Nhiều câu hỏi xung quanh dự án thép nghìn tỷ ở Quảng Nam

Vụ việc UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý về chủ trương dời nhà máy thép nghìn tỷ lên thượng nguồn sông Vu Gia trong khi những sự cố môi trường gây ra bởi dự án Formosa ở Hà Tĩnh vẫn còn chưa được giải quyết xong đã trở thành tâm điểm của dư luận xung quanh dự án này.

13/10/2016 17:23

Vụ việc UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý về chủ trương dời nhà máy thép nghìn tỷ lên thượng nguồn sông Vu Gia trong khi những sự cố môi trường gây ra bởi dự án Formosa ở Hà Tĩnh vẫn còn chưa được giải quyết xong đã trở thành tâm điểm của dư luận xung quanh dự án này.

Trong khi người dân khu vực hạ lưu của tỉnh Quảng Nam và chính quyền TP Đà Nẵng đang lo ngại về rủi ro môi trường, thì việc chính quyền tỉnh Quảng Nam thông qua các văn bản, quyết định liên quan đến dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại huyện Nam Giang cho thấy tỉnh này dường như rất sự ủng hộ cho Công ty TNHH Thép Việt Pháp xây Nhà máy luyện cán thép tại khu vực đầu nguồn sông Vu Gia – nơi cung cấp khoảng 250.000 m3/ngày nguồn nước cho Nhà máy nước Cầu Đỏ TP Đà Nẵng để cung cấp nước sạch cho 99% người dân tại Đà Nẵng và khoảng 1,7 triệu dân ở vùng Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An, Duy Xuyên, Đà Nẵng.

Việc cho phép hay không cho phép hình thành dự án có lẽ bây giờ đang phụ thuộc – nói như ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam là vào các thủ tục đánh giá tác động môi trường. Nhưng trong thời gian chờ có những quyết định cuối cùng, dư luận đang đặt ra hàng loạt câu hỏi xung quanh dự án này.

Đầu tiên là hiệu quả kinh tế mà dự án mang lại bởi xét cho cùng, việc thu hút đầu tư, phát triển tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển thì mục tiêu cuối cùng vẫn là thu ngân sách và phát triển kinh tế xã hội. Với dự án nhà máy thép Việt Pháp, theo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Nam thì hiệu quả mang lại theo báo cáo của doanh nghiệp chưa có tính thuyết phục bởi qua thực tế dự án luyện cán thép Việt Pháp mà chủ đầu tư đã thực hiện tại Cụm công nghiệp và Thương Tín I, Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đang thuộc diện phải di dời, đóng góp ngân sách hàng năm không đáng kể. Theo số liệu của Cục Thuế Quảng Nam, năm 2014 dự án nộp ngân sách 3 triệu đồng và năm 2015 là 12,6 triệu đồng. Vậy nên, với việc di dời nhà máy lên thượng nguồn sông Vu Gia thì liệu nhà máy này có hoạt động khá hơn, nộp ngân sách nhiều hơn để Quảng Nam có thể bất chấp tất cả như vậy?

Thứ hai, tính bền vững trong phát triển của dự án này? Trong văn bản mà UBND tỉnh Quảng Nam gửi cho TP Đà Nẵng có ghi rõ: Từ năm 2010, tỉnh Quảng Nam đã thống nhất cho phép đầu tư dự án tại Cụm công nghiệp Thương Tín 1, tại huyện Điện Bàn, với quy mô 3ha. Tuy nhiên khi Nhà máy đi vào hoạt động đã gây ra tiếng ồn và khí thải từ ống khói. Mặt khác, do gần với khu vực đông dân cư nên dẫn đến sự phản đối của người dân. Câu hỏi được đặt ra là khi di dời nhà máy lên khu vực mới, UBND tỉnh có đảm bảo tình hình này sẽ không lặp lại, và nếu xảy ra sự cố ô nhiễm thì liệu việc di dời nhà máy có tiếp tục tái diễn, ngân sách có tiếp tục phải bỏ ra để đền bù hỗ trợ việc di dời bởi theo một nguồn tin thì Công ty Việt Pháp đề nghị nhà nước hỗ trợ 123,85 tỉ đồng để di dời nhà máy này lên vùng Nam Giang. Trong khi đó, như đã nói ở trên, số liệu từ Cục Thuế Quảng Nam cho thấy công ty này đóng thuế khá “èo uột” thì việc hỗ trợ này sẽ dựa vào căn cứ nào?

Thứ ba, việc di dời nhà máy thép Việt Pháp phải được đặt được trong bối cảnh phát triển chung của Quảng Nam – Đà Nẵng, đặc biệt là khi khu vực này nằm ở thượng nguồn sông Vu Gia – nơi cung cấp nguồn nước cho 99% người dân ở TP Đà Nẵng – bởi nếu một sự cố về môi trường xảy ra thì hậu quả gây ra sẽ là không lường. Bên cạnh đó cần phải xem xét nó có thể còn tác động đến du lịch, đặc biệt là du lịch biển – thế mạnh của Đà Nẵng và Quảng Nam.

Do đó, theo nhiều chuyên gia, đối với dự án này, cần phải tính toán một cách tổng thể, kỹ lưỡng lợi ích giữa làm thép và du lịch, khi hai địa phương này có rất nhiều lợi thế phát triển du lịch, đặc biệt là Quảng Nam bởi tỉnh này có đến hai di sản văn hoá thế giới là Mỹ Sơn và Hội An. “Có cần thiết phải đánh đổi một khi sự cố môi trường xảy ra không?” – một chuyên gia đặt câu hỏi.

Thứ tư là yếu tố công khai minh bạch trong việc thu hút và ưu đãi đầu tư. Liệu tỉnh Quảng Nam có quá vội vàng khi ra Thông báo số 420/TB-UBND thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam với diện tích khoảng 17,3 ha? Bởi theo văn bản số 597/SKHĐT- HTĐT của Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Nam thì Dự án luyện cán thép Việt Pháp của Công ty TNHH Thép Việt Pháp dự kiến sẽ đầu tư mới với quy mô 975 tỷ đồng là dự án lớn, chưa nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt?

Trong nhiều Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định mục tiêu của Chính phủ mới là xây dựng môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch, cam kết “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng”.

Với quyết định vội vàng khi dự án chưa nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt, liệu tỉnh Quảng Nam có ưu ái cho Công ty TNHH Thép Việt Pháp hay không? Liệu có sự cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác không? Bởi chuyện các doanh nghiệp “bắt tay”, “đi đêm” với các cơ quan quyết định chính sách để có các quyết định mang tính tư lợi, chủ nghĩa thân hữu – đang là “nỗi đau” nhức nhối của nước ta nên rất cần làm rõ những điều này. Và một khi thông tin đến với người dân và các doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư tại Quảng Nam càng đầy đủ và minh bạch thì niềm tin của người dân vào Chính quyền các cấp sẽ được củng cố và ngược lại, nếu không rõ ràng, minh bạch thì nguy cơ niềm tin xói mòn là hiện hữu.

Thứ năm, cũng là vấn đề quan trọng nhất là quan ngại về vấn đề môi trường, không chỉ cho riêng Quảng Nam mà là toàn bộ khu vực Trung bộ. Bài học về tác động môi trường của sự cố Formosa tại Hà Tĩnh với toàn bộ khu vực Bắc Trung bộ vẫn đang nóng, và không biết bao giờ mới giải quyết xong, không lẽ Quảng Nam lại làm ngơ? Liệu tỉnh Quảng Nam có cam kết trong suốt vòng đời của dự án này sẽ không xảy ra bất cứ sự cố về môi trường nào? Bởi theo các chuyên gia, riêng đối với các dự án thép, nếu tính đúng, tính đủ chi phí về môi trường vào dự án thì các doanh nghiệp thép sẽ khó có thể có lãi và ngược lại, nếu doanh nghiệp thép có lãi chắc chắn môi trường bị hủy hoại. Điều này cũng một lần nữa được khẳng định trong văn bản số 597/SKHĐT-HTĐT của Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Nam khi Sở này cho rằng địa điểm thực hiện dự án luyện cán thép Việt Pháp với quy mô 17ha tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam là khu vực đầu nguồn thuộc vùng núi cao, lại nằm sát đường lộ và nhiều hộ dân đang sinh sống dọc đường nên các hộ dân này phải di dời nên cần xem xét kỹ việc ảnh hưởng về môi trường đối với khu dân cư, nhà dân gần nhất để khi nhà máy đi vào hoạt động, tránh sự khiếu kiện từ người dân về ô nhiễm môi trường, đặc biệt xem xét ảnh hưởng của dự án trên đối với các quy hoạch về phát triển đô thị và dân cư ở khu vực lân cận.

“Trong thời gian qua, dự án luyện thép Formosa Hà Tĩnh và Formosa Đồng Nai đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Chính phủ đã đưa ra quan điểm chỉ đạo không đánh đổi phát triển kinh tế để đổi lấy môi trường bị hủy hoại. Lĩnh vực sản xuất thép thuộc lĩnh vực công nghiệp nặng nên sẽ ảnh hưởng đến môi trường (nhất là các loại kim loại nặng thải ra trong quá trình sản xuất và khói bụi dù doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường” – nội dung văn bản chỉ rõ.

Và cuối cùng, cần nêu rõ được vì lý do gì Công ty TNHH Thép Việt Pháp chọn khu vực này? Bởi theo các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này, khi đầu tư bất cứ một dự án nào thì điều rất quan trọng mà các nhà đầu tư luôn hết sức chú ý là yếu tố địa kinh tế của nơi đặt dự án. Đó phải là nơi gần vùng nguyên liệu, có nguồn nhân lực tốt, gần thị trường tiêu thụ và chi phí vận chuyển thấp.

Với việc đặt nhà máy luyện cán thép Việt Pháp ở huyện Nam Giang, giới phân tích cho rằng đây không phải vùng nguyên liệu, không có mỏ quặng sắt trong khi nếu nhà máy này chủ yếu sử dụng nguyên liệu là sắt thép phế liệu để sản xuất các loại phôi thép mà không sử dụng quặng và than cốc như UBND tỉnh Quảng Nam thông tin thì hiện nay, sắt thép phế liệu để các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất phôi thép chủ yếu là nhập khẩu. Trong khi nhà máy thép Việt Pháp lại đặt ở trên núi, rất xa các cảng, cũng có nghĩa rất xa vùng nguyên liệu. Điều đó sẽ khiến chi phí đầu vào của nguyên liệu gia tăng rất cao.

Còn nhớ, trong Công văn số 4965/UBND-KTN về việc phúc đáp Công văn số 8212/UBND-TNMT ngày 06/10/2016 của UBND TP Đà Nẵng liên quan đến dự án Nhà máy Thép Việt Pháp, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có khẳng định là: “Trong quá trình đầu tư, phát triển KT – XH, tỉnh Quảng Nam xác định không đánh đổi môi trường để tăng trưởng và luôn quan tâm đến các tác động của các dự án đến đời sống nhân dân trong tỉnh và các khu vực lân cận, nhất là khu vực hạ du lưu vực các sông”. Với khẳng định như vậy của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, dư luận đang rất mong lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có những quyết định sáng suốt, lùi một bước để tiến những bước dài hơn trên con đường phát triển bền vững về sau.