Quan điểm của V.I.Lê nin về phòng chống tham nhũng - Gợi ý cho Việt Nam

Những chỉ dẫn của Lênin về nguồn gốc, bản chất, tính chất và sự nguy hại của tệ quan liêu, tham nhũng cũng như sự cần thiết phải đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng đã được vận dụng sáng tạo và giải quyết phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia.

23/04/2018 15:56

Những chỉ dẫn của Lênin về nguồn gốc, bản chất, tính chất và sự nguy hại của tệ quan liêu, tham nhũng cũng như sự cần thiết phải đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng đã được vận dụng sáng tạo và giải quyết phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia.

Ngay từ những ngày đầu tiên xây dựng chính quyền Xô Viết và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, V.I.Lênin đã nhận diện rõ nạn tham ô, tham nhũng, hối lộ nảy sinh trong cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền và cảnh báo tham nhũng là căn bệnh cố hữu, len lỏi, phát triển thành ung nhọt, làm nhức nhối xã hội, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Nhiều quan điểm tiếp tục được vận dụng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Nhận diện tham nhũng và nguy hại của nó

Theo V.I.Lênin, gắn với quyền lực và quyền lực bị tha hóa nên quan liêu, tham nhũng, tham ô, hối lộ là người bạn đồng hành, là cơ sở, tiền đề cho nhau tồn tại và phát triển trong bộ máy nhà nước. Chúng đều có chung bản chất là lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để tư lợi cá nhân, sống ích kỷ, “ăn bám”, trên sức lao động của người khác. V.I.Lênin không chỉ nêu rõ: cùng với quan liêu, tệ nạn hối lộ đã phát triển, trở thành phổ biến mà còn cảnh cáo: “Hiện tượng điển hình của nước Nga là nạn hối lộ”(1), “nơi nào cũng có hối lộ” và “hiện giờ có ba kẻ thù chính đang đứng trước mỗi người, bất kể người đó làm việc gì, ở cương vị nào… kẻ thù thứ nhất - tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa; kẻ thù thứ hai - nạn mù chữ; kẻ thù thứ ba - nạn hối lộ”(2).

Bản chất của quan liêu là do tư tưởng ham địa vị, ham lợi và việc chạy theo quan tước, chức quyền,v.v.. của một tầng lớp đặc biệt, gồm những người chuyên môn trong ngành hành chính, được hưởng một địa vị đặc quyền so với nhân dân. Theo V.I.Lênin: “Chủ nghĩa quan liêu có thể dịch ra tiếng Nga bằng danh từ: chủ nghĩa địa vị. Chủ nghĩa quan liêu, tức là đem lợi ích của sự nghiệp phục tùng lợi ích của tư tưởng danh vị, tức là hết sức chú trọng đến địa vị mà không đếm xỉa đến công tác; tức là tranh giành nhau để được bổ tuyển”(3). Còn tham nhũng là lợi dụng vị trí công tác để làm lợi cho cá nhân. Những cán bộ, công chức nhà nước khi đã biến mình thành kẻ quan liêu, sẽ chỉ chăm chăm tới tư lợi mà không đếm xỉa đến lợi ích của nhà nước, của nhân dân và xã hội. Cả quan liêu và tham nhũng đều có nét tương đồng là: lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để tư lợi cá nhân, làm suy giảm quyền lực nhà nước.

Quan liêu, tham nhũng bắt nguồn từ tư tưởng thích chức quyền, ham giàu sang phú quý, “ăn trên ngồi trốc”, vốn là tàn dư của chế độ cũ còn rớt lại. Để khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng,nhất thiết phải giảm bớt sự cồng kềnh, chồng chéo trong tổ chức bộ máy; phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; phải gắn chặt trách nhiệm, nghĩa vụ với quyền lợi của người lao động.

V.I. Lênin khẳng định trong bức thư gửi trước sự vụ tòa án Mátxcơva xử nhẹ một vụ ăn hối lộ rằng, “không xử bắn bọn ăn hối lộ mà xử nhẹ như thế là một việc xấu hổ cho những người cộng sản”. Người nhấn mạnh: Tính chất, mức độ và tác hại của căn bệnh quan liêu, tham nhũng, ăn hối lộ có khác nhau, nên việc xử lý đối với cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh này cũng không giống nhau. V.I. Lênin cũng cảnh báo hai khuynh hướng sai lầm có thể gặp phải khi đấu tranh hạn chế, khắc phục quan liêu, tham nhũng do không hiểu hết tính chất phức tạp, nguy hiểm của nó trong đời sống xã hội cũng như trong bộ máy nhà nước: 1) Cho rằng đó là thuộc tính của xã hội có phân chia giai cấp, nhà nước nên sự xuất hiện và tồn tại của nó là tất yếu, con người chỉ có thể hạn chế mà không xóa sạch nó; 2) Quan niệm giản đơn, đây là căn bệnh dễ chữa trị nên có thể hạn chế, khắc phục nó chỉ trong thời gian ngắn. Thực ra, “cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu đòi hỏi hàng chục năm. Đây là cuộc đấu tranh cực kỳ khó khăn”(4).

Điều quan trọng là cần phải xây dựng cơ chế phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng và những thói hư, tật xấu của bộ máy công quyền, cụ thể là: “Cần thiết và cấp bách phải tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu”(5); cần phải có thái độ dứt khoát, kiên quyết trong cuộc chiến này: “Bất cứ biểu hiện nào của thái độ quan liêu dù nhỏ đến đâu cũng sẽ bị trừng phạt”(6). Đồng thời, phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng, khỏi bộ máy nhà nước những kẻ quan liêu, tham nhũng: “Tôi rất mong chúng ta có thể đuổi ra khỏi đảng từ 10 vạn đến 20 vạn người đã len lỏi vào đảng và đã không những không biết đấu tranh chống bệnh giấy tờ cùng nạn hối lộ, mà còn cản trở cuộc đấu tranh này”(7).

Đối với những kẻ tham nhũng, V.I. Lênin yêu cầu phải “lay động các tòa án nhân dân và dạy cho họ biết trừng trị một cách không thương xót, kể cả việc đem bắn, và nhanh chóng những kẻ lạm dụng chính sách kinh tế mới”(8); đồng thời, biến mỗi vụ án thành một sự kiện chính trị. Đặc biệt, đối với đối tượng tham nhũng là những cán bộ Đảng và Nhà nước phải trừng phạt nghiêm khắc để làm gương: “Đối với người cộng sản phải trừng phạt nặng hơn gấp ba lần so với những người ngoài đảng”(9). Nhấn mạnh sự cần thiết và ý nghĩa của việc nâng cao phẩm chất, năng lực cán bộ, đảng viên đối với việc ngăn ngừa tệ quan liêu, tham nhũng, V.I.Lênin chỉ rõ, nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là “lựa chọn người; thiết lập chế độ trách nhiệm cá nhân đối với việc đang làm; kiểm tra công việc thực tế”(10).

Vận dụng quan điểm của Lênin

Những chỉ dẫn của Lênin về nguồn gốc, bản chất, tính chất và sự nguy hại của tệ quan liêu, tham nhũng cũng như sự cần thiết phải đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng đã được vận dụng sáng tạo và giải quyết phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, trong các nghị quyết của Đảng cũng như trong quá trình chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đảng ta nhận thức rõ: chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng. Tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; nhất là, không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, chưa đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm… đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng và chế độ.

Thể hiện quyết tâm trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham ô, tham nhũng, văn kiện các Đại hội của Đảng và nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng đã ra đời. Trong đó, nhấn mạnh nguyên tắc: đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải gắn chặt với đổi mới kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; với đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Đảng; với chống quan liêu, lãng phí. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì và thận trọng, không nóng vội, không chủ quan; sử dụng nhiều biện pháp, trong đó lấy giáo dục làm cơ sở, lấy pháp chế làm đảm bảo. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải kết hợp giữa xây và chống, phòng ngừa gắn với xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng; được tiến hành một cách chủ động, với sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện ở mọi cấp, mọi ngành…

Vận dụng quan điểm của Lênin trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục phải: 1) Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp trong cải cách hành chính toàn diện về thể chế, bộ máy. 2) Chú trọng công tác đào tạo và chọn lọc cán bộ có phẩm chất đạo đức, thành thạo về chuyên môn, nghề nghiệp. 3) Phát huy dân chủ, gắn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với từng bước hiện thực hóa các giá trị dân chủ. 4) Tăng cường sự minh bạch, công khai trong cơ quan chính quyền và người có chức quyền. 5) Phát huy vai trò của báo chí, truyền thông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật của tầng lớp nhân dân. 6) Tăng cường cơ chế giám sát, tăng cường sự giám sát của nhân dân và cơ quan dân cử. 7) Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng; kỷ luật đi cùng với biểu dương, khen thưởng. 8) Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng…

(1), (8), (9), (10) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1978, t.44, tr.214, 486, 487, 452.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.37, tr.511.

(3) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.424.

(4) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.42. tr.309.

'(5) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.38, tr.115.

(6), (7) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.39, tr.350, 214.