Thay đổi chính sách BHYT, BHXH: Triệu người hưởng lợi

Với chính sách điều chỉnh lương hưu mới, lao động nữ không chỉ được bù đắp thiệt thòi khi phải nghỉ hưu sớm hơn nam giới mà còn an tâm hơn về tương lai

03/12/2018 08:43

Với chính sách điều chỉnh lương hưu mới, lao động nữ không chỉ được bù đắp thiệt thòi khi phải nghỉ hưu sớm hơn nam giới mà còn an tâm hơn về tương lai

Từ tháng 12-2018, nhiều quy định mới liên quan tới chính sách BHXH, BHYT, tiền lương... bắt đầu có hiệu lực. Đặc biệt, hơn 82 triệu chủ thẻ BHYT sẽ được nới quyền lợi trong quá trình khám chữa bệnh. Những thay đổi mới trong chính sách BHYT được kỳ vọng thu hút thêm nhiều người tham gia, mở rộng diện bao phủ BHYT hiện đã ở mức gần 88% dân số.

Hàng loạt thay đổi

Theo ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, kể từ tháng 12, nhiều chính sách theo hướng có lợi cho hơn 82 triệu người tham gia BHYT được quy định trong Nghị định 146/2018/NĐ-CP chính thức có hiệu lực.

Theo đó, Nghị định 146 bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia BHYT như: dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến, thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975... được ngân sách nhà nước đóng 100% phí mua thẻ BHYT. Cùng với đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT cho các nhóm đối tượng, trong đó có nhóm thuộc hộ nghèo ở nơi thiếu các dịch vụ xã hội cơ bản. Quy định này nhằm bảo đảm tính công bằng trong thực hiện chế độ chính sách ưu đãi xã hội, không bỏ sót đối tượng tham gia BHYT và góp phần tăng nhanh tỉ lệ bao phủ BHYT.

Để tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHYT tự nguyện theo hộ gia đình, Nghị định 146 cũng điều chỉnh quy định bằng việc không bắt buộc toàn bộ thành viên hộ gia đình phải tham gia BHYT cùng một thời điểm. Cùng với đó, thực hiện giảm trừ mức đóng khi thành viên thứ 2 tham gia trong năm tài chính. Người bệnh được cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị và chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã được hưởng quyền lợi theo quy định.

Quy định mới này sẽ tạo điều kiện cho bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, đi lại khó khăn được khám chữa bệnh gần chỗ cư trú. Nghị định 146 sẽ thanh toán trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh gửi mẫu bệnh phẩm, chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Theo đó, bệnh nhân có thể được cơ sở khám chữa bệnh đang điều trị gửi mẫu xét nghiệm, chuyển bệnh nhân tới nơi khác mà vẫn được thanh toán BHYT, sau đó có thể quay lại điều trị.

Điểm mới tại Nghị định 146 là người bệnh BHYT đang điều trị nhưng thẻ BHYT hết hạn vẫn sẽ được thanh toán kéo dài thêm 15 ngày. Cụ thể, trường hợp người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú nhưng thẻ hết hạn sử dụng thì được thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện nhưng tối đa không quá 15 ngày kể từ khi thẻ hết hạn. Cơ quan BHXH có trách nhiệm thực hiện việc cấp hoặc gia hạn thẻ cho người bệnh trong thời gian đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh.

Ngoài ra, người có thẻ BHYT tự đến bệnh viện nhưng không đúng tuyến, sau đó được bệnh viện này chuyển sang bệnh viện khác thì BHYT vẫn thanh toán theo hình thức trái tuyến. Riêng với các trường hợp cấp cứu đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh, tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh... sẽ được BHYT thanh toán đầy đủ.

Theo ông Khảm, tại tuyến xã trước đây có tình trạng khống chế tỉ lệ quỹ được dùng ở đó. Tuy nhiên, quy định này hiện đã bãi bỏ. Vì vậy, người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã khi có nhu cầu sẽ được các bác sĩ khám, chẩn đoán, kê đơn điều trị theo đúng phạm vi chuyên môn, tình trạng bệnh tật với danh mục thuốc và kỹ thuật được mở rộng. Hợp đồng khám chữa bệnh BHYT cũng được nâng thời hạn lên tới 36 tháng, thay vì 12 tháng như trước đây.

Lao động người nước ngoài chưa phải đóng BHXH bắt buộc

Không chỉ nới quyền lợi, gỡ bỏ rào cản trong việc khám chữa bệnh BHYT, nhiều quy định mới về tiền lương hưu cho lao động nữ (LĐN), người nước ngoài đóng BHXH cũng là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 12-2018.

Theo bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH - BHXH Việt Nam, Nghị định số 143/2018/NĐ-CP về BHXH bắt buộc đối với người lao động (NLĐ) là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng có hiệu lực từ ngày 1-12. Từ ngày 1-12-2018 đến 31-12-2021, NLĐ là công dân nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam chưa phải đóng BHXH bắt buộc.

Từ ngày 1-1-2022, NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có trách nhiệm đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Đối tượng đóng là NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết để hỗ trợ doanh nghiệp, Nghị định 143 quy định lùi thời gian đến năm 2022 mới thực hiện 2 chế độ dài hạn. "Để hỗ trợ lao động nước ngoài tham gia BHXH, hiện nay, Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với BHXH Việt Nam tiến hành đàm phán các hiệp định song phương về BHXH thế hệ mới, do các hiệp định thế hệ cũ chủ yếu là xử lý tránh đóng trùng BHXH. BHXH Việt Nam đã kết thúc đàm phán lần 4 về Hiệp định song phương BHXH với Hàn Quốc - một trong những nước có rất nhiều lao động làm việc tại Việt Nam và cũng là nơi có nhiều lao động Việt Nam làm việc. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đang tiến hành các bước cần thiết để đàm phán hiệp định song phương về BHXH với Nhật, Đức" - ông Ánh thông tin.

Giải tỏa lo lắng cho lao động nữ

Nghị định 153/2018 có hiệu lực từ ngày 24-12 quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với LĐN bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018 đến 2021, có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng.

Cụ thể, mức điều chỉnh sẽ được tính bằng mức lương hưu theo quy định của Luật BHXH 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỉ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm hưởng lương hưu. Nếu nghỉ hưu năm 2018, tỉ lệ điều chỉnh cao nhất là 12,3%; thấp nhất là 1,08%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH. Nếu nghỉ hưu năm 2019, tỉ lệ điều chỉnh cao nhất là 9,23%, thấp nhất là 0,81%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH.

Theo bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), Chính phủ sớm ban hành Nghị định 153/2018 điều chỉnh lương hưu cho LĐN đã giải tỏa được lo lắng cho gần 100.000 LĐN. Với chính sách điều chỉnh lương hưu mới, LĐN không chỉ được bù đắp thiệt thòi khi phải nghỉ hưu sớm hơn nam giới mà còn an tâm hơn về tương lai.

Theo BHXH Việt Nam, số LĐN bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn 2018-2021 và số người có từ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng BHXH là khoảng 91.000, gồm 20.500 người nghỉ hưu vào năm 2018, 22.000 người vào năm 2019, 23.500 người vào năm 2020 và 25.100 người vào năm 2021.

Quy định mới về tiền lương ngày nghỉ lễ

Nghị định 148/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP) quy định tiền lương làm căn cứ để trả cho NLĐ trong ngày nghỉ hằng năm, ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên, ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương có hiệu lực từ ngày 15-12. Cụ thể, trong các ngày nghỉ nêu trên, tiền lương được tính như sau: Tiền lương theo hợp đồng lao động chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày NLĐ nghỉ.

Theo Nghị định 05/2015, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động được quy định cụ thể là tiền lương của tháng trước liền kề.