Tháng 4-2006: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng

Đại hội đã thông qua Báo cáo chính trị, Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, Báo cáo về công tác xây dựng Đảng và Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi).

26/01/2021 08:09

Đại hội đã thông qua Báo cáo chính trị, Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, Báo cáo về công tác xây dựng Đảng và Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi).

Sau gần 20 năm tiến hành đổi mới, tình hình đất nước ta đã có những đổi thay to lớn. Kiên trì đường lối đổi mới của Đại hội VI, được bổ sung và phát triển qua các đại hội và hội nghị Trung ương, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhân dân ta đã thu được những thành tựu hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc mở rộng hợp tác quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình tạo thêm nhiều thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội với nhịp độ nhanh hơn, góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tăng cường sức mạnh quốc gia, tạo thế và lực cho đất nước tiếp tục phát triển đi lên. Song, bên cạnh những thuận lợi đó, đất nước ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Tình hình trong nước và quốc tế tiếp tục có những thay đổi to lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến công cuộc đổi mới của nhân dân ta. Toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế khách quan, tạo ra cơ hội phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố bất bình đẳng, gây khó khăn, thách thức cho các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Khoa học - công nghệ tiếp tục có những bước đột phá mới, tác động nhiều mặt đến tất cả các nước trên thế giới. Chiến tranh khu vực, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố... diễn ra ở nhiều nơi với tính chất ngày càng phức tạp. Nền kinh tế đất nước vẫn trong tình trạng kém phát triển, nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn còn tồn tại, tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước. Trình độ khoa học - công nghệ quốc gia còn lạc hậu trên nhiều phương diện. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn liền với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí rất nghiêm trọng[1]. Các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại còn một số mặt hạn chế... Đòi hỏi bức bách của toàn dân tộc ta lúc này là phải ra sức tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, phát triển với tốc độ nhanh và bền vững, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.

Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã được triệu tập. Sau một ngày họp trù bị, từ ngày 18 đến ngày 25-4-2006, Đại hội họp chính thức, với sự tham dự của 1.176 đại biểu1 đại diện cho hơn 3,1 triệu đảng viên trong cả nước.

Đại hội có nhiều đổi mới về hình thức và nội dung, dành nhiều thời gian để thảo luận, phân tích các văn kiện trình Đại hội cũng như những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Lần đầu tiên kể từ ngày thành lập Đảng, Đại hội không mời khách quốc tế tham dự. Một số phiên họp được truyền hình trực tiếp, hằng ngày đều có thông cáo báo chí cho toàn dân theo dõi.

Đại hội tập trung thảo luận, tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, rút ra những bài học chủ yếu của sự nghiệp đổi mới, quyết định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng, bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng, bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa X.

Đại hội đã thông qua Báo cáo chính trị, Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, Báo cáo về công tác xây dựng Đảng Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi).

Chủ đề của Đại hội và cũng là tiêu đề của Báo cáo chính trị là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.

Tổng kết, đánh giá 20 năm đổi mới, Đại hội khẳng định, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Mặc dù còn nhiều hạn chế, đất nước đã có sự thay đổi cơ bản và toàn diện. Nền kinh tế nước ta đã ra khỏi khủng hoảng và có sự tăng trưởng khá nhanh, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường củng cố. Chính trị - xã hội ổn định. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Vị thế đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia được tăng cường, tạo thế và lực để đất nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ và vững chắc. “Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản”[2]. Những thành tựu đó chứng tỏ đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta vạch ra là hoàn toàn đúng đắn và sáng tạo, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại. Từ thực tiễn đổi mới, Đại hội rút ra các bài học chủ yếu sau:

Một là, trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hai là, đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp.

Ba là, đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén với cái mới.

Bốn là, phát huy cao độ nội lực, đồng thời ra sức khai thác ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới.

Năm là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, không ngừng đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và từngbước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.

Đại hội thông qua nhiều quyết sách quan trọng, mở đường cho sự nghiệp đổi mới tiếp tục đi lên. Đại hội khẳng định: “Mọi công dân có quyền tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh với quyền sở hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh được pháp luật bảo hộ”[3]. Đảng viên làm kinh tế tư nhân phải gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ Đảng và quy định của Ban Chấp hành Trung ương. “Xóa bỏ mọi rào cản, tạo tâm lý xã hội và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp của tư nhân phát triển không hạn chế quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh quan trọng của nền kinh tế mà pháp luật không cấm”[4]. Đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của đất nước, được thảo luận kỹ qua nhiều đại hội và hội nghị Trung ương, thể hiện quyết tâm đổi mới của Đảng.

Đại hội xác định rõ hơn bản chất của Đảng. Điều lệ Đảng (sửa đổi, bổ sung) được Đại hội thông qua nêu rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”[5].

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu được Đại hội đặc biệt quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài của Đảng. Đại hội xác định phương hướng và mục tiêu tổng quát của công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ tới là: “Tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng, có tầm trí tuệ cao, có phương thức lãnh đạo khoa học, luôn gắn bó với nhân dân[6]. Đại hội chỉ rõ, trong thời gian tới cần thực hiện một cách kiên quyết và đồng bộ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai người tham nhũng, bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, tịch thu sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.

Đại hội xác định mục tiêu và phương hướng tổng quát của 5 năm 2006 - 2010 là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển văn hóa; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 160 ủy viên chính thức, 21 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ nhất đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng có ý nghĩa trọng đại, các văn kiện được thông qua tại Đại hội “là kết tinh trí tuệ và ý chí của toàn Đảng, toàn dân ta, là sự tổng kết sâu sắc thực tiễn và lý luận 20 năm đổi mới”[7]. Thành công của Đại hội đánh dấu một mốc son trên chặng đường hơn 76 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng, mở ra một thời kỳ phát triển mới của công cuộc đổi mới.


[1]. Vụ PMU 18 được phát hiện trước ngày Đại hội khai mạc là một ví dụ đáng lo ngại về tình trạng tham nhũng nghiêm trọng trong các cơ quan nhà nước.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.68.

[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr.86.

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr.86-87.

[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.3-4.

[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr.279.

[7]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr.370.