Tháo gỡ khó khăn cho nhà máy sản xuất gang thép tại chỗ ở Lào Cai

Do biến động thị trường, cung vượt cầu nên giá phôi thép và quặng sắt giảm sâu, do vậy, Nhà máy gang thép Việt-Trung (Lào Cai) hiện đang trong giai đoạn rất khó khăn. Mới đây, Tổng Công ty Thép Việt Nam, UBND tỉnh Lào Cai và lãnh đạo tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cùng Công ty cổ phần gang thép Côn Minh (Trung Quốc) đã họp bàn, thống nhất chín giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nhà máy.

25/11/2015 08:27

Do biến động thị trường, cung vượt cầu nên giá phôi thép và quặng sắt giảm sâu, do vậy, Nhà máy gang thép Việt-Trung (Lào Cai) hiện đang trong giai đoạn rất khó khăn. Mới đây, Tổng Công ty Thép Việt Nam, UBND tỉnh Lào Cai và lãnh đạo tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cùng Công ty cổ phần gang thép Côn Minh (Trung Quốc) đã họp bàn, thống nhất chín giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nhà máy.

Giá bán giảm sâu dưới giá thành

Nhà máy gang thép Việt-Trung là công trình hợp tác giữa hai phía Việt Nam và Trung Quốc, trực tiếp là giữa UBND tỉnh Lào Cai, Tổng Công ty Thép Việt Nam và Công ty cổ phần gang thép Côn Minh (Trung Quốc) nhằm khai thác và chế biến quặng sắt (li-mô-nít) tại mỏ Quý Sa, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Thực hiện theo dự án, khu mỏ Quý Sa nằm cách Nhà máy gang thép Việt-Trung (tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng) khoảng 35 km, có trữ lượng 120 triệu tấn, đã được các bên liên doanh đầu tư dây chuyền, thiết bị khai thác, với năng lực cung cấp khoảng ba triệu tấn quặng có hàm lượng tiêu chuẩn, bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất phôi thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Tiếp đó, Nhà máy sản xuất gang thép Tằng Loỏng, được xây dựng và đi vào sản xuất từ tháng 12-2014, với công suất 500 nghìn tấn phôi thép/năm. Thực tế, từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy đã cung ứng ra thị trường trong nước và xuất khẩu hơn 300 nghìn tấn phôi thép và hơn 50 nghìn tấn gang thỏi, để sản xuất ra thép cán thương phẩm các loại, phục vụ nhu cầu xây dựng trên thị trường và xuất khẩu.

Do biến động thị trường, giá bán phôi thép giảm sâu nên Nhà máy gang thép Việt-Trung (Lào Cai) hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, lỗ tới hàng trăm tỷ đồng, do phải bán phôi thép dưới giá thành. Theo báo cáo của nhà máy, trong 10 tháng đầu năm nay, nhà máy đã sản xuất được 276 nghìn tấn phôi thép và 49 nghìn tấn gang thỏi. Về tiêu thụ sản phẩm, nhà máy đã bán được 280 nghìn tấn phôi thép (có cả lượng phôi thép tồn của năm trước) và 49 nghìn tấn gang thỏi. Nhìn vào mức tiêu thụ sản phẩm thì bình thường, nhưng điều “nguy hiểm” nhất của nhà máy là đang phải bán phôi thép dưới giá thành rất sâu, tới hàng triệu đồng/tấn. Theo báo cáo của nhà máy, giá thành một tấn phôi thép sản xuất ra là tám triệu đồng/tấn, trong khi phải “cắn răng” bán cho khách hàng trong nước với giá hiện tại là 6,5 triệu đồng/tấn, lỗ 1,5 triệu đồng/tấn (do giá phôi thép thế giới giảm từ 9,1 triệu đồng/tấn xuống còn 6,5 triệu đồng/tấn). Tính đến nay, nhà máy lỗ lũy kế 581 tỷ đồng.

Bảo dưỡng thiết bị lò luyện ở Nhà máy gang thép Tằng Loỏng (Bảo Thắng - Lào Cai).

Theo ông Bùi Thanh Bình - Tổng Giám đốc Công ty khoáng sản và luyện kim Việt-Trung, có nhiều nguyên nhân khiến cho Nhà máy gang thép Việt-Trung rơi vào cơn “bĩ cực”, thua lỗ, nhưng nguyên nhân chính là do thị trường phôi thép giảm sâu, kéo dài, dẫn đến giá bán “tụt dốc thê thảm” và do “cõng nợ” ngân hàng, vì vốn vay đầu tư quá lớn, trong khi không lường hết diễn biến của thị trường sản xuất và tiêu thụ phôi thép. Tính ra, mỗi tấn phôi thép do Nhà máy gang thép Việt-Trung sản xuất ra, hiện phải “cõng” lãi suất trả ngân hàng gần một triệu đồng/tấn.

Như vậy, từ khi đi vào hoạt động đến nay, hiệu quả kinh tế của Nhà máy gang thép Việt-Trung đã không như mong đợi của các bên liên doanh. Nếu không có các biện pháp “hữu hiệu”, kịp thời thì nhà máy sẽ “tắt lò” trong nay mai, khi không thể “chịu đựng” nổi thua lỗ ngày càng lớn; trong khi thị trường tiêu thụ phôi thép trong và ngoài nước ảm đạm, chưa biết đến bao giờ mới hồi phục, sáng sủa.

Giải pháp tháo gỡ để nhà máy vượt qua khó khăn

Để tháo gỡ khó khăn cho nhà máy, tránh nguy cơ dừng hoạt động vì không “bù đắp” nổi chi phí do thua lỗ, ngày 17-11-2015, tại Lào Cai, các bên liên doanh bao gồm: Tổng Công ty Thép Việt Nam, UBND tỉnh Lào Cai và lãnh đạo tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cùng Công ty cổ phần gang thép Côn Minh (Trung Quốc) đã họp bàn, thống nhất chín giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nhà máy trong giai đoạn “nguy kịch” hiện nay. Theo đó, liên ngành Tài chính - Công Thương, Tài nguyên - Môi trường và Cục Thuế tỉnh đã có tờ trình UBND tỉnh Lào Cai đề nghị điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên quặng sắt li-mô-nít tại mỏ Quý Sa, phù hợp với giá thị trường đang giảm sâu, từ 500 nghìn đồng/tấn xuống 370 nghìn đồng/tấn; điều chỉnh mức thu đóng góp từ khai thác khoáng sản để bảo đảm hạ tầng giao thông, từ 80 nghìn đồng/tấn xuống 50 nghìn đồng/tấn. Về phía Công ty khoáng sản và kuyện kim Việt-Trung kiến nghị UBND tỉnh Lào Cai cho giãn nộp khoản tiền hơn 160 tỷ đồng thuế tài nguyên và chi phí bảo vệ môi trường để bớt “gánh nặng” cho đơn vị trong lúc khó khăn về kinh doanh và tài chính. Với phương châm của tỉnh Lào Cai “doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”, tỉnh Lào Cai nên chủ động, tích cực chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để góp phần giải quyết việc làm cho người lao động bản địa và nuôi dưỡng nguồn thu, để đóng góp cho ngân sách địa phương một cách bền vững.

Tiêu thụ phôi thép ở Nhà máy gang thép Tằng Loỏng (Bảo Thắng - Lào Cai).

Về trả nợ vốn và lãi vay Ngân hàng VietinBank, Công ty khoáng sản và luyện kim Việt-Trung đã dùng toàn bộ số tiền bán hàng trong chín tháng đầu năm 2015 là 1.725 tỷ đồng để trả nợ gốc được 1.456 tỷ và trả lãi vay được 277 tỷ đồng. Như vậy, lượng tiền thu được bảo đảm trả nợ đúng hạn, thậm chí trước hạn để giảm phần lãi suất cao từ những năm trước. Theo ký kết giữa Ngân hàng VietinBank với Công ty khoáng sản và luyện kim Việt-Trung, hạn mức vốn vay được giới hạn ở mức 1.600 tỷ đồng, phục vụ cho đầu tư khai thác, kinh doanh ở mỏ sắt Quý Sa và Nhà máy sản xuất gang thép Tằng Loỏng. Tuy nhiên, do giá bán phôi thép sụt giảm sâu nên tình hình tài chính của công ty rất khó khăn, “cạn” tiền để quay vòng sản xuất. Công ty đề nghị phía ngân hàng nâng hạn mức tín dụng lên 2.400 tỷ để có dòng tiền lưu động, duy trì sản xuất. Thiết nghĩ, Ngân hàng VietinBank nên xem xét thấu đáo, trên cơ sở thực tế hoạt động của đơn vị vay vốn để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tham gia chế biến sâu khoáng sản tại chỗ, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực này.