Phòng, chống bệnh “kiêu ngạo cộng sản” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay
16/11/2018 16:01
Ngay từ những ngày đào tạo, bồi dưỡng các hạt giống cán bộ đầu tiên, Bác Hồ đã sớm nhận ra những biểu hiện, tính nguy hại của bệnh “kiêu ngạo cộng sản”. Nhận diện và đấu tranh phòng, chống bệnh “kiêu ngạo cộng sản” cũng là vấn đề rất cần thiết hiện nay.
Kiêu ngạo - xa nhân tâm quần chúng, tạo cho mình kẻ thù
Ngay từ rất sớm, trong những bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức ở Quảng Châu (Trung Quốc) từ năm 1925 đến năm 1927 được tập hợp lại và xuất bản thành sách Đường Kách mệnh năm 1927, khi bàn về “Tư cách của người cách mạng” đã chỉ rõ: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo” [1]. Như vậy, theo Người, tư cách của người cách mạng chân chính không có chỗ ngự trị cho bệnh “kiêu ngạo cộng sản”.
Nguyễn Ái Quốc đã nhận diện rõ những biểu hiện của bệnh kiêu ngạo của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) và tính nguy hại khôn lường của nó. Trong tác phẩm Người cách mạng mẫu mực, Người viết: “Không kiêu ngạo. Kẻ kiêu ngạo thì xa lánh nhân tâm quần chúng và tạo cho mình kẻ thù. Người cách mạng mẫu mực phải khiêm tốn, khoan hòa, lượng thứ, can đảm khi sa cơ, bình tĩnh khi thắng thế, không bao giờ được quên rằng cuộc đời mình và sự nghiệp của mình thuộc về toàn nhân loại chứ không thuộc về mình” [2]. Người giải thích rõ hơn: “Kiêu ngạo-Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ” [3].
Quan điểm này là sự cụ thể hóa và phát triển quan điểm của V.I.Lênin về “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa”. Trong bài viết Chính sách kinh tế mới và Những nhiệm vụ của các ban giáo dục chính trị để báo cáo tại Đại hội II toàn Nga các ban giáo dục chính trị ngày 17-10-1921, V.I.Lênin đã vạch ra ba thứ kẻ thù chính-kẻ thù “nội xâm” mà những người cộng sản Nga phải kiên quyết đấu tranh tiêu diệt chúng. Một trong ba thứ kẻ thù ấy, kẻ thù mà V.I.Lênin nói đến đầu tiên, chính là “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa”, tức “tưởng rằng chỉ bằng những pháp lệnh cộng sản là có thể giải quyết được tất cả mọi nhiệm vụ của mình”. V.I.Lênin cảnh báo, rằng “Không có gì nguy hại và tai hại đối với chủ nghĩa cộng sản bằng thói lên mặt ta đây là cộng sản” [4]; rằng “nếu một người cộng sản cứ tưởng rằng ta biết tất cả rồi… thì chính cái tâm trạng ngự trị trong chúng ta đó làm cho chúng ta thất bại” [5].
|
Trong tác phẩm Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn, Hồ Chí Minh một lần nữa cắt nghĩa bệnh kiêu ngạo và chỉ ra hậu quả khôn lường của nó: “Kiêu ngạo là: Khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Rồi đối với việc học tập thì lười biếng, không ra sức nâng cao trình độ của mình. Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng. Ở trong Đảng thì không thực hiện chế độ dân chủ tập trung, không tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Phớt kỷ luật và chính sách của Đảng và của Chính phủ. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên. Không muốn chịu kiểm tra, không muốn nghe phê bình. Thân với những kẻ xu nịnh tâng bốc mình. Xa tránh những người tính trực nói thẳng... Kết quả của bệnh kiêu ngạo là: Thoái bộ, xuống dốc, rồi đi đến bất mãn, hủ hóa” [6].
Đó là những CB, ĐV mà “số người ấy không hiểu sức mạnh của Đảng chính là ở sự tập trung thống nhất, ở kỷ luật sắt của Đảng. Họ ít gắn bó với tổ chức, không tin ở lực lượng và trí tuệ của tập thể. Họ sống và làm việc một cách riêng rẽ, không đoàn kết và hợp tác với người khác. Hễ có đôi chút hiểu biết, đôi chút thành công thì tự cao tự đại, vênh vang kiêu ngạo, tự cho mình tài giỏi hơn người. Ở cương vị phụ trách thì tự cho mình có quyền hơn hết thảy, định đoạt mọi việc; ở ngành nào, địa phương nào thì coi đó như một giang sơn riêng, không biết đến lợi ích toàn cục. Họ coi thường những quyết định của tổ chức, họ là những "ông quan liêu", chỉ thích dùng mệnh lệnh đối với đồng chí và nhân dân” [7].
Nguồn gốc bệnh “kiêu ngạo” từ đâu?
Theo Hồ Chí Minh, bệnh “kiêu ngạo” của CB, ĐV không tự nhiên sinh ra, không thuộc về bản chất vốn có của họ, lại càng không phải bản chất của Đảng ta, nó do nguyên nhân khách quan và chủ quan mang lại. Về nguyên khách quan, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người cho rằng, “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa v.v.. Những thói xấu đó có đã lâu, nhất là trong 80 năm nô lệ. Những thói xấu đó, họ mang từ xã hội vào Đảng. Cũng như những người hàng ngày lội bùn, mà trên mình họ có hơi bùn, có vết bùn. Như thế thì có gì là kỳ quái? Vì lội bùn thì nhất định có hơi bùn. Cần phải tắm rửa lâu mới sạch. Trái lại, nếu lội bùn mà không có hơi bùn, mới thật là kỳ quái. Nếu trong Đảng ta, một đảng mới từ trong xã hội cũ bước ra, nếu nó hoàn toàn không có những người xấu, việc xấu như thế mới là kỳ quái chứ! Cố nhiên nói thế không phải là để tự bào chữa” [8].
Những tư tưởng “thâm căn cố đế” của xã hội cũ vẫn còn ăn sâu, bám chặt vào nhận thức, tư tưởng, hành vi của họ: “Nhưng chúng ta cũng phải nhận rằng: Ảnh hưởng xấu của xã hội cũ làm cho một số đảng viên và cán bộ (trong Đảng và ngoài Đảng) hủ hóa. Họ tưởng rằng cách mạng là cốt để làm cho họ có địa vị, được hưởng thụ. Do đó mà họ mắc những sai lầm: Kiêu ngạo, chưng diện, hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi, không tiết kiệm đồng tiền bát gạo là mồ hôi nước mắt của nhân dân” [9].
Về nguyên nhân chủ quan, Người cho rằng, nó xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân mà ra: “Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra bệnh quan liêu. Kềnh càng. Kiêu ngạo. Chậm chạp. Làm cho qua chuyện. Ham chuộng hình thức” [10]. Theo Người, nguyên nhân chủ yếu là “Đảng ta là một đảng có tính chất quần chúng, có hàng chục vạn đảng viên. Vì hoàn cảnh nước ta mà số đông đảng viên thuộc thành phần tiểu tư sản. Điều đó không có gì lạ. Dù vì ảnh hưởng của tư tưởng tư sản mà lúc đầu có đảng viên lập trường thiếu vững chắc, quan điểm còn mơ hồ, tư tưởng thiếu đúng đắn, nhưng được rèn luyện trong cách mạng và trong kháng chiến, nói chung đảng viên ta là tốt, trung thành với Đảng, với cách mạng…". Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng , Người một lần nữa nhắc lại: “Nhưng vẫn có một số ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại. Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài Đảng. Họ không biết rằng: Có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm” [11].
Phương thức khắc phục bệnh “kiêu ngạo”
Hồ Chí Minh đã chỉ ra những phương thức khắc phục bệnh này. Theo Người, để thủ tiêu được kẻ thù nguy hại và tai hại này, trước hết, CB, ĐV phải nhận thức rõ rằng không thể xây dựng chủ nghĩa cộng sản bằng việc chỉ dựa vào những kết luận cộng sản và chỉ thuộc lòng những khẩu hiệu cộng sản. Người yêu cầu: “Chúng ta phải cố gắng làm, cố gắng học, cố gắng tiến bộ mãi… Chúng ta phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn luôn khiêm tốn. Mọi công tác phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra. Trong đoàn thể thì phải giữ vững dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo, phải mở rộng tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên trên… Khiêm tốn là một đạo đức mà mọi người cách mạng phải luôn luôn trau dồi” [12].
Theo Người, phải biết gạt bỏ thái độ huênh hoang cộng sản, tính tự phụ kiểu trí thức, “tính tự cao tự đại của người cộng sản”. Người đã từng cảnh báo thái độ tự cao tự đại cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các đảng cách mạng đi đến chỗ tiêu vong. Người nhấn mạnh: “Phải khiêm tốn, thật thà… Không ai có thể tự xưng mình là giỏi lý luận. Do đó phải nêu cao tinh thần khiêm tốn, thật thà. Đào sâu suy nghĩ khi nghiên cứu các tác phẩm của Mác-Lênin, các bài giảng của các đồng chí giáo sư bạn, khiêm tốn học tập các đồng chí giáo sư bạn, cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập” [13]. Phê phán thái độ tự cao tự đại, trong tác phẩm “Anh hùng” giả, anh hùng thật, Người chỉ ra: “Anh hùng giả là những người có độ lượng nhỏ bé, như cái vỏ hến, một giọt nước cũng đủ đầy tràn. Khi có chút ít thành tích, thì họ liền ra mặt “anh hùng”. Họ không hiểu rằng: Có thành tích đó là nhờ lực lượng của quần chúng, nhờ chính sách của đoàn thể. Họ tự cao tự đại, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, không cầu tiến bộ nữa” [14].
Phải tăng cường mối liên hệ của Đảng, của CB, ĐV đối với quần chúng được Hồ Chí Minh coi là rất cần thiết. Trong tác phẩm Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội, Người yêu cầu: “Phải yêu kính nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng” ra lệnh ra oai… Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo; phải thực sự cầu thị, không được chủ quan. Phải luôn luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng. Phải “chí công vô tư”, và có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Đó là đạo đức của người cộng sản” [15]. Đồng thời, phải ra sức học tập ở nhân dân: “Chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà lại phải học hỏi quần chúng”. Câu đó nghĩa là gì? Nghĩa là: Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình… Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”[16].
Những lời căn dặn của Bác Hồ về phòng, chống bệnh “kiêu ngạo cộng sản” vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Chúng ta cần vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống bệnh “kiêu ngạo cộng sản” trong quán triệt và thực hiện triệt để Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng và nhất là thực hiện Quy định “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương” theo tinh thần Hội nghị lần thứ 8, khóa XII; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đây là các nghị quyết, chỉ thị căn bản của Đảng ta, nếu được quán triệt và thực hiện tốt, thì chẳng những khắc phục có hiệu quả bệnh “kiêu ngạo cộng sản” của CB, ĐV, mà còn giúp xây dựng đội ngũ CB, ĐV “vừa hồng, vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới.
----------------------------------
[1], [2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr. 280, tr. 415
[3] Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập t 4, tr. 66
[4]V.I.Lênin, Toàn tập, tập 52, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.159
[5] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 45, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.117
[6], [12], (14] Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, tr. 507; tr. 507-508; tr. 338
[7] Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập14, tr. 469
[8], [10], (16] Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tr. 303; tr. 624; tr. 325
[9], [17] Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, tr. 508-509; tr. 467
[11], (13] Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, tr. 608; tr. 98
[15] Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập13, tr. 67.