Tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu đối với ngành Thép Việt Nam
Ngày 18/7/2023, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã tổ chức hội thảo ngành Thép Việt Nam ứng phó với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu (CBAM). Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thép sang châu Âu cũng như những doanh nghiệp quan tâm đến CBAM.
18/07/2023 14:47
Từ ngày 01/10/2023, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU - một công cụ chính sách mới của EU cho phép đánh thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu có mức phát thải cao - bắt đầu thực hiện giai đoạn chuyển tiếp. Trong đó, sắt thép là một trong các nhóm hàng hóa áp dụng đầu tiên (cùng với xi măng, nhôm, phân bón, hydrogen và điện).
Giai đoạn thực hiện đầy đủ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon dự kiến bắt đầu từ cuối năm 2026, khi đó nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh sẽ phải mua giấy chứng nhận của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và phải khai báo số lượng hàng hóa cũng như phát thải gắn liền trong những hàng hóa nhập khẩu vào EU.
Hội thảo ngành Thép Việt Nam ứng phó với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ những thông tin về việc ngành Thép Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao khi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM) có hiệu lực. Thông qua hội thảo, Hiệp hội Thép cũng như các doanh nghiệp trong ngành tìm kiếm các giải pháp để ứng phó với quy định mới này và tiếp tục khai thác hiệu quả thị trường EU.
Trình bày về tình hình triển khai cơ chế điều chỉnh carbon biên giới của EU và một số khuyến nghị cho doanh nghiệp Bà Lê Huyền Nga, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương đã cho biết những khái niệm và mức độ nguy hiểm, hệ lụy của rò rỉ carbon mà thế giới đang đối mặt. Và vì vậy, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon là một cơ chế rất cần thiết, nhất là đối với ngành Thép bởi ngành Thép được xem là ngành có nhiều nguy cơ gây tác hại cho môi trường. Bà Nga cũng chia sẻ những thông tin về trình tự, cách thức kê khai các thủ tục khai báo lượng phát thải cũng như thời gian tương ứng.
Về lâu dài, sản xuất xanh là xu thế chung, tất yếu của thế giới, không chỉ EU mà các thị trường khác cũng sẽ áp dụng những chính sách khắt khe về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe… với sản phẩm nhập khẩu. Các doanh nghiệp ngành Thép Việt Nam buộc phải có định hướng đổi mới sản xuất và các quy trình khác để bắt nhịp với xu thế đó và phát triển ổn định, bền vững trong tương lai. Và cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM) chính là một trong những điều kiện cần và đủ.
Minh Thuỷ (Tạp chí Công Thương)