Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Chờ cú hích mới
05/09/2016 12:33
Mặc dù có thêm 43 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) trong 7 tháng năm 2016 cùng với 558 DN đã được sắp xếp trong giai đoạn 2011 – 2015, song chất lượng triển khai CPH DNNN vẫn đang là vấn đề cần suy nghĩ. Để đạt được kỳ vọng, điều quan trọng chính là sự quán triệt nghiêm túc của các đơn vị chủ quản cũng như sự quyết liệt của những người đứng đầu DN.
Thoái thêm 2.870 tỷ đồng
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, trong 7 tháng của năm 2016, thêm 43 DN với giá trị thực tế là 29.907 tỷ đồng, vốn Nhà nước là 22.240 tỷ đồng, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Trong số đó có 6 Tổng công ty gồm: Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp thuộc Bộ Công Thương; Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) thuộc Bộ Xây dựng; Tổng công ty 36 thuộc Bộ Quốc phòng; Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Vật tư nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cũng trong 7 tháng qua, các đơn vị đã thoái được 2.870 tỷ đồng (giá trị sổ sách), tổng số tiền thu về 5.632 tỷ đồng từ bán cổ phần. Cụ thể: Các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 381 tỷ đồng (giá trị sổ sách), thu về 424 tỷ đồng từ bán cổ phần tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng - tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư). Các DN đã thoái 1.259 tỷ đồng, thu về 1.959 tỷ đồng từ bán cổ phần ở những lĩnh vực khác. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán 1.229 tỷ đồng, thu về 3.248 tỷ đồng.
Bộ Tài chính nhận định, cơ chế chính sách về tái cơ cấu, sắp xếp, CPH DNNN đã được ban hành đầy đủ, tạo thuận lợi cho các DN thực hiện. Hiệu quả hoạt động của DNNN sau CPH từng bước được nâng cao. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào 5 lĩnh vực nhạy cảm được triển khai quyết liệt. Quản trị DN tiếp tục được đổi mới. Công tác CPH DN đã góp phần hoàn thiện và phát triển thị trường vốn đặc biệt là thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho DN sau khi CPH huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ, gắn kết người lao động với DN, DN phát triển ổn định trong xu thế hội nhập với kinh tế khu vực và kinh tế thế giới.
Bộ Tài chính cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng: 7 tháng đầu năm 2016, tiến độ CPH DNNN và thoái vốn còn chưa đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, với số lượng CPH không còn nhiều, hầu hết tập trung vào các DN lớn thì tiến độ triển khai đến thời điểm hiện nay là vẫn nằm trong dự kiến đề ra. Đưa ra nguyên nhân, ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết: Do thời điểm này, các đơn vị tiếp tục thực hiện CPH các đơn vị chưa hoàn thành theo kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015, đồng thời với việc triển khai xây dựng kế hoạch sắp xếp, CPH, tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, do đối tượng sắp xếp, CPH hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện CPH, tái cơ cấu đối với các DN có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.
Cũng theo ông Tiến, tiến độ thoái vốn ngoài ngành các khoản đầu tư trước năm 2011 cho đến nay vẫn chậm trễ, một phần là do những gì "ngon" đã bán, giờ chỉ còn lại những khoản đầu tư mang tính chất cắt lỗ. Theo kết quả báo cáo, đến cuối năm 2015, hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN tại 5 lĩnh vực nhạy cảm là bất động sản, chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư mới chỉ đạt 40% so với yêu cầu. Cắt lỗ là phần khó nhất. Theo đó, cổ phần tại những DN làm ăn không hiệu quả, thua lỗ thì sẽ không hấp dẫn được nhà đầu tư và khó bán, tiến độ thoái vốn không thể nhanh như việc bán cổ phần tại những DN hiệu quả khác. Bên cạnh đó, với những khoản đầu tư có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang có sự vào cuộc của cơ quan điều tra thì nhà đầu tư cũng phải chờ đợi kết quả điều tra mới thực hiện được.
Hoàn thiện tiêu chí phân loại
Để khắc phục và đẩy mạnh hơn quá trình CPH, thoái vốn, các đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN sẽ tiếp tục được tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện.
Theo đại diện Cục Tài chính DN, trong quá trình CPH, việc thận trọng, tránh làm bằng mọi giá, tránh thất thoát được đặt lên hàng đầu. Với sự thận trọng đó, cơ quan quản lý cũng đang nhận thấy vấn đề định giá các DN của các DN tư vấn vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng. “Chúng tôi cũng đang kiến nghị Chính phủ cho phép Kiểm toán Nhà nước rà soát lại để xác định rõ giá trị DN và đánh giá chất lượng của công ty tư vấn nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ, tính chính xác trong hoạt động này” – ông Tiến nói. Giải pháp này sẽ tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư khi tiếp cận những thông tin về DN.
Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Trong đó sẽ mở ra thêm một số hình thức bán cổ phần và bổ sung thêm các nội dung xử lý phân cấp phân quyền mạnh hơn cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu, giảm bớt thủ tục hành chính cũng như tạo thêm cơ hội cho các Ban chỉ đạo có nhiều phương án mua hơn.
Bên cạnh đó, điều quan trọng là các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty phải quán triệt, thực hiện kế hoạch, lộ trình tái cơ cấu DNNN, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo hoàn thành theo đúng Đề án đã được phê duyệt; xử lý nghiêm đối với lãnh đạo DN không thực hiện đúng hoặc thực hiện không có hiệu quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN.
Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn Nhà nước ở DN mà Nhà nước không cần nắm giữ sẽ tiếp tục triển khai theo tiêu chí phân loại DNNN và theo lộ trình hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất. Đối với những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, khẩn trương có phương án thoái vốn để cắt lỗ, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đặc biệt, theo chỉ đạo của Chính phủ, SCIC cũng đã xây dựng lộ trình bán hết vốn Nhà nước tại 10 DN lớn gồm: Tổng công ty cổ phần Bảo Minh; Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia; Công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang; Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong; Công ty Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam; Công ty Nhựa Bình Minh; Công ty Sữa Việt Nam; Công ty cổ phần FPT; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang; Công ty Viễn thông FPT. 10 "ông lớn" này là những DN có cổ phiếu được nhà đầu tư, trong đó có khối ngoại, chờ đón trên sàn chứng khoán. Nếu bán thành công, Nhà nước có thể thu về khoảng 3 tỷ USD và đây hứa hẹn sẽ là cú hích cho thị trường trong thời gian tới.
Một giải pháp nữa đang được Bộ Tài chính kiến nghị là đưa ra chế tài cụ thể đối với các DN đã CPH nhưng vẫn không niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trước mắt, Chính phủ đã và đang chỉ đạo, đôn đốc người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan chủ sở hữu yêu cầu thực hiện đúng quy định, trừ trường hợp có những yếu tố khách quan chưa đủ điều kiện. Trong bối cảnh chế tài xử phạt còn đang hoàn thiện, chưa có tính răn đe, cơ quan Nhà nước chỉ có thể đề nghị các DN gương mẫu thực hiện đồng thời nhận thức đầy đủ rằng việc niêm yết trên thị trường chứng khoán mới đảm bảo được sự công khai, minh bạch - một trong những mục tiêu mà việc nâng cao quản trị DN sau CPH hướng tới.
Những giải pháp có cả vĩ mô, có cả cụ thể đó được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình CPH cũng như thoái vốn tại DNNN sớm đạt được những mục tiêu đã đề ra.