Phòng vệ thương mại: Muốn khởi kiện phải có thông tin

Tính đến nay, số vụ điều tra về phòng vệ thương mại do doanh nghiệp Việt Nam khởi xướng mới chỉ 6 vụ. Trong khi đó, đã có khoảng 100 vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam ở nước ngoài.

10/06/2016 14:30

Tính đến nay, số vụ điều tra về phòng vệ thương mại do doanh nghiệp Việt Nam khởi xướng mới chỉ 6 vụ. Trong khi đó, đã có khoảng 100 vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam ở nước ngoài.

Tại sao lại có sự mất cân đối tương quan điều tra phòng vệ thương mại như vậy? Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI cho rằng, nguyên nhân chính là vì doanh nghiệp Việt Nam thiếu thông tin.

Doanh nghiệp trong nước bị động

Trong quá trình mở cửa hội nhập, các hàng rào thuế quan giữa các quốc gia sẽ dần được dỡ bỏ và đưa về mức 0 – 5%. Các hiệp định thương mại tự do FTA hiện nay có xu hướng 99% dòng thuế được đưa về mức này. Chính vì vậy, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) được xem là một cứu cánh để bảo hộ, bảo vệ sản xuất trong nước.

Nếu nhìn ở góc độ hành lang pháp lý thì, từ năm 2002, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành pháp luật về tự vệ. Tuy nhiên, phải đến năm 2009 lần đầu tiên Việt Nam mới khởi xướng vụ việc tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng kính nổi trong xây dựng theo đề nghị của đại diện các nhà sản xuất kính nổi trong nước. Và cũng phải đợi đến năm 2012, Việt Nam khởi xướng vụ việc tự vệ toàn cầu thứ hai đối với mặt hàng dầu thực vật tinh luyện.

Còn đối với việc khởi kiện chống bán phá giá, từ năm 2004, chúng ta đã có pháp lệnh về chống bán phá giá, chống trợ cấp hàng nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2013 vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên mới được khởi xướng là thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.

DN nội thiếu thông tin

Lý giải việc vì sao doanh nghiệp trong nước lại khá “rụt rè” áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trước hàng hóa nhập khẩu, bà Trang cho rằng, phòng vệ thương mại phải bắt đầu từ chính các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Tuy nhiên, muốn đi khởi kiện thì phải có thông tin. Theo một kết quả điều tra của VCCI, chỉ có 3,09% doanh nghiệp cho biết họ có thể tập hợp được thông tin chứng minh thiệt hại trong nước. Chỉ 1,01% doanh nghiệp có thể tập hợp được thông tin về hiện tượng nhập khẩu ồ ạt…

Thực tế trên cũng có thể giải thích được vì sao trong số 6 vụ điều tra của Việt Nam thì có tới 4 vụ là điều tra tự vệ. Theo bà Trang, điều tra tự vệ chỉ cần từ phía trong nước không giống như điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp thì phải cần cả thông tin ở thị trường nước bạn. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia rất ít khi sử dụng công cụ này, bởi vì khi áp thuế tự vệ thì bản thân nước sở tại phải bồi thường cho nước bị áp thuế.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến hết 2015, doanh nghiệp trong nước đã phải chịu trận 96 vụ điều tra phòng vệ thương mại. Trong đó, chỉ riêng điều tra chống bán phá giá đã là 72 vụ.

Muốn thay đổi tương quan về sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, đại diện VCCI khuyến cáo, việc đầu tiên phải từ chính những cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải doanh nghiệp. Thế giới không coi các thông tin về thương mại là mật và sẵn sàng cung cấp cho doanh nghiệp. Tại sao Việt Nam thì lại khó khăn đến vậy?