đại đa số các chuyên gia, lãnh đạo đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp (DN) sản xuất tôn trong nước đưa ra tại hội thảo “Tình trạng tôn gian, kém chất lượng nhập khẩu - Hậu quả và giải pháp” được tổ chức sáng nay (27/11), do Thời báo kinh tế Việt Nam và Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức.

27/11/2015 17:19

Đó là ý kiến của đại đa số các chuyên gia, lãnh đạo đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp (DN) sản xuất tôn trong nước đưa ra tại hội thảo “Tình trạng tôn gian, kém chất lượng nhập khẩu - Hậu quả và giải pháp” được tổ chức sáng nay (27/11), do Thời báo kinh tế Việt Nam và Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức.

Hơn 2 năm giảm trên 20% lượng tiêu thụ

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Sưa- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết: Trong vài năm trở lại đây, lượng tôn thép nhập khẩu gia tăng đột biến, cụ thể: Trong năm 2013, tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa là 1.745.950 tấn, trong đó, tôn mạ nhập khẩu chiếm 37%. Đến năm 2014, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của tôn mạ là 1.755.159 tấn, trong đó tôn mạ nhập khẩu chiếm 43%. Trong 8 tháng năm 2015, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của tôn mạ là 1.731.755 tấn, trong đó, thị phần của tôn mạ nhập khẩu chiếm 57%. Các con số phản ánh cho thấy, đến nay sản phẩm tôn của các DN sản xuất trong nước tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 43%, giảm 20% so với năm 2013.

Khó phân biệt tôn giả, tôn nhái

Từ con số phản ánh trên cho thấy, sự cạnh tranh quyết liệt giữa các sản phẩm tôn trong nước và sản phẩm nhập khẩu nên đã xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng tôn giả, tôn nhái và tôn kém chất lượng trên thị trường. Thậm chí tình trạng này ngày càng diễn biến phức tạp, gây bức xúc cho người tiêu dùng và DN làm ăn chân chính. Người tiêu dùng (NTD) luôn hoang mang và rất lúng túng trước một thị trường hàng hóa dồi dào phong phú nhưng thật, giả khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro và trên thực tế nhiều người đã và đang bị thiệt hại do nạn hàng giả gây ra.

Hiện có hai hình thức gian lận thương mại phổ biến mà các cơ sở kinh doanh tôn giả, tôn nhái sử dụng để “móc túi” NTD. Thứ nhất, gian lận về độ dày tấm tôn hay còn gọi là đôn dem: tức độ dày thực tế của tấm tôn thấp hơn so với độ dày mà nhà sản xuất công bố, được thể hiện ở dòng in trên bề mặt tấm tôn. Ví dụ, dòng in ghi trên tấm tôn là 4 dem nhưng thực tế đo chỉ có 3 dem tức là đã bớt xén 25% độ dày. Như vậy, cơ sở kinh doanh đã gian lận về độ dày tấm tôn để đánh lừa người tiêu dùng, kiếm lời bất chính. Gian lận về độ dày lớp mạ: tức, lượng mạ không đủ so với công bố của nhà sản xuất. Ví dụ, sản phẩm tôn AZ70 có nghĩa sẽ mạ 70g hợp kim nhôm kẽm/m2 tôn. Tuy nhiên, tôn kém chất lượng chỉ mạ khoảng 30g hoặc 40g hợp kim nhôm kẽm/m2 tôn. Chất lượng mạ không đảm bảo sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tuổi thọ của tấm tôn.

Thứ hai, tôn kém chất lượng: tức là, chất lượng của tôn bao gồm các thông số kỹ thuật, như: độ dày sơn, chất lượng mạ, chất lượng sơn… không đảm bảo. Ví dụ như nếu độ dày lớp sơn quá mỏng thì khả năng chống chịu với môi trường bên ngoài sẽ kém, dẫn đến phai màu, rỉ sét, bong tróc…, nếu tôn chất lượng bảo hành 10 năm thì tôn gian, tôn kém chất lượng chỉ dùng được khoảng 5-7 năm.

Ngoài hai hình thức nêu trên, hình thức gian lận nghiêm trọng không kém cũng đang diễn ra trong kinh doanh tôn là thực trạng các DN không xuất hóa đơn khi bán hàng. Do đó, tôn bán ra sẽ có giá thấp hơn so với các đơn vị kinh doanh tuân thủ pháp luật về hóa đơn, thuế. Số hóa đơn không xuất sẽ trở thành nguồn lợi lớn để tiếp tục mua, bán hóa đơn khống trên thị trường. Điều này dẫn đến thực trạng các đơn vị tuân thủ pháp luật bị cạnh tranh không lành mạnh về giá, và quan trọng hơn là nhà nước sẽ bị chiếm đoạt một khoản đáng kể thuế VAT.

Nguy hiểm hơn là hiện rất nhiều cơ sở sản xuất nhập tôn không có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá rẻ, sau đó in giả nhãn mác, độ dày theo yêu cầu để lừa khách hàng. Như vậy, không chỉ gian lận cả chất lượng, độ dày, thương hiệu mà còn trốn 10 – 20% thuế. Rõ ràng gian lận đến như vậy thì giá bán của tôn chính hãng không thể cạnh tranh nổi.

Báo động hơn nữa là hàng giả, hàng nhái với giá cả thấp hơn hẳn, dễ dàng lấn chiếm thị phần của những thương hiệu chân chính. Theo tính toán của Tập đoàn Hoa Sen, ước tính tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của năm 2015 là 2.597.633 tấn (1.731.755 tấn/8 tháng x 12 tháng) thì với việc thị phần suy giảm 20%, tương đương 519.527 tấn (2.597.633 tấn x 20%), các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ bị tổn thất 9.351 tỷ đồng (519,527 tấn x 18 triệu đồng) (áp dụng mức giá 18 triệu đồng/tấn đối với hàng tôn màu nói chung). Bài toán đơn giản cho ta thấy, người tiêu dùng đang bị “móc túi” một cách trắng trợn. Điều đáng nói nhất là môi trường kinh doanh bị cạnh tranh không lành mạnh bằng các chiêu thức gian dối sẽ triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh của các DN chân chính trong nước, kéo theo việc suy giảm cả ngành công nghiệp tôn thép và thiệt hại cho nền kinh tế.

Đặc điểm của mặt hàng tôn mạ và tôn sơn phủ màu là khó xác định chất lượng nếu quan sát bằng mắt thường, trong khi đó, hiểu biết của rất nhiều NTD về mặt hàng này còn hạn chế. Đây chính là cơ hội cho những hành vi gian lận để trục lợi. NTD trở thành nạn nhân của hành vi sản xuất, kinh doanh tôn giả, nhiều khi họ bị “móc túi” mà không hề hay biết. Không chỉ NTD, mà ngay cả DN, tập đoàn sản xuất tôn trong nước cũng bị thiệt hại do tôn giả, tôn nhái làm giảm thị phần, mất sản lượng. Cuối cùng là thiệt hại chung cho nền kinh tế.

Theo ước tính, với sức tiêu thụ loại sản phẩm tôn nói trên vào thời điểm này, người tiêu dùng bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Và ngân sách nhà nước mất đi hàng nghìn tỷ đồng do những chiêu trò gian lận của một số DN, đơn vị phân phối, đại lý mặt hàng tôn thép phủ màu, mạ màu.

Đại diện Cục Quản lý Thị trường - Bộ Công Thương, ông Kiều Dương cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tiến hành kiểm tra, xử lý, bước đầu phát hiện nhiều cơ sở vi phạm về chất lượng, về độ dày tôn, thép, nhiều mẫu được mang đi giám định để tiến hành xử lý theo quy định. Ngoài ra, nhiều cơ sở kinh doanh mặt hàng tôn, thép không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hoá đã bị phát hiện và xử lý. Trong năm 2014 và 9 tháng đầu năm 2015 lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tiến hành kiểm tra 1.858 vụ; xử lý vi phạm 889 vụ; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3.022 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu về nhãn hàng hóa, niêm yết giá, chất lượng, kinh doanh sai nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Mặc dù, cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, và đã đạt được những kết quả cụ thể, nhưng tình trạng tôn giả, tôn nhái vẫn chưa được cải thiện nhiều. Thị trường thép có nhiều cơ quan quản lý, nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chất lượng của hàng triệu tấn thép tung ra thị trường hàng năm. Hiệp hội, ngành hàng và các DN sản xuất, kinh doanh tôn, thép chưa phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn vi phạm trong vấn đề này.