Tôn giả tràn lan thị trường: Làm gì để “cứu” tôn thật?

Tình trạng gian lận thương mại, tôn giả, tôn nhái và kém chất lượng đang xuất hiện tràn lan trên thị trường và các biện pháp xử lý dường như chỉ như “muối bỏ bể”.

27/11/2015 17:12

Tình trạng gian lận thương mại, tôn giả, tôn nhái và kém chất lượng đang xuất hiện tràn lan trên thị trường và các biện pháp xử lý dường như chỉ như “muối bỏ bể”.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ năm 2011 đến nay, sản lượng tôn, thép nhập khẩu tăng từng năm, đặc biệt năm 2015 đạt mức tăng đột biến.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2015, tôn nhập khẩu lên tới gần 1,1 triệu tấn, chiếm 32,2% thị trường trong nước. Tuy nhiên, có một tỉ lệ lớn sản phẩm nhập khẩu là tôn giả, tôn nhái, gian lận thương mại nên được bán với giá rẻ, gây tổn thất nghiêm trọng cho các nhà sản xuất trong nước và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.

“Những biểu hiện sai phạm của các loại sản phẩm này bao gồm sử dụng nhãn mác giả, nhái thương hiệu của các nhà sản xuất trong nước có uy tín, gian lận về độ dày sản phẩm, bán hàng không xuất hóa đơn... Trong khi đó người tiêu dùng gần như không thể phân biệt được chất lượng của tôn thép mạ và phủ màu như độ dày, chất lượng mạ…”, ông Nguyễn Văn Sưa nói.

Thậm chí, có doanh nghiệp của Việt Nam còn nhập tôn Trung Quốc về, sau đó in, phun nhãn mác, thương hiệu tôn của các doanh nghiệp uy tín trong nước hoặc sản xuất gia công và ăn bớt độ dày của tôn. Ví dụ, trên cuộn tôn ghi độ dày 0,40 mm, song thực tế, tôn chỉ có độ dày 0,30-0,35 mm. Mỗi mét tôn giả, người tiêu dùng sẽ bị thiệt từ 4.000-6.000 đồng. Ước tính, tôn giả, tôn nhái đang chiếm khoảng 20% thị phần, tương đương khoảng gần 350.000 tấn, như vậy số tiền người tiêu dùng bị thiệt hại mỗi năm vào khoảng 400 tỉ đồng. Thiệt hại do lượng tôn thép giả gây ra mỗi năm khoảng 900 tỉ đồng.

Hậu quả của việc tôn giả tràn lan trên thị trường được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (TCVBVNTD) nhận định, trong khi người tiêu dùng bị “móc túi”, công trình của họ không đảm bảo an toàn, thì việc kiểm định chất lượng đối với mặt hàng tôn mạ và tôn sơn phủ màu là rất khó khăn, nhất là khi không có máy kẹp để kiểm tra độ dày mỏng của tôn, độ dày của lớp mạ...

“Năm 2014, kết quả kiểm tra cho thấy tôn giả, tôn nhái, không hóa đơn chứng từ xuất hiện từ Bắc chí Nam, không chỉ ở các tỉnh mà ngay cả ở những thành phố lớn. Chỉ trong một thơi gian ngắn, gần chục công ty trên địa bàn Hà Nội đã bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện và công khai danh tính nhưng tình trạng vẫn chưa được cải thiện nhiều”, ông Hùng cảnh báo.

Giải pháp nào để “cứu” tôn thật?

Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, có thực trạng trên một phần do sự dễ dãi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thị trường sắt thép dù có nhiều cơ quan quản lý nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chất lượng. Hệ thống đo lường chất lượng thép đã có từ lâu nhưng lại chưa có đủ công nghệ, thiết bị để kiểm tra chất lượng. Đặc biệt, các cơ quan quản lý chưa thực sự sát sao dẫn đến tôn giả, tôn nhái tung hoành như hiện nay.

“Cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý. Cùng với đó, các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng phải đồng lòng vào cuộc để bảo vệ uy tín, sự sống còn của mình. Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái trong ngành tôn thép không thể ngày một ngày hai mà xong được”, ông Bảo nói.

Về phía nhà sản xuất, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tôn Hoa Sen kiến nghị, do đặc điểm của sản phẩm là tồn tại dưới dạng cuộn, có thể cắt rời thành nhiều phần, cán sóng để bán cho người tiêu dùng nên cần có quy định trên bề mặt sản phẩm tôn phải có dòng in thể hiện thông tin đầy đủ về sản phẩm và dễ dàng nhận biết bằng mắt thường, dòng in phải được lặp lại mỗi 6 m suốt chiều dài sản phẩm.

Trong đó, phải có các thông tin tối thiểu bao gồm: Tên hàng hóa, tên nhà sản xuất, tiêu chuẩn áp dụng, mác thép, độ dày và tỉ trọng của sản phẩm, lượng mạ, độ dày sơn. Ngoài ra, có thể in thêm các thông tin về chứng chỉ chất lượng, mã số sản phẩm, ngày giờ sản xuất...

Về lâu dài, Tập đoàn Hoa Sen kiến nghị cơ quan chức năng ban hành Bộ tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng tôn thép. Trong trường hợp chưa làm được ngay thì có thể áp dụng ngay những bộ tiêu chuẩn quốc tế hoặc khu vực để ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng “tuồn” vào Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Kiều Dương, đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) lại cho rằng, thực tế vẫn có không ít người tiêu dùng chấp nhận dùng hàng giả, kém chất lượng vì giá sản phẩm loại này rẻ hơn, phù hợp với khả năng chi trả của họ nên, các doanh nghiệp sản xuất tôn trong nước cũng cần tìm cách giảm giá thành mà vẫn giữ được chất lượng sản phẩm của mình để thu hút khách hàng.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng thông tin, Ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương đang xây dựng “Phương án chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng sắp thép xây dựng”. Từ nay đến cuối năm 2015, lực lượng chức năng sẽ tổng kiểm tra mặt hàng này”.