Ngành thép sẽ chịu ảnh hưởng lớn trong quá trình giảm thải Carbon toàn cầu

Khi vấn đề biến đổi khí hậu đang dần trở thành ưu tiên chính trị cấp thiết, các nhà hoạch định chính sách đã phải quan tâm đến việc phát triển một bộ công cụ để giải quyết thách thức này. Trong bộ công cụ đó, định giá Carbon có vai trò quan trọng, là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu mức phát thải khí nhà kính ở cấp độ trong nước và quốc tế. Trong thời gian qua, tại một số thị trường, giá Carbon đã tăng nhanh và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong nhiều năm tới. Ngành thép, nếu chỉ tính riêng về hoạt động sản xuất thép và chưa bao gồm lượng điện năng sử dụng, đã chiếm khoảng 11% lượng phát thải CO2 toàn cầu năm 2019 và sẽ cần chuẩn bị để thích ứng với những mức giá mới này.

07/10/2021 10:27

Chính phủ các nước đang can thiệp vào thị trường để bắt buộc giảm lượng khí thải Carbon

Báo cáo mới nhất về vấn đề biến đổi khí hậu năm 2021 của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu công bố vào tháng 8 đã cung cấp những bằng chứng mới nhất về biến đổi khí hậu - mọi khu vực trên thế giới và toàn bộ hệ thống khí hậu đều bị ảnh hưởng. Trong khi một số thay đổi dường như không thể đảo ngược, các tác giả của báo cáo lập luận rằng việc giảm phát thải Carbon dioxide (CO2) và các khí nhà kính khác sẽ hạn chế biến đổi khí hậu một cách mạnh mẽ và bền vững.

Nhưng làm thế nào để thực hiện được điều này? Thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách chính là giải quyết vấn đề mà các nhà kinh tế gọi là “thất bại của thị trường tự do”: Nếu không có sự can thiệp của chính phủ, sẽ không có thị trường cho phát thải Carbon để định giá đúng chi phí phát thải thực sự - nguyên nhân của ô nhiễm môi trường, hiện tượng nóng lên toàn cầu và kéo theo nhiều hậu quả khôn lường. Kết quả như chúng ta đã thấy, cho đến nay lượng khí thải Carbon đã cao hơn mức được cho là tối ưu rất nhiều.

Chính phủ các nước trên thế giới đã đưa ra hai cách: áp dụng Hệ thống Thương mại Khí thải (ETS), hoặc áp đặt Thuế Carbon để giải quyết vấn đề này. Với hệ thống ETS, chính phủ các nước quy định lượng phát thải được phép và để thị trường tự tìm ra mức giá bù trừ, thường được gọi là “Mua bán giấy phép phát thải”. Ngược lại, với Thuế Carbon, chính phủ sẽ đánh thuế đối với khí thải và sau đó để thị trường tìm ra lượng phát thải cân bằng. Hình 1 cho thấy sự gia tăng mức độ phổ biến của hai cách tiếp cận này trong hai thập kỷ qua.

Cả hai cách tiếp cận có mức độ phổ biến gần như nhau trên toàn thế giới: vào năm 2021, có 29 hệ thống ETS và 35 trường hợp đánh thuế Carbon bao gồm các khu vực pháp lý của quốc gia và trên từng địa phương. Khi so sánh những đóng góp trong việc giải quyết phát thải khí nhà kính (GHG), hệ thống ETS đứng đầu, giảm được 16,1% lượng GHG toàn cầu, gấp khoảng ba lần so với tỷ lệ 5,5% lượng GHG mà Thuế Carbon giải quyết được tại các khu vực áp dụng.

Năm 2021, bình quân thuế Carbon của các nước EU là $42 /tấn CO2, tương đối rẻ hơn so với mức bình quân $56 / tấn CO2 đã được giao dịch trong hệ thống EU ETS, tính đến năm 2021.

Giá Carbon đang dần tăng cao từ mức khởi điểm thấp năm 2005

Khi các nhà hoạch định chính sách đã nâng cao tham vọng về kiểm soát biến đổi khí hậu, không có gì ngạc nhiên khi Định giá Carbon được coi như một công cụ để giải quyết phần lớn khó khăn.

Các quốc gia EU là khu vực đầu tiên khởi xướng một hệ thống ETS lớn vào năm 2005. Ban đầu, phạm vi bao phủ tương đối khiêm tốn và việc kiểm soát không quá khắt khe, sau đó hệ thống này đã trải qua bốn giai đoạn điều chỉnh ngày càng khó khăn hơn, với giai đoạn mới nhất được bắt đầu vào tháng Giêng năm nay. Bằng cách hạn chế nghiêm ngặt hơn lượng Carbon được cho phép, EU đang khiến giá Carbon thanh toán trên thị trường tăng cao. Và những biện pháp này dường như đang mang lại hiệu quả. Mặc dù trước đây giá Carbon ETS thường xuyên bị chỉ trích là quá thấp để tạo ra sự khác biệt, mức giá này tại EU đã tăng mạnh kể từ đầu năm, đạt mức kỷ lục mới €65 / tấn CO2 (tương đương $75 / tấn) vào ngày 26 tháng 9 ( Hình 2).

 

Vào tháng 7, Ủy ban Châu Âu đã công bố gói 'Fit for 55', đề xuất một loạt các biện pháp mới nhằm đáp ứng mục tiêu mới được đề ra là giảm thiểu phát thải nhà kính ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức phát thải của năm 1990. Đối với Ủy ban Châu Âu, giá Carbon cao hơn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu này.

Hành động không chỉ giới hạn ở Liên minh châu Âu: Trung Quốc, quốc gia có lượng phát thải Carbon lớn nhất thế giới, đã ra mắt hệ thống ETS trên toàn quốc vào tháng 7 sau nhiều năm thử nghiệm với các hệ thống ETS riêng biệt cho từng khu vực. Mặc dù còn quá sớm để đưa ra nhận xét về việc này, nhưng theo thời gian, hệ thống ETS mới này có thể được phát triển thành một công cụ mạnh mẽ để cắt giảm lượng khí thải Carbon ở Trung Quốc và sau đó, trên toàn cầu. 

Ngoài ra, có những sự phát triển thú vị khác cũng ở khu vực Châu Á. Một tổ chức trao đổi Carbon toàn cầu mới, Climate Impact X, sẽ đặt trụ sở chính tại Singapore vào cuối năm 2021. Tổ chức này cung cấp một thị trường cho việc giao dịch các khoản Tín dụng Carbon (Giấy phép phát thải Carbon) chất lượng cao và các 'giải pháp Carbon tự nhiên'. Các 'giải pháp Carbon tự nhiên' liên quan đến việc đầu tư vào trồng rừng, bảo tồn rừng và các dự án nhằm mục đích tạo ra nguồn hấp thụ Carbon tự nhiên để bù đắp lượng khí thải Carbon từ hoạt động của các công ty.

 

Con đường khó đi: giá Carbon cao hơn sẽ là chìa khóa để giảm lượng khí thải Carbon, nhưng sẽ không dễ dàng về mặt chính trị.

Sự gia tăng mạnh mẽ của giá Carbon trên hệ thống EU ETS trong những tháng gần đây đã đưa ra một số khái niệm sơ bộ về những gì có thể xảy ra trong những năm và thập kỷ tới. Một cuộc khảo sát gần đây bởi CRU về các dự báo giá Carbon được công bố bởi các tổ chức quốc tế, chính phủ, các tổ chức tư vấn và doanh nghiệp đã được thực hiện để biết được giá Carbon đang có xu hướng như thế nào. Như thể hiện trong Hình 3, phạm vi dự báo là rất lớn (phản ánh các phương pháp dự báo khác nhau và các giả định khác nhau) nhưng chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy giá Carbon toàn cầu có thể lên đến $100 / tấn CO2 vào năm 2030 và khoảng $300 / tấn CO2 vào năm 2050 nếu thế giới trở nên nghiêm túc về giảm thiểu biến đổi khí hậu.

 

Đối với các nhà hoạch định chính sách, có một con đường gập ghềnh phía trước. Ngay cả sự gia tăng nhỏ trong chi phí năng lượng hoặc nhiên liệu cũng thường xuyên dẫn đến các cuộc biểu tình hoặc thậm chí là bất ổn xã hội. Làm thế nào để thông tin về sự cần thiết của việc tăng giá năng lượng cho người dân với danh nghĩa giảm thiểu biến đổi khí hậu khi việc tăng giá mặt hàng này thường không được ưa chuộng và hay bị gán ghép với bất công xã hội? Lần tăng đột biến mới nhất của giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu là một lời nhắc nhở về điều đó. Tìm cách vượt qua bài toán hóc búa này sẽ là một trong những thách thức lớn nhất đối với các nhà hoạch định chính sách trong những năm tới. Như kết quả gần đây của cuộc trưng cầu dân ý của Thụy Sĩ về luật biến đổi khí hậu nghiêm ngặt hơn đã chứng minh một cách mạnh mẽ, thế giới nên sẵn sàng cho những thất bại lớn trên con đường đạt được cân bằng phát thải trong nhiều năm tới.

Ngành thép, vốn không tách rời khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng sẽ phải thích ứng với giá Carbon ngày càng cao.

Những trở ngại lớn không dễ dàng khiến thế giới từ bỏ tham vọng và thị trường hàng hóa - cũng giống như tất cả các lĩnh vực khác của nền kinh tế toàn cầu - sẽ cần chuẩn bị và thích ứng với giá Carbon cao hơn.

Giá Carbon với tiềm năng tăng mạnh trong tương lai sẽ có những tác động cơ bản đối với nhiều bộ phận của nền kinh tế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong ngành phát thải nhiều Carbon như sản xuất thép. Tuy nhiên, không phải tất cả doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng như nhau. Đối với những hoạt động có thể chuyển đổi sử dụng điện sang một giải pháp thay thế khác với lượng phát thải Carbon thấp hơn như khai thác mỏ sắt, quá trình chuyển đổi có thể ‘tương đối đơn giản’ và với chi phí thấp hơn. Ngược lại, việc thay đổi cách sản xuất hoặc xử lý một nguyên liệu thô quan trọng sẽ có nhiều thách thức hơn và gần như chắc chắn, là sẽ tốn kém hơn. Ở những nơi cần có sự thay đổi lớn trong công nghệ sản xuất (VD: sử dụng khí hydro trong sản xuất lò BF để giảm thải CO2), quá trình chuyển đổi này có thể sẽ rất khó khăn. Ngay cả các hoạt động sản xuất vốn đã có lượng phát thải Carbon thấp như sản xuất thép cán nguội vẫn sẽ bị lạm phát chi phí khi các hợp đồng cung cấp năng lượng được điều chỉnh lại trong bối cảnh giá điện tăng nhanh.

Các doanh nghiệp đang chuẩn bị sẵn sàng cho sự tác động này, có thể thấy qua số lượng ngày càng tăng các kế hoạch khử Carbon mở rộng hướng tới một thế giới cân bằng Carbon. Các ứng dụng công nghiệp phổ biến để khử Carbon bao gồm điện khí hóa các nguồn năng lượng đầu vào (thay thế than đá, than coke bằng điện), sử dụng năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu năng trong quá trình sản xuất để giảm lượng khí thải Carbon. Việc thực hiện các kế hoạch khử Carbon này thường phát sinh chi phí đầu tư đáng kể, là một rào cản lớn cho việc chuyển đổi. Tuy nhiên, những tổ chức đã đặt cược vào các khoản đầu tư khổng lồ để khử Carbon trong hoạt động sản xuất của họ đang bắt đầu thu được lợi ích rõ rệt khi chi phí phát thải Carbon tiếp tục tăng.

Điển hình như, trong tháng 10/2021, tập đoàn thép Nucor đã tung ra dòng sản phẩm thép "thuần không Carbon" Econiq. Nhà sản xuất ô tô General Motors là khách hàng đầu tiên, dự kiến sẽ nhận được những lô hàng của sản phẩm này vào quý I năm 2022.

Nucor cho biết sản phẩm Econiq của họ sẽ là sản phẩm xanh đầu tiên có quy mô lớn trong ngành thép Hoa Kỳ và sẽ đại diện cho mức phát thải khí nhà kính thấp nhất so với bất kỳ loại thép nào trên thị trường. Sản phẩm này sẽ được sản xuất bằng cách sử dụng 100% điện tái tạo và cân bằng Carbon chất lượng cao để loại bỏ mọi khí thải trực tiếp và gián tiếp.

Thyssenkrupp, trong khi đó, đã có kế hoạch thiết kế lại và thay thế dần bốn lò cao của tập đoàn này từ năm 2025, với mục tiêu thay thế than cốc bằng hydro xanh. Bốn lò cao của tập đoàn này sẽ cung cấp tổng cộng 11,6 triệu tấn gang hàng năm.

Ban Kế hoạch Thị trường - VNSTEEL