Tái cơ cấu kinh tế đã làm được gì?

Hiệu quả quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế chưa như mong đợi do hệ thống phân bổ nguồn lực vẫn còn chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của bàn tay nhà nước.

22/12/2015 11:20

Hiệu quả quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế chưa như mong đợi do hệ thống phân bổ nguồn lực vẫn còn chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của bàn tay nhà nước.

Theo một báo cáo dày 155 trang, công bố ngày 17-12-2015, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chủ trì biên soạn để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đánh giá, giám sát quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, quá trình này đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, như kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh có sự cải thiện, xu hướng hồi phục tăng trưởng kinh tế đang ngày càng rõ nét...

Tuy nhiên, đi sâu vào từng lĩnh vực đang tái cơ cấu, còn nhiều vấn đề đặt ra.

Tái cơ cấu ngân hàng thương mại: dấu hỏi về VAMC

Thứ nhất, hệ thống tín dụng vẫn còn nghẽn trong hệ thống ngân hàng, nhu cầu đầu tư công lớn dẫn đến hiện tượng “lấn át trong đầu tư”: vốn trên thị trường ngân hàng đang dịch chuyển mạnh sang thị trường trái phiếu; đầu tư tư nhân bị lấn át bởi đầu tư công.

Thứ hai, việc sử dụng Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) như là một cơ chế bào mòn nợ xấu tỏ ra không hiệu quả khi nợ xấu vẫn còn đó (đã đưa ra ngoại bảng) và ngân hàng phải đẩy chi phí bào mòn này ra công chúng (doanh nghiệp và người gửi tiền). Hậu quả là lãi suất cho vay thực quá cao hạn chế việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đồng thời do ngân hàng không phải trả giá cho quá trình xử lý nợ xấu nên mặc dù nợ xấu còn rất cao nhưng lợi nhuận của ngân hàng thương mại lại liên tục tăng. Một loạt vấn đề quan trọng vẫn chưa được giải quyết: Số nợ xấu thực sự là bao nhiêu, ở đâu, lấy tiền đâu để xử lý - tức bù đắp số vốn đã mất của các tổ chức tín dụng?

Thứ ba, cơ chế hoạt động của VAMC thiếu sự minh bạch và cũng thiếu nguồn lực để xử lý nợ xấu. Sự thiếu minh bạch của VAMC đang hạn chế sự hình thành thị trường mua bán nợ xấu đúng nghĩa. Trên thị trường này VAMC là người nắm lợi thế về thông tin trong khi những người muốn mua nợ xấu không được tiếp cận đầy đủ thông tin, do đó rất khó để bên mua và bên bán gặp nhau. Khi không được cung cấp đầy đủ thông tin thì người mua sẽ khó đưa ra được giá hợp lý, dẫn đến thị trường không thể hình thành cơ chế định giá cho nợ xấu.

Tái cơ cấu đầu tư công: hiệu quả còn bỏ ngỏ

Tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết chặt kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư. Luật Đấu thầu và nghị định về hợp tác công tư đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để có thể áp dụng nguyên tắc thị trường trong phân bổ vốn đầu tư công nhưng cho đến nay vẫn chưa đi vào cuộc sống do còn thiếu các văn bản hướng dẫn. Các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa xây dựng được hệ thống tiêu chí thống nhất để phân bổ, giám sát, đánh giá nguồn vốn đầu tư công do đó cho đến nay hiệu quả của đầu tư công vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, kỷ luật kỷ cương đầu tư công cũng còn lỏng lẻo. Các bước đầu tư công chuẩn chưa được thực hiện đầy đủ và chặt chẽ.

Hầu hết các dự án đầu tư công đều do các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện, trong khi đó cơ quan lựa chọn, phê duyệt dự án, giám sát dự án lại chính là cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp này. Điều này tạo ra cơ hội cấu kết giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp để trục lợi. Đồng thời các doanh nghiệp không có sức ép buộc phải giảm chi phí thực hiện dự án.

Cho đến nay, các dự án đầu tư công hầu như không thực hiện bước theo dõi, đánh giá hiệu quả dự án, so sánh hiệu quả kinh tế - xã hội thực tế với hiệu quả kinh tế - xã hội theo thẩm định. Trong khi, đây là bước rất quan trọng để có thể chỉ ra được những yếu kém và lỗ hổng trong quy trình thực hiện đầu tư công, chỉ ra được trách nhiệm để xảy ra các dự án đầu tư công lãng phí, không hiệu quả. Không thực hiện và công bố các kết quả hậu đầu tư này thì Việt Nam rất khó có thể tái cơ cấu đầu tư công thành công.

Nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn, đặc biệt từ sự gia tăng nhanh chóng của nợ công.

Tái cơ cấu DNNN: chậm do cơ chế

Đối với tái cơ cấu DNNN, tốc độ cổ phần hóa vẫn còn chậm, đồng thời chất lượng cổ phần hóa còn có nhiều vấn đề. Một số doanh nghiệp về thực chất chỉ là chuyển đổi hình thức từ DNNN sang công ty cổ phần khi tỷ lệ bán cổ phần ra cho tư nhân chỉ rất nhỏ; hoặc không có các nhà đầu tư chiến lược đủ mạnh để thay đổi cơ chế quản trị doanh nghiệp; hoặc các đối tác mua cổ phần lại là những DNNN, tức là xét riêng là các doanh nghiệp cổ phần nhưng xét chung trong hệ thống sở hữu chéo nhau giữa các doanh nghiệp này thì cả nhóm lại là DNNN.

Nguyên nhân cốt lõi khiến quá trình cổ phần hóa DNNN chậm là do cơ chế cơ quan chủ quản đồng thời là cơ quan quản lý nhà nước. Việc vừa đá bóng vừa thổi còi đã làm cho các chủ doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có động cơ sai lệch. Các chủ doanh nghiệp không tập trung vào mục tiêu làm giàu cho doanh nghiệp mà có xu hướng sử dụng doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu chính trị. Trong khi các cơ quan chủ quản đáng lẽ phải đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng và giám sát sự chấp hành các quy định pháp luật của các DNNN thì lại có xu hướng tìm cách làm lợi cho các doanh nghiệp này. Các bộ chủ quản, UBND cấp tỉnh đang được hưởng lợi từ các DNNN này do đó sẽ không ủng hộ việc tách các doanh nghiệp này ra khỏi phạm vi quản lý của họ. Mỗi khi chúng ta chưa tách được chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng chủ sở hữu thì quá trình tái cơ cấu DNNN chỉ mang tính hình thức.

Hạn chế, yếu kém lớn nhất của DNNN hiện nay là cơ chế hoạt động của DNNN nói chung và thể chế quản trị DNNN nói riêng còn nhiều điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Vì vậy, đã ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả của DNNN và tiến trình hình thành một nền kinh tế thị trường đầy đủ ở Việt Nam:

Thứ nhất là, thể chế hiện hành vẫn tạo cho DNNN nhiều lợi thế tiếp cận nguồn lực hơn so với doanh nghiệp khu vực tư nhân, gây biến dạng thị trường các yếu tố sản xuất. Việc thiếu cạnh tranh vừa không tạo được áp lực nâng cao hiệu quả cho DNNN, vừa ảnh hưởng không tốt đến lợi ích của các chủ thể tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ từ các thị trường này.

Thứ hai là, một số hoạt động của DNNN chưa thật sự hướng tới cơ chế thị trường. Nhiều DNNN có lợi thế cạnh tranh bằng giá cả do hạch toán chi phí không phản ánh đầy đủ hao phí sử dụng các nguồn lực. Trong nhiều trường hợp chưa quán triệt nguyên tắc kỷ luật tài chính và ràng buộc ngân sách cứng đối với DNNN.

Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế, yếu kém nêu trên là do tư duy, cách ứng xử chưa phù hợp của Nhà nước, đặc biệt là từ mô hình tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước.

Cách tư duy, ứng xử này có nguồn gốc sâu xa từ việc Nhà nước định vị vai trò của DNNN không thực sự phù hợp với bối cảnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (Nhà nước đã giao DNNN có sứ mệnh bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế; sử dụng DNNN là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, là lực lượng vật chất để Nhà nước điều tiết nền kinh tế).

Để DNNN thực hiện được vai trò nêu trên, Nhà nước đã hỗ trợ tạo lợi thế cho DNNN trong tiếp cận tài chính, đất đai và các nguồn lực khác. Nguyên nhân này cũng là nguồn gốc của việc không áp đặt được kỷ luật tài chính và kỷ luật thị trường đối với DNNN. Đồng thời, việc xác định DNNN như một công cụ điều tiết của Nhà nước thực chất đã biến DNNN thành một phần hoạt động của chức năng quản lý nhà nước. Hơn nữa, DNNN nói chung luôn giành được vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống thể chế kinh tế, được giao vai trò trung tâm trong thực hiện các chiến lược, quy hoạch ngành kinh tế quốc dân. Điều này tạo nên sự gắn kết lợi ích khó tách rời giữa bộ máy nhà nước với DNNN, làm cho bộ máy này không còn chuyên tâm, chuyên nghiệp thực hiện vai trò quản lý nhà nước chung một cách hiệu lực, hiệu quả nhất.