Phòng, chống tham nhũng: Cần nhiều giải pháp đồng bộ
29/06/2016 15:00
Mặc dù chính sách và pháp luật Việt Nam công nhận và quy định về vai trò của các chủ thể xã hội trong đấu tranh chống tham nhũng, nhưng vẫn còn thiếu những đảm bảo pháp lý và những điều kiện cơ bản để những đối tượng này phát huy hết vai trò trong PCTN.
Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo bước đầu tiếp cận 10 năm thực hiện Luật PCTN do Viện Chính sách công và pháp luật (IPL) tổ chức hôm 28/6 với các chuyên gia đến từ Văn phòng Quốc hội, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ…
Khoảng trống pháp lý
Theo Kế hoạch của Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN, đến nay, các Bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đang tích cực tổng kết 10 năm thi hành luật này và đây cũng là dự án Luật sẽ được sửa đổi, bổ sung trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Theo ông Đỗ Quốc Văn, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Thanh tra Chính phủ), thực tiễn thi hành Luật PCTN cho thấy, hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ là phổ biến, nhất là tại cấp cơ sở. Tham nhũng vặt diễn ra tràn lan, phổ biến, trong mọi hoàn cảnh. Theo đó, các hành vi đưa và nhận hối lộ hầu như không loại trừ đối với người dân nào... Cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn hiện rất yếu; việc kê khai tài sản, thu nhập được thực hiện một cách tràn lan, hình thức theo kiểu “trống giong cờ mở” mà không có sự lựa chọn; pháp luật chưa xử lý được tình huống tài sản tăng thêm mà không giải trình rõ nguồn gốc.
Số liệu công bố tại hội thảo cũng cho thấy, chỉ tính riêng 5 năm (2007-2012), cả nước có 678 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 101 trường hợp, xử lý kỷ luật 577 trường hợp. Còn Báo cáo khảo sát 10 năm thi hành Luật PCTN (được tổ chức ngày 24/3/2016), đại diện Công ty tư vấn Monaco đã khảo sát 1.098 người thuộc 3 nhóm đối tượng (cán bộ công chức, cán bộ doanh nghiệp, người dân) trên cả nước cũng chỉ ra, tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp. Các nhóm đối tượng được khảo sát đều bình chọn tham nhũng là một trong ba vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay, trong đó, cán bộ công chức xếp tham nhũng là vấn đề số 1 trong các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường. Tỷ lệ người dân trả chi phí ngoài quy định và các nhóm xã hội quan tâm đến tham nhũng là không đổi trong 10 năm gần đây. Tham nhũng không giảm trong 10 năm qua, việc thi hành biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn hạn chế, nhất là các biện pháp tác động đến cá nhân. Hiệu quả thực hiện cơ chế phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng chưa cao. Tỷ lệ tài sản tham nhũng được thu hồi rất thấp (chỉ 3,8% đối tượng khảo sát cho rằng tỷ lệ thu hồi là cao).
Phòng, chống tham nhũng: Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Các ý kiến cũng cho rằng, hiệu quả phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn thấp. Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở và chủ yếu là đối tượng trực tiếp thực hiện; số vụ việc, vụ án có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo còn chiếm tỷ lệ cao, tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng được thu hồi và bồi thường còn rất hạn chế.
Những tồn tại, hạn chế của việc thực hiện Luật PCTN được khẳng định xuất phát từ chính những bất cập của Luật PCTN như việc xử lý hành chính hành vi tham nhũng là khoảng trống rất lớn và hầu như chưa được thực hiện. Cùng với đó, Luật cũng chưa quy định rõ về tài sản tăng thêm không rõ nguồn gốc và phương thức xử lý đối với những tài sản này nên pháp luật hiện hành vẫn thiếu các biện pháp hữu hiệu nhằm truy nguyên nguồn gốc tài sản. Pháp luật cũng thiếu quy định rõ thu hồi tài sản tham nhũng ở trong nước và có yếu tố nước ngoài; chưa quy định rõ các trường hợp thu hồi tài sản tham nhũng trước và sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật;…
Cần cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng
Trong khi hiệu quả phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn thấp, các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện chủ yếu thông qua tố cáo. Song đến nay vẫn chưa có quy chế để bảo vệ người tố cáo tham nhũng.
Theo Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, từ năm 2011 đến 31/3/2015, các cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận 699 yêu cầu bảo vệ của người tố cáo, trong đó có 99 yêu cầu bảo vệ trong các vụ việc tham nhũng. Chỉ có khoảng 1/3 số yêu cầu (32%) được tiến hành; trong đó chỉ có 21 trường hợp liên quan đến tố cáo tham nhũng. Lý do phổ biến khiến người dân e ngại tố cáo tham nhũng là “chẳng thay đổi được gì” (51%) và “sợ gánh chịu hậu quả” (28%). Theo khảo sát của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới, 62% số người được hỏi trả lời lý do khiến họ không tố cáo tham nhũng là “sợ bị trả thù”.
Kết quả từ việc phòng chống tham nhũng chưa cao có nhiều nguyên nhân, trong đó có thực trạng là người tố cáo vẫn tỏ ra e ngại, sợ sệt và không tích cực hợp tác với cơ quan nhà nước trong kiểm tra, xác minh và xử lý tố cáo. Việc thiếu đi cơ chế bảo vệ càng khiến người tố cáo cảm thấy đơn độc và bị cô lập.
Thực tế cho thấy đa số các trường hợp tố cáo trong thực tế, được phản ánh trên báo chí cũng cho thấy: người tố cáo luôn có nguy cơ bị trù dập, trả thù. Như trường hợp của ông Lê Xuân Mậu (nguyên cán bộ Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam), người đã tố cáo Tổng Giám đốc Công ty về hàng loạt sai trái tại doanh nghiệp, ông Lê Phước Cẩm, người đã vạch trần vụ phá rừng Khe Diên (Quảng Nam)… Các chuyên gia cũng nhận định, các cơ quan bảo vệ người tố cáo quá nhiều nhưng chồng chéo về chức năng mà không có cơ quan chuyên biệt bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Các biện pháp, điều kiện bảo vệ người tố cáo còn mang tính định tính, chưa được cụ thể hóa.
Do vậy, cần phải thiết lập một cơ quan chuyên trách về bảo vệ người tố cáo tham nhũng để khuyến khích người dân tham gia PCTN. Hoàn thiện thủ tục giải quyết yêu cầu bảo vệ người tố cáo và cụ thể hoá các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Theo đó, pháp luật PCTN cũng cần có các quy định cụ thể về các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng tương ứng với các quy định trong Luật Tố cáo đối với yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, vị trí, việc làm và thu nhập của người tố cáo.
ThS. Nguyễn Văn Thịnh (Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an) kiến nghị, cần ban hành Luật Bảo vệ người tố cáo. Trong đó thiết lập chương trình bảo vệ nhằm bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ.
Các ý kiến khác cũng cho rằng, bảo vệ người tố cáo tham nhũng là vấn đề cốt yếu, vì nếu bảo vệ không tốt thì bản thân người tố cáo cũng sẽ bị phân tâm, lo ngại về việc phải đánh đổi sự an toàn của bản thân, gia đình khi tố cáo tham nhũng.