Quy định lại phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa
31/12/2019 07:48
Trong thời gian qua, cơ chế, chính sách cho cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước luôn được Bộ Tài chính chú trọng từ việc đưa ra định hướng đến tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong từng thời kỳ triển khai. Dù vậy, Bộ Tài chính dự kiến tiếp tục sửa đổi các quy định liên quan đến cổ phần hóa.
Bất cập vẫn tồn tại
Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Nghị định này có một số đổi mới cơ bản như bổ sung đối tượng áp dụng Nghị định là các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ; xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 để tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách nhà nước.
Đồng thời, bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao; tăng cường xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá; tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực, trách nhiệm của các tổ chức tài chính trung gian, các công ty kiểm toán, tư vấn...
Những điểm đổi mới tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP đã góp phần khắc phục những hạn chế, tồn tại của cơ chế cổ phần hóa doanh nghiệp trước đây, giúp cho việc xác định giá trị doanh nghiệp phản ánh đầy đủ và đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước/doanh nghiệp nhà nước. Kết quả từ năm 2018 đến nay đã có 29 doanh nghiệp nhà nước hoàn thành công tác cổ phần hóa.
Song, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thời gian qua cho thấy chính sách về cổ phần hóa vẫn còn tồn tại một số bất cập, vướng mắc.
Có thể kể đến việc xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống chưa thực sự rõ ràng, gây nhiều lúng túng trong quá trình thực hiện và thực tế triển khai gặp khó khăn, khó xác định, khó quyết định do không có đủ hồ sơ tài liệu để xác định, không thuyết minh được căn cứ xác định giá trị lịch sử, bề dày truyền thống. Cơ quan đại diện chủ sở hữu (là các bộ, địa phương) và các bộ phận tham mưu không có chuyên môn để xác định giá trị này. Việc xác định này hoàn toàn mang tính chủ quan gây khó khăn cho cơ quan quyết định, đặc biệt là khi có thanh tra, kiểm toán có thể đưa ý kiến chủ quan xác định giá trị khác với quyết định của chủ sở hữu sẽ tạo tâm lý gây thất thoát vốn nhà nước trong khi giá trị thực tế khi cổ phần sẽ do thị trường quyết định khi đấu giá, còn giá khởi điểm chỉ là cơ sở giá ban đầu cho các nhà đầu tư tham khảo làm cơ sở đặt mua.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, thời gian vừa qua, khó khăn lớn nhất trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp là về đất đai. Việc tổ chức thực hiện sắp xếp nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; việc xây dựng và phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa của các doanh nghiệp kéo dài; quy định về thời hạn các địa phương có ý kiến về giá đất cụ thể để làm căn cứ xác định giá trị doanh nghiệp (30 ngày) theo phản ánh của các địa phương là không đủ để thực hiện, do đó cần phải điều chỉnh cho phù hợp.
Phải sắp xếp nhà đất mới đủ điều kiện cổ phần hóa
Xác định được những tồn tại này, Bộ Tài chính đã hoàn thiện việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126. Trong đó, đề xuất bãi bỏ nội dung quy định về xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống (nếu có) vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
Về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành có quy định toàn bộ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (trong đó gồm cả doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa và doanh nghiệp không thuộc diện cổ phần hóa) đều phải xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.
Trong quá trình triển khai cổ phần hóa, theo phản ánh còn có sự lúng túng trong triển khai xây dựng trình duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và việc triển khai xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa. Để tách bạch rõ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công với phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa của doanh nghiệp cổ phần hóa, dự thảo Nghị định bãi bỏ một số nội dung còn bất hợp lý, đồng thời bổ sung quy định hướng dẫn điều kiện cổ phần hóa phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và căn cứ vào phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa và thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để xây dựng phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cụ thể: Phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp. Trường hợp đề xuất sử dụng đất của doanh nghiệp chưa phù hợp với quy hoạch chung của địa phương và không đúng mục đích sử dụng đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước thì doanh nghiệp phải trả lại cho Nhà nước để sử dụng vào mục đích khác.
Giá trị tài sản trên diện tích đất phải trả lại cho Nhà nước (nếu có) doanh nghiệp cổ phần hóa bàn giao cho địa phương tiếp nhận, quản lý; đồng thời hạch toán giảm tài sản, giảm vốn nhà nước theo giá trị của tài sản trên sổ sách kế toán tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp cổ phần hóa báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu có văn bản gửi lấy ý kiến của địa phương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) về toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa (bao gồm ý kiến về sự phù hợp với quy hoạch chung của địa phương và mục đích sử dụng đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hình thức sử dụng đất và giá đất cụ thể tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp).
Hiện nay, dự thảo Nghị định vẫn đang được Bộ Tài chính xin ý kiến rộng rãi để tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ.